MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Cứ 10.000 giờ nghiên cứu có tâm là trở thành chuyên gia

20-05-2017 - 17:33 PM | Doanh nghiệp

Người tài rất quan trọng nhưng tuyển người có tâm quan trọng hơn. Người bình thường, không cần tài nhưng có đam mê, học hỏi là những nhân sự cần tìm. Ví dụ, tôi đam mê về quay phim, tôi tìm mọi cách để tìm hiểu về quay phim. Và áp dụng lý thuyết 10.000 giờ, bạn bỏ ra 10.000 giờ nghiên cứu một vấn đề gì đó thì bạn trở thành chuyên gia.

Đó là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books, trong chương trình Cafe8 số thứ 2 trên fanpage CafeBiz. Ông Hùng đã chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến quản trị, đến công tác tuyển dụng.

Nguyên lý 10.000 giờ tìm hiểu để thành chuyên gia

CEO Thái Hà Books cho biết, với một công ty, người tài rất quan trọng nhưng việc tuyển người có tâm còn quan trọng hơn. Đó là những người bình thường, không cần quá tài năng nhưng có đam mê, ham học hỏi.

Ông Hùng lấy ví dụ: Một người đam mê về quay phim thì sẽ tìm mọi cách để tìm hiểu về quay phim. Người này nếu bỏ ra 10.000 giờ để tìm hiểu một cách nghiêm túc thì sẽ trở thành chuyên gia. Và nếu một người nào đó học về quay phim nhưng đam mê sửa đồng hồ thì sau thời gian nghiên cứu 10.000 giờ một cách đam mê thì sẽ trở thành chuyên gia sửa đồng hồ. Đó là nguyên lý 10.000 giờ.

“Vấn đề ở chỗ là có đam mê hay không. Nếu có đam mê, vượt khó và nghiêm túc thực hiện thì thành công sẽ đến”, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nói.

“Tôi không cần tuyển người tài mà tuyển người yêu thích công việc đó. Ví dụ, một người yêu thích đồng hồ mà tuyển vào Thái Hà Books thì không được. Tôi muốn tuyển những người đam mê công việc, thích phóng sự, thích cống hiến”, CEO Thái Hà Books nói thêm.

Ông Hùng đưa ra ví dụ về một trường hợp một nhân sự học trường ĐH nông nghiệp nhưng giờ đã trở thành Giám đốc điều hành của Thái Hà Books.

“Bạn giám đốc điều hành của Thái Hà Books bây giờ rất giỏi. Bạn đấy từng làm quản lý ở Canon với mức lương rất cao. Bạn đó về Thái Hà Books với mức lương 1,5 triệu/tháng và thử việc 3 tháng. Bạn đấy từng học nông nghiệp, xin vào thực tập tại phòng marketing của công ty. Bạn ấy đam mê đọc sách và công việc là đọc sách và tóm tắt lại nội dung của cuốn sách. Sau thời gian thực tập, bạn này xin vào làm việc tại Thái Hà Books. Nhiều người đã phản đối nhưng tôi và quản lý trực tiếp đã bảo vệ và đồng ý để bạn ấy làm việc trong công ty”, lãnh đạo Thái Hà Books kể câu chuyện của thành viên công ty.

Theo ông, người quản trị giỏi là người biết tuyển nhân sự phù hợp, không nhất cứ phải nhân sự giỏi.

“Ngày xưa tôi nhớ có sai lầm ở FPT rằng tuyển người làm ở FPT Telecom phải là kỹ sư Bách Khoa. Sau một thời gian, họ bỏ hết. Nghe viễn thông thì có vẻ to tát nhưng thực ra là đi kéo dây cáp và cài vài phần mềm. Như vậy cần gì Đại học Bách Khoa, trung cấp cũng làm được”, vị doanh nhân kể.

Tuy nhiên, để tuyển được nhân sự tốt, theo ông, lãnh đạo phải có tâm, có tầm nhìn xa và biết sử dụng người. Người lãnh đạo có 4 tố chất: Thuật lãnh đạo, thuật quản trị, thuật ngôn và thuật xử thế. Lãnh đạo phải chuẩn bị một nền tảng. Họ là thầy.

Nhưng thầy cũng được chia thành 4 mức khác nhau: Thầy trung bình chỉ biết nói. Thầy khá, biết giải thích tại sao cái này tốt, xấu, tại sao nên đi nước ngoài. Thầy giỏi là biết minh họa. Thầy xuất sắc là phải biết truyền cảm hứng.

Không được lờ mờ 2 chữ L - M

Theo ông Hùng, lãnh đạo (leader) và quản lý (manager) là hai vị trí hoàn toàn khác biệt.

“Không được lờ mờ hai chữ L-M. L là leader và M là manager. Các doanh nghiệp của chúng ta đang chết vì nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Tôi thích nhất môn tôi dạy là lãnh đạo (leadership). Tố chất của lãnh đạo và quản lý là hoàn toàn khác nhau.

Người thích cô đơn, lang thang là có tố chất lãnh đạo. Người nào giờ giấc thường làm quản lý. Lười học, ngang tàng thường mang tố chất lãnh đạo. Người nào ngăn nắp, chỉnh chu là quản lý. Người nào chịu được sóng gió thì làm lãnh đạo tốt. Người nào sợ tranh cãi thì làm quản lý. Người nào sinh ra trong gia đình yên ấm thì là quản lý. Người nào sinh ra trong gia đình bố, mẹ bỏ nhau, thích lang thang đây đó thì làm lãnh đạo tốt. Chúng tôi có loạt nghiên cứu về tố chất của lãnh đạo và quản lý”, lãnh đạo Thái Hà Books chia sẻ.

Ông Hùng cho rằng cả lãnh đạo và quản lý đều làm 3 việc: lập kế hoạch, triển khai, đánh giá nhưng 2 người hoàn toàn khác nhau. Lãnh đạo đưa ra chiến lược còn quản lý thực hiện chiến lược. Nếu công ty có 3, 5 người thì lãnh đạo kiêm luôn quản lý. Chẳng hạn, người này làm lãnh đạo vào buổi sáng. Khi đó, họ nghĩ về chiến lược, tập hợp lực lượng, nghĩ ra ý tưởng và sau đó đến giờ quản lý. Khi trong vai trò quản lý thì người đã sẽ phân chia ai soạn công văn, ai kiểm tra hàng hóa, ai tính tiền…

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

Trở lên trên