TS. Nguyễn Đức Thành: Chính phủ Mỹ nợ Việt Nam 12 tỷ USD là bình thường
Trái phiếu Chính phủ Mỹ mặc dù không có mức sinh lời cao nhưng bù lại có tính thanh khoản cao và có thể dễ dàng chuyển đổi ra tiền mặt, được đánh giá là hoạt động đầu tư bình thường của Ngân hàng Trung ương để đa dạng hóa tài sản trong Quỹ dự trữ ngoại hối Quốc gia.
- 25-05-2016Chính phủ Mỹ nợ Việt Nam 12 tỷ USD: nhiều hay ít?
- 24-05-2016Chính phủ Mỹ đang nợ Việt Nam tối thiểu 12 tỷ USD
- 20-05-2016Vỡ nợ đe dọa “cỗ máy” trái phiếu 3.000 tỷ USD của Trung Quốc
Xung quanh thông tin Chính phủ Mỹ nợ Việt Nam 12 tỷ USD thông qua việc Việt Nam nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ, chúng tôi đã có trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
Với việc nắm giữ 12 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, Việt Nam nằm trong Top 50 quốc gia cho Mỹ vay nợ nhiều nhất. Ông bình luận thế nào về thông tin này?
Tôi cho rằng vấn đề này không có gì đặc biệt, 12 tỷ USD không phải là con số lớn. Còn việc nằm trong top 50 thì cũng không có gì cả, vì tính tập trung của các chủ nợ rất là cao và mức độ cho vay cao tập trung ở một số nước lớn, với quy mô hàng trăm tỷ USD, sau đó đến những nước nhỏ thì giảm dần rất nhanh và chỉ ở quy mô nhỏ.
Việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ là một nghiệp vụ bình thường trong việc đa dạng hóa tài sản của Quỹ Dự trữ Ngoại hối Quốc gia, tức là nắm giữ các tài sản ngoại tệ dưới các hình thức khác nhau. Tôi cho rằng hơn 10 tỷ USD không ăn thua gì, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là hơn 30 tỷ USD và NHNN có thể quyết định đa dạng hóa các tài sản khác nhau và trái phiếu Chính phủ Mỹ là một loại tài sản thường được các nước lựa chọn.
Ông lý giải thế nào về việc từ năm 2012 đến nay Việt Nam mua vào khá nhiều trái phiếu Chính phủ Mỹ theo thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ?
Việc mua bán là bình thường, không có gì là ghê gớm. Có thể hiểu từ 2012 đến nay việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng nhanh, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể thấy rằng nước Mỹ đã qua thời kỳ khủng hoảng và trái phiếu Chính phủ Mỹ có giá trị ổn định trở lại và an toàn. Tính an toàn cao lên nên họ chuyển dần sang đầu tư thì đó là động thái của thị trường thôi.
Khi đã quyết định đa dạng hóa tài sản để dự trữ ngoại hối, thì Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ Việt Nam quyết định đa dạng hóa trong đó có mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đó là chuyện bình thường vì nhiều nước còn mua trái phiếu Chính phủ Mỹ với giá trị lên tới nghìn tỷ USD.
Có nhận định cho rằng việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng lên trong thời gian từ 2012 – 2014 cho thấy nền kinh tế tốt hơn và mình cũng có của ăn của để để mua trái phiếu vào nhiều hơn. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Tôi không nghĩ là có một mối liên hệ tự động như vậy. Tôi không bác bỏ cũng không ủng hộ nhận định này. Việc Ngân hàng Nhà nước chọn tài sản nào, là trái phiếu Chính phủ Mỹ hay kênh nào trong danh mục tài sản là lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước. Có những nước thì họ lựa chọn tài sản khác để nắm giữ, hoặc mua trái phiếu của Chính phủ khác.
Việc đa dạng hóa nắm giữ các tài sản là lựa chọn của mỗi Chính phủ và Ngân hàng Trung ương, chứ Việt Nam giàu có hay không, kinh tế tốt lên hay không thì được phản ánh trong GDP, trong việc mua sắm của khu vực tư nhân và nhiều vấn đề khác, chứ không nhất định liên quan đến việc mua nhiều hơn vào trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Việc mua vào trái phiếu Chính phủ Mỹ để dự trữ ngoại hối liên tục tăng sẽ có tác động thế nào cho nền kinh tế, thưa ông?
Mục đích của dự trữ ngoại hối là giữ tài sản thanh khoản bằng ngoại tệ. Trong đất nước khi cần có việc gì, thì có thể chuyển trái phiếu sang USD Mỹ chẳng hạn, đó là trách nhiệm quản lý tài sản của NHNN. Còn khi chưa cần dùng đến thì nhận được lãi từ trái phiếu đó.
Nếu không mua trái phiếu thì họ có thể giữ tiền mặt USD Mỹ, vàng, hay một ngoại tệ nào đó khác, v.v... Nhưng nếu giữ tiền mặt thì thanh khoản rất tốt song sẽ không có sinh lời gì cả. Tôi cho đó là nghiệp vụ phân phối để đang dạng hóa tài sản, vừa đảm bảo thanh khoản vừa có thể thu lời, đó là trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước.
Ông có nghĩ bản chất của hoạt động này là khoản đầu tư của Chính phủ để kiếm lời hay không?
Mục đích khoản đầu tư này là để giữ tiền dưới dạng tài sản của các ngoại tệ. Quan trọng là tính thanh khoản phải cao, khi thanh khoản càng cao thì lãi suất càng thấp, việc sinh lời sẽ thấp.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ thì thường lãi suất không cao, bởi vì nó tốt, độ rủi ro thấp nhưng đổi lại tính thanh khoản cao. Tức là khi cần, chuyển lại thành tiền thì bán dễ nên là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ lợi nhuận không cao, nhưng an toàn và có tính thanh khoản cao và đó là mục đích của nhà đầu tư, tức là của Ngân hàng Trung ương trong việc đầu tư vào khoản này.
Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ thì nếu dự trữ ngoại hối hiện nay là hơn 30 tỷ USD thì trái phiếu chính phủ Mỹ chiếm tới 1/3 (12 tỷ USD), liệu có lo ngại?
Để đánh giá 12 tỷ là nhiều hay ít, thì phải tính toán cẩn thận. Vì trong danh mục còn nhiều lựa chọn khác, với nhiều loại tài sản khác, với mức sinh lời khác nhau đi liền với thanh khoản khác nhau. Tôi hiện chưa tính toán điều này nên không có kết luận gì.
Đây là nghiệp vụ của NHNN, có lợi hay bất lợi thì họ chịu trách nhiệm. Nếu được hỏi ý kiến tư vấn thì chúng tôi cũng phải nghiên cứu kỹ mới dám trả lời. Nhưng cảm nhận của tôi thì như hiện nay không có gì bất thường.
Trí Thức Trẻ
- Một thương hiệu của 1 doanh nghiệp lớn được Tổng thống Mỹ Obama sử dụng nhưng không truyền thông?
- Hậu trường chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản của ông Obama
- Ngày bận rộn của Chủ tịch nước đón Tổng thống Obama
- 100 đặc nhiệm tinh nhuệ vây quanh ông Obama
- Chat với cô gái được làm MC buổi trò chuyện cùng Obama