TS. Nguyễn Đình Cung: Nguồn lực không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực 'chết'
Nguồn lực không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực chết. Để phát huy hết nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh, các cơ quan Nhà nước cần xem lại thể chế, chính sách để có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thực tế, TS. Nguyễn Đình Cung đề nghị.
- 27-09-2023Kinh tế Việt Nam có tiếp tục duy trì được vị thế "điểm sáng" trong khu vực?
- 27-09-2023Đấu giá biển số được 133 tỷ nhưng mới thu gần 11 tỷ đồng: Cần phải xử phạt các 'đại gia' bỏ cọc?
- 27-09-2023Tăng trưởng kinh tế 2023 của Việt Nam được dự báo cao hay thấp so với Thái Lan, Singapore và các nước láng giềng?
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Vừa qua tại diễn đàn "Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023", nhiều quan tâm của các đại biểu, chuyên gia quan tâm tới chủ đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó".
Xung quanh vấn đề này, Nhadautu.vn đã trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân, thể chế để khai thác nội lực từ kinh tế tư nhân...
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, khu vực này lại chưa thể phát huy được hết nội lực để phát triển. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Đình Cung: Khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng gần 50% GDP. Trong kinh tế tư nhân có 2 bộ phận là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và khu vực kinh tế theo dạng hộ sản xuất kinh doanh. Theo tôi, hiện kinh tế tư nhân gặp một số khó khăn từ bên ngoài và nội tại.
Khó khăn từ bên ngoài là mức độ, năng lực hội nhập khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế. Đầu tư của kinh tế tư nhân ra nước ngoài còn thấp. Gần như công nghiệp chế biến, chế tạo là do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện bởi doanh nghiệp trong nước còn chưa chế tạo được nhiều nên không tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về mặt chính sách, tuy chúng ta có nhiều cải cách nhưng hiện nay, doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận được nguồn lực, huy động nguồn vốn cho nên họ khó thể phát triển được để dẫn dắt được chuỗi giá trị sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân còn cảm thấy lo ngại, chưa yên tâm trong sản xuất kinh doanh hoặc họ sợ làm sai khi những quy định trong các luật, nghị quyết, thông tư còn chồng chéo, chưa thống nhất với nhau...
Để khai thác các năng lực nội sinh từ kinh tế tư nhân, chúng ta cần phải làm gì?
TS. Nguyễn Đình Cung: Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra là "Tăng cường năng lực nội sinh, tạo động lực tăng trưởng". Theo tôi, sự phát triển kinh tế phải dựa vào nội lực doanh nghiệp tư nhân, con người của mỗi quốc gia.
Khu vực kinh tế tư nhân là khu vực không thể thiếu để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Nếu kinh tế tư nhân không duy trì được thì sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. Do đó, nhiều doanh nghiệp đều phải thắt chặt chi tiêu, chi phí để có được lợi nhuận cho sự tồn tại.
Nguồn lực không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực "chết". Nhân tài, trí tuệ không được sử dụng vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực "chết".
Trong số những doanh nghiệp không thể tồn tại được đã rút khỏi thị trường thì cũng có những doanh nghiệp được mua lại hoặc sáp nhập với doanh nghiệp khác. Với những trường hợp như này, chính sách của chúng ta phải ứng xử với họ như thế nào là vấn đề cần quan tâm. Theo tôi, chúng ta cần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp như miễn giảm lãi suất, phí, thuế để cùng với họ cắt giảm chi phí để tồn tại.
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển.
Ngoài ra, chúng ta cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để doanh nghiệp tiên liệu được trong hoạt động của mình.
Vậy để phát huy nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế, các cơ quan Nhà nước phải làm gì?
TS. Nguyễn Đình Cung: Nguồn lực không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực "chết". Nhân tài, trí tuệ không được sử dụng vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực "chết". Để phát huy hết nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế thì các cơ quan Nhà nước, bộ, ngành cần xem lại thể chế, chính sách để có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhà đầu tư