Chuyên gia: Tỉ giá tăng là… hợp lý
Tỉ giá đã trên đà tăng liên tục kể từ tuần trước và đã có lúc vượt ngưỡng 22.900 đồng/USD trong ngày hôm qua 30/5. Đây là một diễn biến khá bất ngờ khi tỉ giá đã có một thời gian dài tính bằng tháng khá bình lặng. Diễn biến này làm dấy lên nỗi lo về những tác động khi tỉ giá tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
- 30-05-2018USD ngân hàng nhanh chóng đảo chiều giảm, USD tự do vẫn nhích nhẹ
- 29-05-2018Vì sao USD ngân hàng tăng chóng mặt?
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế tài chính.
PV: Theo ông nguyên nhân nào làm tỉ giá lên mạnh những ngày qua?
TS. Phan Minh Ngọc: Nói về nguyên nhân, giới chuyên gia đã chỉ ra nhiều yếu tố góp phần tạo ra sự biến động của tỉ giá hiện nay. Tuy vẫn có sự bất đồng ở một mức độ nhất định nhưng tựu trung sự mạnh lên của USD là một trong những yếu tố được viện dẫn ra hàng đầu.
Quả thật, nhìn vào đồ thị của chỉ số Đô la (dollar index), đồng USD đã tăng một mạch từ mức thấp trong nhiều tháng trở lại đây là 89,03 vào ngày 26/3 lên đỉnh kỷ lục mới kể từ tháng 11/2017 là 94,88 vào ngày 30/5/2018. Như vậy, trong vòng 3 tháng, USD đã lên giá tới 6,6% so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.
Trong bối cảnh USD lên giá mạnh như vậy thì việc mất giá của bất cứ đồng tiền nào, kể cả tiền đồng, là một điều không có gì lạ, khó hiểu, khó có thể tránh khỏi.
PV: Mặc dù tỉ giá biến động khá mạnh nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn không có động thái nào, phải chăng đó là sự chủ động để cho tiền đồng yếu đi?
TS. Phan Minh Ngọc: Như đã nói, sự biến động của tỉ giá là khó tránh khỏi, nhưng điều đáng nói hơn ở đây là giữa sự mất giá và sự ổn định tương đối của tiền đồng với USD, đâu là điều hợp lý hơn?
Trước tiên, nếu nói về sự ổn định tỉ giá, NHNN ít nhất là trong thời gian vài tháng tới hoàn toàn có đủ khả năng ổn định tỉ giá tiền đồng như họ vẫn làm vậy cho đến tận gần đây. Quỹ dự trữ ngoại hối đã được bổ sung liên tục của NHNN, tuy vẫn chỉ ở mức "sạch nước cản" – tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế - nhưng lại đủ lớn ở mức độ tuyệt đối để can thiệp ra thị trường trong phạm vi vài tỉ USD mà không làm ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe của quỹ này.
Ngoài ra, NHNN còn có sẵn một vài công cụ để siết tỉ giá nếu muốn, chẳng hạn quy định siết chặt hơn việc vay mượn bằng ngoại tệ - hiện đang khá "thoáng" khi NHNN tiếp tục gia hạn cho các đối tượng được phép vay mượn bằng ngoại tệ, dẫn đến tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng mạnh hơn tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, cơ chế tỉ giá trung tâm cũng cho phép NHNN "trói" tỉ giá tại các ngân hàng thương mại ở mức họ mong muốn, ít nhất là trong ngắn hạn.
Nhìn rộng ra, sự khan hiếm tương đối của USD hiện tại dường như là hiện tượng mới có, với bằng chứng là tỉ giá trên thị trường tự do đã và đang không chênh lệch quá lớn với tỉ giá trong các ngân hàng thương mại. Điều này có nghĩa là tỉ giá chưa bị dồn nén quá mức, nếu có, dẫn đến rủi ro là khi không kiểm soát được thì sẽ bùng lên như những năm trước.
Tuy vậy, việc NHNN không có dấu hiệu can thiệp tỉ giá, thậm chí còn có xu hướng thuận theo xu hướng của thị trường khi cũng điều chỉnh tăng tỉ giá trung tâm cho thấy dường như họ đã lựa chọn phương án để tiền đồng yếu đi ở mức độ nhất định so với USD.
Lý do gì khiến NHNN chọn "hành động" như vậy, thưa ông?
TS Phan Minh Ngọc: Lý do để NHNN lựa chọn như trên đương nhiên vẫn là mục đích không để tiền đồng lên giá thực so với USD do lạm phát ở Việt Nam đã gia tăng gần đây, và tất nhiên là cao hơn lạm phát ở Mỹ.
Quan trọng không kém, việc để tiền đồng yếu đi so với USD cũng tức là đặt tiền đồng vào trong xu thế chung (yếu đi) của nhiều đồng bản tệ khác trên thế giới (so với USD). Trên giác độ này, tỉ giá tiền đồng/USD tăng lên như hiện nay sẽ góp phần duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam so với hàng hóa và dịch của của nhiều nước trên thế giới khi chúng được làm lợi bởi sự suy yếu của các đồng bản tệ của các nước này. Và trên hết, NHNN càng có thêm lý do để theo đuổi một đồng tiền yếu hơn khi thâm hụt thương mại đã quay trở lại trong tháng này sau khi đã xuất siêu trong nhiều tháng trước.
Nhưng cần lưu ý một điều rằng NHNN không chỉ có động thái một chiều là điểu chỉnh tăng tỉ giá trung tâm. Kể cả những ngày gần đây vẫn có lúc NHNN điều chỉnh giảm tỉ giá trung tâm này. Đây là một điều khó hiểu và có vẻ mâu thuẫn với phần phân tích ở trên. Tuy nhiên, sẽ không còn là khó hiểu khi đặt mình vào vị trí của NHNN khi phải thận trọng với diễn biến tâm lý trên thị trường ngoại hối. Việc chỉ có điều chỉnh tăng tỉ giá sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng NHNN chấp nhận/buộc phải để tiền đồng yếu đi, và điều này có thể gây ra những xáo trộn và những cú sốc lớn khi tâm lý đầu cơ được kích hoạt và nhập cuộc.
Với tính chất (theo công bố) của tỉ giá trung tâm là gắn bó hơn với thị trường, NHNN có sẵn lý do cho việc điều chỉnh tỉ giá trung tâm theo cả 2 chiều tăng, giảm để làm dịu tâm lý thị trường. Nhưng về tổng thể, có thể thấy rõ tỉ giá trung tâm đã tăng lên một cách có chủ đích, mở đường cho tỉ giá thương mại tại ngân hàng và trên thị trường tự do điều chỉnh theo.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!