TS. Huỳnh Thế Du: Ủng hộ start-up nhưng không ủng hộ lao vào phong trào như con thiêu thân
"Nếu chúng ta chấp nhận cuộc chơi mà 100 “ông” start-up chỉ có 5-7 “ông” thành công và bay vào như con thiêu thân thì khả năng cao sẽ thất bại. Đây thực ra là cuộc đua đường trường, rất rủi ro", TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên ĐH Fulbright chia sẻ.
- 09-09-2018Điểm mặt 3 doanh nghiệp start-up Việt được mời tham dự WEF ASEAN 2018
- 07-08-2018Quỹ phát triển DNNVV sẽ tài trợ cho start-up
- 25-12-201710 sự kiện nổi bật của start-up Việt năm 2017
-Thưa ông, vừa qua có một bài viết "gây bão" về việc sinh viên giờ đua nhau bán hàng, chạy xe ôm, Grab kiếm vài triệu 1 tháng chứ không chịu làm việc cho các Start Up. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?
+ Ngay cả tôi cũng không làm start – up. Một là kiếm tiền như xu hướng trên mà bạn đề cập, hai là làm tại doanh nghiệp lớn.
Tôi cho rằng, làm việc tại các doanh nghiệp start–up rất rủi ro, lại không được trả lương cao và kinh nghiệm có khi cũng không học được nhiều.
Về nguyên tắc, một người tốt nghiệp ra trường sẽ có 3 xu hướng lựa chọn: một là làm cho các doanh nghiệp phát triển, ổn định. Hai là tự làm start-up của riêng mình. Hoặc là làm việc gì để có tiền nhanh.
Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, tuổi trên 35 -40 mới là tuổi khởi nghiệp tốt, thành công cao. Bởi khi chúng ta khởi nghiệp thì phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, vốn sống để xử lý nhiều vấn đề liên quan"
Nếu bạn vừa ra trường bạn có muốn làm cho start –up không? Tôi cho rằng, đó là lựa chọn cuối cùng. Thực tế là như vậy.
-Start-up vốn đang được giới trẻ Việt Nam đặt rất nhiều niềm tin. Vậy tại sao ông lại có suy nghĩ như vậy?
+ Start–up tại Việt Nam đang có trục trặc khá lớn. Mọi người đều cổ vũ cho start-up nhưng cần nhìn vào thực tế rằng, tỷ lệ start-up không thành công là rất nhiều.
Doanh nghiệp start-up cần một sự hỗ trợ rất lớn, trong khi tại Việt Nam tính phong trào hơi cao. Tôi không hiểu quan điểm của những người khác như thế nào, nhưng nếu phân tích một cách duy lý thì theo tôi, hầu hết sinh viên ra trường không chọn môi trường start-up để làm là đúng. Start-up vốn dĩ đã vô cùng rủi ro, vì thế nó cần phải được đặt trên một nền tảng ổn định.
Ví như ở Hoa Kỳ, phong trào start-up, phong trào đổi mới sáng tạo rất mạnh… là bởi vì họ có nền tảng tốt về kiến thức, sự hỗ trợ, vốn đầu tư mạo hiểm… Nhưng ở Việt Nam, những thứ này đều khó khăn, kể cả huy động tài chính. Ngay cả những ý tưởng táo bạo, sáng tạo để thu hút người đến làm việc cũng không nhiều…
-Nhưng ở Việt Nam, Chính phủ cũng đang rất ủng hộ cho start–up, thưa ông?
+Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… là nên làm. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải tạo ra một hệ sinh thái và đặc biệt là đừng tạo ra tư tưởng bỏ học cũng có thể làm giàu được hay "làm giàu không khó"…
Tôi cho rằng "có thực mới vực được đạo", nghĩa là muốn làm gì thì cũng phải làm rất tử tế. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, tuổi trên 35 -40 mới là tuổi khởi nghiệp tốt, thành công cao. Bởi khi chúng ta khởi nghiệp thì phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, vốn sống để xử lý nhiều vấn đề liên quan.
Nếu chúng ta chấp nhận cuộc chơi mà 100 "ông" start-up mà chỉ có 5-7 "ông" thành công và bay vào như con thiêu thân thì khả năng cao sẽ thất bại. Đây thực ra là cuộc đua đường trường, rất rủi ro. Tôi ủng hộ start-up nhưng tôi không ủng hộ phong trào.
-Xin cảm ơn ông!
Tổ Quốc