MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Xuân Nghĩa: Các “ông chủ” ngân hàng chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình

24-08-2021 - 10:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng báo lãi lớn, doanh nghiệp đồng loạt đề nghị giảm mạnh lãi suất cho vay thêm 2 – 3%, thậm chí đưa về 0% hoặc dừng tính lãi vay. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, điều này làm khó các ngân hàng bởi nếu tính sòng phẳng, ngân hàng đang lỗ và các “ông chủ” ngân hàng chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
94 bài viết

Doanh nghiệp than khó, "xin" ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất hoặc dừng tính lãi vay

Trong tuần qua, Vietcombank và BIDV đã công bố thêm gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng dành cho các khách hàng và doanh nghiệp tại 19 tỉnh thành  phía Nam với mức giảm từ 0,3 – 1,5%.

Tại VietinBank, đại diện nhà băng này cho hay, bên cạnh các chính sách miễn giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô của tất cả các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150 nghìn tỷ đồng.

TS Lê Xuân Nghĩa: Các “ông chủ” ngân hàng chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình - Ảnh 1.

Các "ông lớn" ngân hàng tiếp tục tung gói vay lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng. (Ảnh: CTG)


Thực tế, kể từ đầu mùa dịch đến nay không chỉ các ngân hàng quốc doanh, nhóm các ngân hàng tư nhân đã tung ra nhiều gói vay ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp.

Đồng thời, cam kết cắt giảm lãi suất cho vay từ ở mức phổ biến từ 0,5%- 2% đối với dư nợ của các khách hàng bị đại dịch.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các ưu đãi tín dụng từ phía ngân hàng. Tiêu biểu như mới đây, trong đơn trình bày khó khăn gửi tới Hiệp hội nhà thầu Xây dựng, Công ty CP Eurowindow "tố" rằng chi phí lãi vay ngân hàng vẫn chưa được giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cùng với đó, các khoản vay vốn lưu động của Eurowindow sau ngày 30/6/2020 không được giãn nợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, ảnh hưởng của đại dịch đang khiến cho doanh nghiệp sụt giảm 70% - 80% lợi nhuận.

Tương tự, Tập đoàn Cienco 4 cũng phản ánh hiện nay các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp, an sinh xã hội cho người lao động thì doanh nghiệp và người lao động vẫn còn khó tiếp cận.

Do đó, không chỉ mong muốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp còn đề xuất được hạ từ 2 – 3% lãi suất cho vay.

Thậm chí, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam còn đề xuất giảm lãi suất vay ngân hàng về 0% để duy trì hoạt động đến hết năm 2021.

Công ty CP Xây dựng Vijako Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng cho phép dừng tính lãi suất ngân hàng các khoản vay phục vụ xây lắp trong thời gian giãn cách và ảnh hưởng trực tiếp sau giãn cách.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp các ngành hàng như vận tải, du lịch, khách sạn… cũng đưa ra đề xuất tương tự.

TS Lê Xuân Nghĩa: Các “ông chủ” ngân hàng chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp than khó, muốn giảm mạnh lãi suất cho vay, thậm chí dừng tính lãi vay đến hết năm 2021. (Ảnh: Vinaconex)

Nếu tính sòng phẳng, các "ông chủ" ngân hàng chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình

Một trong những lý do viện dẫn cho đề nghị được giảm lãi suất cho vay thêm từ 2 - 3% thậm chí là 5%, được doanh nghiệp đưa ra đó là, các ngân hàng đang lãi lớn trong khi doanh nghiệp khó khăn thì việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là việc "nên làm" của các ngân hàng.

Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia, việc các ngân hàng lãi lớn hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng – theo cách nhìn của doanh nghiệp, thực chất con số này chỉ là con số "ảo".

Có một thực tế là một năm rưỡi qua, các ngân hàng thương mại công bố lợi nhuận rất lớn, từ 12-20% vốn điều lệ (ROE). Thực chất đây là lợi nhuận có bao gồm cả các khoản giãn, hoãn nợ (nợ xấu) mà chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Nói cách khác, đây là lợi nhuận dự tính thu được (lãi dự thu), không phải là tiền thật 100%. Cổ đông ngân hàng phấn khởi, ngân sách tăng thu nhưng đều là thu từ nợ xấu chưa hạch toán nội bảng.

Nếu theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IAS), nợ xấu mất vốn bị hạch toán trừ vào vốn điều lệ (Vốn cấp I) thì thực chất là đang ăn vào vốn. Khi dịch Covid-19 đi qua, hết hạn giãn, hoãn nợ, nợ xấu sẽ tăng đột biến trên nội bảng, trích lập dự phòng rủi ro tăng cao, lợi nhuận dự thu giảm mạnh, nhiều ngân hàng có thể rơi vào tình trạng "tài chính hậu kỳ bất lực" nguy hiểm, như đã từng xảy ra vào những năm đầu của thập kỷ qua.

"Nói tóm lại, lợi nhuận ngân hàng hiện nay là ảo, vốn cũng ảo vì tại các quốc gia khác, ví dụ vốn điều lệ của anh là 10.000 tỷ nhưng có tới 5.000 tỷ là nợ xấu thì vốn sau đánh giá lại chỉ còn 5.000 tỷ, nhưng Việt Nam không thực hiện đánh giá lại vốn. Nếu "trần trụi" nợ xấu, trích lập dự phòng một cách sòng phẳng, thì nhiều ngân hàng sẽ chuyển lãi thành lỗ. Các ông chủ ngân hàng hiện nay chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình", ông Nghĩa nói.

TS Lê Xuân Nghĩa: Các “ông chủ” ngân hàng chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình - Ảnh 3.

Các ông chủ ngân hàng hiện nay chia nhau cổ tức bằng chính vốn liếng của mình. (Ảnh: ABB)

Còn trên mặt bằng chung, lãi suất huy động vẫn ở mức 3,5-6%/năm như hiện nay, theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, cơ hội để giảm tiếp lãi suất tiền gửi là rất thấp thậm chí được coi là mạo hiểm. Do đó, việc "cả làng" xin giảm lãi suất, thậm chí đưa lãi suất về 0% đang làm khó các ngân hàng.

Cũng có một số doanh nghiệp lên tiếng đề nghị ngân hàng giảm lãi suất về 0% trên cơ sở so sánh lãi suất của nhiều nước trên thế giới tiệm cận mức 0%, lãi suất của Mỹ là 0,25%/năm. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, lãi suất 0,25% mà Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố không phải là lãi suất tiền gửi tiết kiệm, lại càng không phải là lãi suất mà các NHTM cho doanh nghiệp và dân chúng vay.

Lãi suất cho vay ở Mỹ tùy thuộc vào lãi suất tiền gửi; cấp độ rủi ro và kỳ hạn cho vay nó dao động trong khoảng từ 2,5-4,6%/năm, là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo H.Anh

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên