MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Đăng Doanh: “Đừng lạc quan tếu, cũng không nên đưa ra bức tranh sai sự thật về kinh tế tư nhân”

Cần nhìn thẳng thắn và đánh giá đầy đủ về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam để có chính sách thúc đẩy phát triển cho phù hợp.

Thông tin được các chuyên gia khuyến nghị tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam sáng ngày 4/10.

Theo TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (Ciem), kinh tế tư nhân đóng góp gần 40% trong nền kinh tế, hiệu quả đầu tư khu vực này dù chỉ bằng 79,3% FDI song so với kinh tế Nhà nước thì hiệu quả gấp đôi.

Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và nhà nước được Ciem chỉ ra, khi tư duy coi DN tư nhân vẫn chỉ là thứ yếu và chưa coi trọng. Dẫn tới, khi áp dụng chính sách hỗ trợ, đã không tập trung những đối tượng thực sự nên không mang lại hiệu quả.

GS. Nguyễn Kế Tuấn (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng sự phân biệt đối xử, cản trở từ khu vực nhà nước đã tạo ra sự bất bình đẳng. Thực tế, những đại gia vẫn nhận được sự ưu ái trong khi DN nhỏ, vừa, yếu thế thì tiếp cận nguồn vốn, đất đai, tín dụng gặp khó khăn.

“Nguyên nhân chính là Nhà nước chậm đổi mới nền kinh tế thị trường. Nhà nước đóng vai trò kép, là nhạc trưởng cho sự phát triển nhưng cũng chính là chủ sở hữu nền kinh tế” – GS. Tuấn nói.

Dẫn tới, dù kinh tế tư nhân chiếm trên 96% số lượng DN, nhưng đầu tư tài chính và giá trị tài sản cố định chiếm số lượng hết sức khiêm tốn. Số lượng DN có vốn dưới 5 tỉ, chiếm tới 26%, số lượng DN có dưới 9 lao động cũng chiếm tỉ trọng cực kì lớn, cho thấy việc phát huy vai trò đã bị hạn chế cực kì lớn.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng trong suốt bao nhiêu năm, mới coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Trong khi trước đây, tình trạng “phân biệt đối xử” diễn ra khá phổ biến khi mọi nguồn lực chỉ đang tập trung cho khu vực Nhà nước.

“Nguồn lực được phân bổ theo kiểu xin cho nhiều, đầu tư công nhiều. Môi trường lại không công khai minh bạch hoặc quá chậm. Kinh tế tư nhân dựa rất nhiều vào nguồn vốn Nhà nước thì làm sao vươn lên được?” – ông Thiên đặt câu hỏi.

Một trong những nguyên nhân khiến cho DN tư nhân chậm lớn, kinh doanh không có lãi và hao mòn lợi nhuận, theo GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, là do gánh nặng thuế phí. Trong khi lợi nhuận của DN thì lúc lên lúc xuống, nhưng chính sách thuế phí thì vẫn nặng gánh. Việc tiếp cận ngân hàng cũng khó khăn khi có 70% tín dụng là dành cho khoảng 20% DN, 3% DN vừa, còn 30% DN nhỏ và siêu nhỏ thì khoảng 20%.

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có đánh giá đầy đủ thực trạng của DN tư nhân Việt Nam với cái nhìn đầy đủ và khách quan. Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế thì “đừng lạc quan tếu và cũng không nên đưa ra bức tranh sai sự thật bởi thực tế có không ít DN nhỏ thì không muốn lớn".

Cho rằng cần thay đổi tư duy, rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến hành động là vấn đề đặt ra hiện nay, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ ra những tiêu cực, nhũng nhiễu, hiện đang là rào cản khiến DN tư nhân không lớn lên được. Quá trình đổi mới, cải cách lại không đồng bộ, cho tư nhân phát triển nhưng vẫn dựa vào kinh tế nhà nước và coi đó là chủ đạo, phân bổ 50% nguồn lực, nển DN tư nhân đã không có nguồn để phát triển.

"Đa phần DN tư nhân của Việt Nam đều cố gắng mưu sinh, tồn tại được là do nhu cầu tự thân, nên dù chèn ép vẫn phát triển được. Thế nhưng không may là để tự mưu sinh thì họ phải nhờ quan hệ, thân hữu như vậy nên lại gây thêm sự méo mó trong thị trường. Mừng là vì DN tư nhân đã biết liên kết lại với nhau, nhưng vấn đề này cần được phát huy hơn nữa" - bà Chi Lan khuyến nghị.

N. An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên