MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TT Trump nhập viện vì Covid-19, Mỹ lộ điểm yếu trong chính sách ngoại giao

05-10-2020 - 09:02 AM | Tài chính quốc tế

Nếu ông Trump buộc phải đứng sang bên lề trong một khoảng thời gian nhất định thì liệu sự vắng mặt của ông sẽ là có lợi hay bất lợi?

Chính quyền xoay quanh Trump

Theo các nhà phân tích, sự bất ổn toàn cầu sau tin tức Tổng thống Donald Trump nhập viện do nhiễm Covid-19 cho thấy bất lợi của một chính quyền vốn xây dựng các mối quan hệ đối ngoại xung quanh tính cách của vị tổng thống thay vì chính sách bài bản và hủy hoại thiện chí đã tích lũy suốt nhiều thập kỷ từ các đồng minh.

"Các đồng minh sẽ nghĩ rằng: Nếu nước Mỹ xử lý đại dịch kém đến mức để nó lọt vào Phòng Bầu dục, thì họ sẽ nói gì nếu chúng ta cần sự hỗ trợ của lực lượng thủy quân lục chiến?", ông James Green, học giả tại Đại học Georgetown, đồng thời là cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

"Điều này cho thấy sự không đáng tin của nước Mỹ. Tôi không nghĩ sẽ có ai tự mãn về điều này, hay bạn đáng bị như vậy, nhưng nó cho thấy phần hỗn loạn trong chính quyền này".

Trong thời gian cầm quyền, Tổng thống Trump hay tránh xa các giao thức ngoại giao, cũng như lời khuyên của các chuyên gia, và thường xuyên dựa vào bản năng.

"Kinh nghiệm đã dạy cho tôi một số điều," ông Trump viết trong cuốn sách The Art of The Deal (Nghệ thuật Đàm phán), "Một trong số đó là lắng nghe trực giác mách bảo, cho dù trên giấy tờ có vẻ ngon lành tới thế nào".

Nhà Trắng khẳng định tổng thống vẫn có thể làm việc trong bệnh viện. Tuy nhiên, nếu bệnh tình của ông trở nên xấu đi, các nhà phân tích cho rằng quá trình ra quyết định của chính phủ có thể sẽ bị ngưng lại.

Hôm 2/10, thị trường chứng khoán toàn cầu và giá dầu trượt dốc trong khi vàng tăng giá khi tin ông Trump nhiễm SARS-CoV-2 lan truyền trong bối cảnh không ai biết chính xác thời điểm ông nhiễm bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh tình.

Các nghi vấn xung quanh sức khỏe và tình trạng của nhà lãnh đạo Mỹ làm dấy lên sự quan tâm ở mức độ toàn cầu, đặc biệt là khi tồn tại lo ngại về khả năng toàn bộ quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ dễ bị nhiễm bệnh.

Mới đây, Bộ ngoại giao Mỹ đã tìm cách trấn an các đồng minh và các tổ chức trong nước rằng chính sách đối ngoại của nước Mỹ sẽ vẫn nhất quán. Trong cuộc họp báo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell khẳng định rằng: Quốc hội Mỹ, các đồng minh Mỹ và các quan chức trong chính quyền Mỹ vẫn duy trì sự nhất trí cơ bản về nhiều chính sách bất chấp những bất ổn.

"Tất cả chúng tôi nhìn chung đều có cùng quan điểm đối với các vấn đề chính trong khu vực", Stilwell nói, "Điều mà chúng tôi muốn lấy lại, điều chúng tôi đã có trước khi đại dịch COVID bùng phát là một nền kinh tế có lợi cho mọi người".

Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ không tới Mông Cổ và Hàn Quốc trong chuyến công du châu Á như kế hoạch ban đầu.

Có lợi hay bất lợi?

Cách tiếp cận "không giống ai" của ông Trump với vai trò lãnh đạo đã được thể hiện rõ ràng kể từ khi ông nhậm chức cách đây gần 4 năm - trong hướng tiếp cận của chính quyền ông đối với Trung Quốc, Triều Tiên, cũng như các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Kể từ năm 2017, mối quan hệ Mỹ-Trung trong lĩnh vực thương mại, y tế, giáo dục, thị thực và hoạt động tình báo luôn gặp nhiều trắc trở.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã phát động một cuộc thương chiến làm chao đảo các thị trường và khiến phần lớn nền kinh tế toàn cầu chênh vênh khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt các lệnh trừng phạt trị giá hàng chục tỷ USD.

Sự thờ ơ và thiếu tập trung của Trump trong một số lĩnh vực chính sách đã khiến cấp dưới của ông phải tự thúc đẩy và tạo ra chính sách.

"Nhiều yếu tố chủ chốt trong chính sách của chính quyền Trump không phải do bản thân tổng thống thúc đẩy, mà là do những cấp dưới mà ông bổ nhiệm", Rush Doshi của Viện Brookings nói.

Một câu hỏi khác được đặt ra là: Nếu Trump buộc phải đứng sang một bên trong một khoảng thời gian bất kỳ thì liệu sự vắng mặt của ông sẽ là có lợi hay bất lợi. Trump đã được chuyển tới Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed và dự kiến vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời gian bị cách ly.

"Trong trường hợp tổng thống phải đứng bên lề vì nhiễm bệnh, dù chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta có thể chứng kiến các phe phái khác nhau tại Nhà Trắng và nhiều cơ quan tranh giành quyền lực, trong khi tự thúc đẩy các chính sách riêng", Wendy Cutler, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Xã hội Châu Á nhận định.

Số khác lại cho rằng, một lịch trình ít bận rộn hơn có thể dẫn đến sự nhất quán hơn trong chính sách.

(*) Trên đây là phần lược dịch bài phân tích đăng trên SCMP



Theo Thu Ngọc

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên