MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi tin 2 năm nữa “siêu uỷ ban” sẽ đi vào hoạt động

Trước những ý kiến nghi ngại thậm chí là phản đối mô hình Uỷ ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn khẳng định rằng ông tin cơ quan này sẽ được thành lập.

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

Việc thành lập Uỷ ban quản lý, giám sát vốn tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp đang thu hút nhiều luồng ý kiến trái chiều của dư luận.

Ở một khía cạnh, việc thành lập này là đúng đắn, bởi "Nó thực hiện được nghị quyết của Hội nghị trung ương là tách được quản trị chủ sở hữu ra khỏi quản trị kinh doanh bình thường. Đấy là cái xưa nay bộ nào đi bộ nấy, vừa quản lý nhà nước, vừa quản lý kinh doanh, nay tách ra được thì đấy là điều tốt" – như nhận xét của chuyên gia Nguyễn Quang Thái. Nhưng ở một khía cạnh khác, nó dấy lên nhiều hoài nghi và lo ngại về tính khả thi.

30 tập đoàn, tổng công ty với số vốn lên đến 5 triệu tỷ, “siêu bộ” với cơ chế nhân sự, điều hành nào có thể gánh vác được là những câu hỏi lớn đối với nhiều người nói chung và giới chuyên gia nói riêng.

Trước những ý kiến e ngại, nghi ngờ thậm chí là phản đối mô hình Ủy ban quản lý, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, người chắp bút cho đề án này khẳng định rằng ông tin là cơ quan này sẽ được thành lập.

“Tôi không đưa ra một phương án rồi đi bảo vệ, thuyết phục cho phương án đấy, bản thân tôi là người đi thu thập, tiếp thu ý kiến để cho cơ quan này ra đời và hoạt động hiệu quả” – ông Nguyễn Đình Cung cho biết.

Về vấn đề nhân sự, ông Cung cho biết hiện nay ông không hề có sự mường tượng ra người đứng đầu cụ thể nào. Ông cho rằng đây là việc ông không nên làm vì “tất cả nên để thị trường chọn lựa, tôi chỉ là người đưa ra những tiêu chí. Bên ngoài có rất nhiều ứng cử viên, không nên chọn người chiến thắng ngay từ đầu”.

Ông cũng cho biết thêm là không nên nhìn vào hệ thống nhà nước cũng như nguồn nhân lực hiện nay để nghi ngờ vào việc không tìm ra được người xứng đáng.

Và để tìm ra được những viên ngọc quý này, ông Cung nhấn mạnh vào việc cần có những thảo luận để đạt được sự thay đổi lớn về cơ chế khác biệt nhằm thu hút người tài như là cơ chế lương thưởng không dựa trên mức lương công chức nhà nước mà lấy thị trường làm tiêu chí cũng như cơ chế sa thải, miễn nhiệm nếu không hoàn thành chỉ tiêu.

Về lo ngại khối tài sản lớn, có quản lý được không, ông Cung cho biết số vốn này là quá nhỏ, 5 triệu tỷ VNĐ nếu quy đổi là USD tương đương với 250 tỷ USD, so ra với các tập đoàn đa quốc gia thì nó cũng bình thường, ông cho biết.

“Tập đoàn đa quốc gia quản lý được thì mình quản lý được. Có thể mời người ta về dạy cho mình, tìm cách sử dụng họ. Người Việt làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia nhiều, họ có kinh nghiệm, miễn là chúng ta có thể thiết kế một động lực đủ mạnh, đủ hấp dẫn”, ông Cung nói.

Do đó, ông Cung khẳng định niềm tin của mình “Tôi tin là chỉ trong 2 năm thôi, Ủy ban này sẽ đi vào hoạt động bởi Nghị quyết của Đảng đã nêu rồi, luật đã có rồi, Chính phủ đã đưa vào chương trình hành động rồi. Hơn nữa không khí thảo luận về cơ quan chuyên trách này đã khác trước”.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên