MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Xuân Nghĩa: Hãy nhìn vào con số 'thực chất' của nợ xấu

24-02-2021 - 15:42 PM | Tài chính - ngân hàng

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng điều đáng lo ngại nhất trong trung hạn là vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, không nên sửa Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ theo hướng 'giấu nợ' mà cần phải nhìn thực chất con số nợ xấu đang có là bao nhiêu, còn việc xử lý nợ có thể kéo dài nếu cần thiết.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
94 bài viết

Nền kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng kép cả về y tế và kinh tế dưới tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng dương 2,91% năm 2020, khiến Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm chung của cả thế giới. Góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng này là công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, có phần "đặc thù" của Việt Nam trong thời gian qua.

Để làm rõ hơn những thành công và thách thức với nền kinh tế Việt Nam nói chung và công tác điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới nói riêng, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia về vấn đề này.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Hãy nhìn vào con số thực chất của nợ xấu - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: Internet.


Ông có thể đưa ra cái nhìn tổng quát về những gì đã làm được trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2020 và đâu là thách thức trong năm 2021?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đánh giá tổng quát năm 2020 có thể coi là 1 năm thành công của chính sách tiền tệ. Tỷ lệ lạm phát khá là thấp, nhất là lạm phát tính theo chỉ số CPI rất thấp, chưa tới 1%. Thứ 2 tỷ giá hối đoái so với đồng USD về cơ bản ổn định. Lãi suất có giảm chút ít so với năm 2019.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có chính sách tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề xử lý nợ cũ và cho vay mới nhằm vượt qua dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng trưởng tín dụng đều đạt trên 12%. Tăng trưởng GDP cũng khá cao trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu.

Có ý kiến cho rằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng như trên thì tốc độ tăng trưởng GDP như vậy là quá thấp, chưa bằng 1/4 tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết thì không có quan hệ tỷ lệ cố định nào giữa 2 con số này. Trong hoàn cảnh năm 2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao là kết quả của lộ trình giảm lãi suất của NHNN, tức là tăng cung tiền nhằm hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và đặc biệt hỗ trợ cho duy trì và phục hồi của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, khả năng hấp thụ vốn và hiệu quả của sản xuất kinh doanh suy giảm do dịch bệnh dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Đây cũng là một hậu qủa phổ biến của suy thoái kinh tế gắn với giảm phát trên toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng kép cả về cung cũng như cầu. Hay nói cách khác suy thoái đi liền với thiểu phát.

Với năm 2021, có thể vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn đối với kinh tế thế giới và cũng sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Thương mại toàn cầu, GDP của một số đầu tàu kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi trong từ quý 3/2020 nhưng lại bắt đầu suy giảm vào quý 4/2020, có thể sẽ suy giảm sâu trong quý 1/2021 do đại dịch cOVID-19 bùng phát trở lại với tốc độ quy mô còn cao hơn trước đây.

Việt Nam mặc dầu đã kiểm soát được tương đối dịch COVID-19 nhưng nguy cơ còn rất lớn, đặc biệt là xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và cả khu vực nội địa cũng sẽ phải chịu những tác đọng xấu từ sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, EU. Các hiệp định thương mại tự do mặc dầu đã được ký kết thì cũng khó có thể phát huy tác dụng đầy đủ trong năm 2021.

Chính sách tiền tệ năm 2021 được đánh giá là dựa trên một nền tảng thuận lợi như lạm phát thế giới còn thấp, phục hồi kinh tế nội địa vẫn chậm, nhập khẩu dự đoán tăng chậm hơn xuất khẩu. Vì vậy điều quan trọng nhất là NHNN cần có chính sách tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ cho quá trình phục hồi mà không tạo ra lạm phát. Muốn vậy NHNN cần nhìn vào lạm phát cơ bản để điều hành cung tiền tệ.

Hiện tại lạm phát cơ bản đang là 2,3% là mức tương đối cao so với nhiều năm gần đây nhưng trong bối cảnh hiện nay có thể duy trì mức lạm phát cơ bản khoảng 3% và dựa vào đó để điều hành lãi suất, tỷ giá hối đoái và qua đó điều hành cung tiền tệ một cách thích hợp.

Vậy mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 là 6% liệu có quá sức?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mang tính đột phá như đầu tư công, tận dụng thị trường Trung Quốc và 1 số hiệp định thương mại tự do... Nhưng như trên đã nói tất cả đều phụ thuộc vào khả năng bật dậy của các doanh nghiệp vốn đang rất yếu do thị trường đầu ra, đầu vào, nợ và khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

Một điểm đáng lưu ý là các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vốn được hỗ trợ rất ít trong năm 2020. Có thể nói trong đại dịch COVID-19 họ phải gồng mình, dùng toàn bộ nguồn lực sẵn có để tồn tại (nợ xấu gia tăng, các ngân hàng bắt đầu đòi nợ, doanh nghiệp sống dở chết dở).

Vì vậy, sức bật trong năm 2021 là rất thấp so với doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới được hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Theo dự báo của tôi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 chỉ đạt khoảng 5-5,5% - đâu đó bằng tăng trưởng kinh tế năm 2019 + năm 2020 chia đôi.

Về vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, NHNN đang dự thảo sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại thời gian trả nợ. Theo ông nên sửa theo hướng nào?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nợ xấu đúng vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay. Qua 1 năm tái cơ cấu nợ (không chuyển nhóm, khoanh, giãn nợ) thì con số nợ xấu thực sự hiện tại là chưa thể đo đếm chính xác được, nhưng dự đoán là khá lớn. Nhìn vào lợi nhuận trước thuế của các NHTM năm nay cũng khá lớn cho thấy nhiều khoản nợ xấu chưa được trích lập dự phòng, chưa được hạch toán đầy đủ.

Việc điều chỉnh Thông tư 01 trong năm 2021 là cần thiết. Tuy nhiên, nên theo hướng làm bộc lộ con số thực về nợ xấu - yêu cầu chuyển nhóm nợ đúng thực chất, còn việc xử lý nó thì cần có lộ trình vài ba năm tránh gây áp lực lớn và tức thì cho các doanh nghiệp. Đây sẽ là điều đáng lo ngại nhất với kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

Có thể chúng ta đã có thị trường đầu ra khả quan với các FTA nhưng nếu doanh nghiệp không đủ nguồn lực để tận dụng thì lợi thế của các hiệp định FTA sẽ rơi vào các doanh nghiệp FDI là chủ yếu. Chúng ta sẽ có con số tăng trưởng kinh tế đẹp nhưng giá trị gia tăng thực sự cho doanh nghiệp nội địa và người lao động Việt Nam là rất thấp. Điều này phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của doanh nghiệp Việt Nam và lộ trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng với các doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!


Theo N. Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên