TS Lê Đăng Doanh nghi ngờ tính minh bạch của cơ sở tăng giá xăng dầu
Giá xăng, dầu quyết định yếu tố đầu vào của nền kinh tế và các yếu tố đầu ra của nhiều các lĩnh vực nên cần được kiểm soát chặt chẽ.
- 07-04-2018Giá xăng tăng mạnh gần 600 đồng/lít từ 15h hôm nay 7/4
- 31-03-20181 lít xăng sắp phải cõng 4.000 đồng tiền thuế
- 23-03-2018Tiếp tục giữ nguyên giá xăng dầu
-
Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước
-
Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023
Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thống kê công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 3/2018 tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý I/2018 tăng so với bình quân cùng kỳ năm trước do các địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 3 tháng đầu năm tăng khá mạnh, làm giá xăng dầu bình quân quý I tăng 9,18% so với cùng kỳ, đóng góp 0,38% vào mức tăng CPI chung.
Những ngày đầu tháng 4 này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu, đồng thời quyết định tăng giá đồng loạt các mặt hàng xăng từ 526 - 592 đồng/lít; Giá các mặt hàng dầu tăng từ 425 - 638 đồng/lít.
Xăng dầu tăng giá tác động tiêu cực đến mặt hàng giá chung trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: KT)
Giới chuyên gia cho rằng, việc Liên Bộ tăng giá đồng loạt các mặt hàng xăng, dầu trong kỳ điều hành lần này có tác động tiêu cực đến mặt hàng giá chung trong thời gian tới. Điều này gây nguy cơ làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 cũng như các tháng tiếp theo tăng cao, làm ảnh hưởng đến việc kìm chế gia tăng tốc độ lạm phát.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, năm 2018 này, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đề ra là 4%, nhưng trong 3 tháng của Quý I/2018, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ ở mức 1,34% nên dư địa kìm chế lạm phát còn rất hẹp. Trong khi đó, theo dự báo của một số chuyên gia, lạm phát năm nay chỉ khoảng 3,6 – 3,8% nếu không có các yếu tố bất ngờ.
Trong bối cảnh đó, giá mặt hàng xăng, dầu luôn có ý nghĩa quyết định rất lớn đến yếu tố đầu vào của nền kinh tế, đồng thời tác động đến tất cả các yếu tố đầu ra của rất nhiều các lĩnh vực lại bắt đầu có hướng nhích lên.
“Thời gian qua, nếu giá điện được Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ, mỗi lần tăng giá đều phải kiểm soát các chi phí và giá thành cùng những yếu tố liên quan…thì giá xăng dầu kỳ này lại tăng cao. Trong khi Bộ Y tế tháng 5 tới lại điều chỉnh một loạt giá dịch vụ, một số loại giá khác Nhà nước đang quản lý cũng sẽ được điều chỉnh thì lúc này cần phải kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu”, TS. Ngô Trí Long cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cảnh báo, tăng giá xăng, dầu chắc chắn làm tăng chỉ số giá cả và việc tăng này sẽ diễn ra ở nhiều vòng, trong kinh tế học gọi là cân đối liên ngành.
TS. Lê Đăng Doanh phân tích, khi giá xăng, dầu tăng sẽ dẫn đến chi phí vận tải tăng, chi phí vận tải tăng sẽ kéo theo giá các sản phẩm khác tăng lên. Ví dụ giá xi măng tăng là yếu tố đầu vào của nhà đất, giá nhà sẽ tăng lên khiến giá thuê nhà tăng theo, những người cho thuê lại tăng giá cho thuê nhà.
“Khoảng sau 3 tháng khi giá xăng dầu tăng sẽ có tác động đầy đủ đối với liên ngành, khi đó chúng ta mới biết được hết, còn hiện nay, giá xăng dầu mới tăng sẽ chỉ tiếp tục làm tác động về giá giữa các ngành với nhau.
Chính vì thế theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, “liên bộ phải công bố các giá xăng để người dân biết và xem xét mức độ hợp lý. Hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nói rằng họ nâng giá xăng là do giá xăng quốc tế tăng, nhưng theo tìm hiểu, giá xăng quốc tế tăng không nhiều đến như thế, vả lại giá xăng thế giới tăng không có tác động nhiều đến giá nguyên liệu etanol”.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu không công khai, minh bạch về giá, rất khó kiểm soát được giá cả thị trường, trong khi yêu cầu kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu, giá điện vừa được chính liên Bộ Công Thương - Tài chính đưa ra tại Cuộc họp điều hành giá tháng 3, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng.
Từ thực tế của một doanh nghiệp vận tải đang tiêu dùng một lượng lớn xăng dầu, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyên Minh, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP Hà Nội mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cần công bố, quảng bá và truyền thông mạnh mẽ về chất lượng xăng E5 để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Bên cạnh đó, cần phải công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu theo đúng các quy định pháp luật. Khi đó, thị trường xăng dầu mới thực sự công khai, minh bạch và tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
“Đứng từ góc độ doanh nghiệp cũng như Hiệp hội vận tải chúng tôi thấy rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét lại việc quản lý và điều hành xăng dầu cho thật minh bạch và rõ ràng. Việc điều hành này nhân dân và các doanh nghiệp vận tải kêu quá nhiều và quá lâu nhưng cũng không được giải quyết một cách triệt để”, ông Minh khẩn thiết./.