MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Võ Trí Thành: Sự ảnh hưởng của Covid-19 đã dẫn đến tính bất biến và vạn biến trên tất cả các phương diện

Phát biểu tại "Diễn đàn Doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu COVID-19?”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh, để quản trị sự bất định và rủi ro, doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị… và dành nguồn lực tốt nhất có thể.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
111 bài viết

Tham dự "Diễn đàn doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu Covid?" do VCCI tổ chức ngày 2/7, ông Võ Trí Thành, đã có bài tham luận với tựa đề: "Trong một thế giới biến đổi: Lựa chọn đối tác chiến lược/đối sách doanh nghiệp".

TS Võ Trí Thành cho biết, để xây dựng chiến lược cần phải nắm bắt được tầm nhìn, xác định mục tiêu và kịch bản thị trường, nhiệm vụ chiến lược, nội dung, chính sách, công cụ xử lý và đánh giá tác động; từ đó tìm ra lựa chọn thích hợp nhất. Cũng nhờ đó chúng ta sẽ có phương thức thực thi một cách khoa học, linh hoạt và thiết thực nhất.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, trước sự ảnh hưởng của Covid-19, tình hình thế giới đã biến đổi nhanh chóng, những dự báo, tầm nhìn dài hạn của các đơn vị hàng đầu như IMF, World Bank cũng đã không còn chính xác.

"Sự ảnh hưởng của Covid-19 đã dẫn đến tính bất biến và vạn biến trên tất cả các phương diện. Đây là điều mà Việt Nam cần lấy làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển quốc gia", ông Thành nhấn mạnh.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng đánh giá, có 6 xu thế phát triển chính sau:

Thứ nhất, là xu thế về địa chính trị. Ở đây, ông Thành lập luận, Mỹ và châu Âu dù có phát triển như thế nào, cũng không thể tránh khỏi việc khoảng cách giữa họ với các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia trong nhóm G20 bị rút ngắn lại. Đó là nguyên nhân dẫn đến sóng gió vì sự chi phối, va đập với các nước lớn.

Thứ hai, ông Thành cho rằng, Việt Nam sẽ không bao giờ đi ngược với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập FTA. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có những khó khăn từ chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi lên mạnh mẽ.

Thứ ba, là cách mạng công nghệ 4.0 và công nghệ số. Covid -19 như một sự thúc đẩy mạnh hơn tới các xu thế kinh tế số.

Thứ tư, đô thị hóa và cách mạng tiêu dùng hiện nay đang theo xu hướng xanh, an toàn, nhân văn, cá tính. Ông Thành nhận xét, trong vòng 15 năm trở lại đây, các xu thế được chú trọng là biểu tượng, nhân văn, cá thể hóa trong tiêu dùng. Tuy nhiên, Covid -19 đẩy nhu cầu xanh, an toàn, cẩn trọng hơn.

"Sự dịch chuyển giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu truyền thống chỉ gắn với 3 từ đầu tư, lợi thế so sánh, chi phí kết nối. 3 điều này sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn được địa điểm hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiện tại sự dịch chuyển của chuỗi giá trị này đã có sự thay đổi và có sự tác động mạnh mẽ hơn nữa bởi Covid-19", ông Thành nói.

Thứ năm, về tài chính - tiền tệ: Theo ông Thành phân tích, Fintech, tiền kỹ thuật số và vị thế của USD, các công cụ về tài chính hiện nay đang tinh vi hơn rất nhiều.

Thứ sáu, về biến đổi khí hậu, năng lượng mới và cạnh tranh nguồn lực, vị chuyên gia này cho biết, Covid-19 đã tác động đến ý thức của con người về việc bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Vì thế, chúng ta cần phải thích nghi và nếu hạn chế được điều gì thì nên hạn chế.

Bên cạnh việc chỉ ra các xu thế phát triển ở trên, ông Thành cũng đã nhấn mạnh về  các rủi ro bất định tồn tại song song, đó là sự va đập đơn cực, song cực, cạnh tranh Mỹ - Trung, điểm nóng Trung Đông, Đông Bắc Á… Cùng với đó là sự đối lập xu thế hội nhập với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bảo hộ, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung. Do đó, hàng hóa cơ bản cũng đang có những sự biến động, nổi bật nhất là giá xăng dầu đã giảm kỷ lục trong thời gian vừa qua, đã và sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ của FED, EU, Nhật, Trung Quốc... cũng là quả bom nợ toàn cầu. Mặt khác, thiên tai, dịch bệnh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo vì không chỉ tác động tại một quốc gia nhất định mà đang là sự tác động xuyên quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi giá trị toàn cầu.

Về chiến lược, đối sách của doanh nghiệp, theo TS Võ Trí Thành, doanh nghiệp cần suy ngẫm về lựa chọn của đất nước. Đó là việc đảm bảo chủ quyền an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Cùng với đó là việc mở rộng cơ hội, lựa chọn và năng lực, thể chế, con người, cải cách từ bên trong đồng thời với hội nhập quốc tế.

Đồng thời, để quản trị sự bất định và rủi ro, doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động giá, tận dụng bảo hiểm, tăng nhận thức pháp lý, thu nhập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, dành nguồn lực tốt nhất có thể.

"Việt Nam chúng ta cần lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, lựa chọn đối tác phát triển và lấy WTO làm cơ sở. Gắn kết châu lục với AEC, ASEAN, FTAs, RCEP,.... Một phần quan trọng nữa đó là sự cân bằng chiến lược, gắn kết FTAs cùng hợp tác, nhất và quan hệ đối tác quan trọng, toàn diện chiến lược", ông Thành nhận định.

Phạm Hậu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên