MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đức Thành: Tăng tưởng kinh tế khó vượt qua mức 6,5%?

Điều đáng mừng là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, đề cao doanh nghiệp, cải cách môi trường kinh doanh và hình thành Chính phủ liêm chính đã mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016.

Với chủ đề: “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng”, báo cáo được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và đang bước vào một chu kỳ hội nhập quốc tế mới.

Kịch bản 2016: Lạm phát 4% và GDP không đạt mục tiêu?

Tuy nhiên, hiện nền kinh tế đang suy giảm năng suất liên tục trong 5 năm trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách phải thiết lập những nền tảng mới, thực sự hữu hiệu, cho tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế thế giới, có nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2015 với nhiều thử thách.

Đó là sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc và các thị trường mới nổi; giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản thấp; và chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ đối lập với các gói nới lỏng định lượng tại các nền kinh tế phát triển khác; các nước mới nổi tiếp tục suy giảm tăng trưởng và dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế là khiêm tốn.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức cao trong năm 2015 nhờ động lực từ khu vực sản xuất công nghiệp, mặt bằng giá thấp. Đánh giá về năm 2016, TS. Thành cho rằng rất khó để đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu và khó vượt quá mức 6,5%. Đồng thời, áp lực lạm phát có thể sẽ lớn hơn do chính sách tiền tệ nới lỏng và việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ công.

Cụ thể, với hai kịch bản kinh tế được VEPR đưa ra về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2016, dự báo lạm phát của năm 2016 có thể lên tới 4%, trong khi tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

"Một thông tin tích cực là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, rất đáng mừng. Đó là đề cao doanh nghiệp, cải cách môi trường kinh doanh, xây dựng chính phủ liêm chính, đã mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế" - TS. Thành nhận định.

Cần thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng

Nhìn về kinh tế trung hạn, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thiết lập những nền tảng mới cho tăng trưởng. Với 27 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016- 2020 được VEPR đưa ra, thì các kịch bản có khả năng cao xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khuynh hướng ở quanh mức 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 6,5-7%.

“Nhận định này cũng nhất quán với dự báo của IMF (2016) cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Điều này đưa tới một hàm ý rất đáng lưu tâm là Việt Nam không thể dựa trên các điều kiện cũ để tăng trưởng kinh tế, mà cần thiết lập những nền tảng mới cho tăng trưởng” – TS. Thành đánh giá.

Do đó, các chuyên gia của VEPR đã đề xuất một mô hình xây dựng chính sách kiểu mới, đi liền với cải cách hệ thống hành chính công, tăng kết nối liên bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mới của Việt Nam, đưa đất nước tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và bẫy hội nhập quốc tế.

Theo đó, mô hình này yêu cầu Việt Nam cần một cơ chế lãnh đạo mạnh, có tầm nhìn, được hỗ trợ bởi các cấp quản lý có năng lực, một hội đồng cạnh tranh làm việc có hiệu quả, và có thể khai thác tốt nhất các chính sách cam kết kinh tế quốc tế từ các FTA.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên