MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK nửa đầu năm 2017: Thời điểm hồi sinh của các tên tuổi “vang bóng một thời”

Trải qua khó khăn, nỗ lực tái cơ cấu, sự hồi phục về giá là ghi nhận của thị trường.

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều cổ phiếu có sự hồi phục mạnh mẽ, thậm chí một số mã đã cho nhà đầu tư mức tỷ suất sinh lời bằng lần. Điểm chung của những cổ phiếu này hầu hết là những doanh nghiệp nhiều năm hoạt động trong nghề, đang có dấu hiệu chuyển mình từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, để thị giá cổ phiếu duy trì được đà tăng bền vững còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động đến triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.

Điểm danh một số doanh nghiệp vang bóng một thời có thể kể đến những cái tên lớn như Tập đoàn Hoàng anh Gia Lai (HAG), Licogi 16 (LCG), Quốc Cường Gia Lai (QCG), Ocean Group (OGC) ....

Trải qua khó khăn, nỗ lực tái cơ cấu, sự hồi phục về giá là ghi nhận của thị trường.

Trong câu chuyện của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, bầu Đức đã phải rất vất vả xoay tua các phương án từ mía đường, bò thịt đến trồng trái cây trong suốt 10 năm qua để duy trì được nguồn doanh thu trong khi áp lực trả nợ đè nặng lên doanh nghiệp mỗi ngày. Sau nhiều nỗ lực, Tập đoàn cũng đã có được cơ cấu tài chính lành mạnh hơn và đặt ra kế hoạch có lãi với doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của Tập đoàn lần lượt là 6.335 tỷ đồng và 2.185 tỷ đồng. Trên thị trường, thị giá của bộ đôi HAG, HNG đã có sự hồi phục đáng kể với mức tăng gấp 2 lần kể từ đầu năm.

Đối với trường hợp của QCG, nhà đầu tư kỳ vọng từ việc chuyển nhượng dự án Phước Kiểng cho một công ty khác, với khoản đặt cọc 50 triệu đô sẽ là bước khởi đầu cho doanh nghiệp này lấy lại ánh hào quang khi xưa. Tuy vậy, lời khẳng định của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT QCG rằng vụ chuyển nhượng dự án này cho Tập đoàn Sunny Land vẫn đang trong quá trình đàm phán, chưa thực hiện ký hợp đồng. Thông tin trên đã ngay lập tức chặn đứng đà tăng của QCG trong ngắn hạn với 2 phiên giảm sàn liên tiếp.

Doanh nghiệp họ Ocean, điển hình là Ocean group (Mã CK: OGC) cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn sau biến cố liên quan đến ông Hà Văn Thắm. Năm 2016 được ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận định là "rất khó khăn" khi doanh nghiệp vẫn loay hoay trên đống tài sản của mình và nỗ lực giảm gánh nặng công nợ. Gần đây, cổ phiếu này tăng trần liên tiếp xuất phát từ đồn đoán trên thị trường cho rằng đang có sự chạy đua giữa các tổ chức để giành tiếng nói tại doanh nghiệp này. Sang năm 2017, OGC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1.272 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 26 tỷ và lợi nhuận sau thuế lỗ 14 tỷ.

LCG cũng đã trải qua một năm tái cơ cấu quyết liệt đúng như tinh thần của Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh cốt lõi là xây lắp và nghiên cứu đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Nguồn lực được tập trung đã giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán khó về dòng tiền và bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Năm 2017 sẽ là năm tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu theo đúng định hướng chiến lược 2016 – 2020, LCG sẽ trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 7% bằng tiền, đặt kế hoạch lãi ròng 70 tỷ đồng.

Tương tự với trường hợp của PPI, năm 2017, doanh nghiệp cũng đã điểu chỉnh chiến lược kinh doanh tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi. Năm 2017, PPI đặt kế hoạch lãi 29 tỷ đồng, chia cổ tức 3-5% lợi nhuận. Với mức giá trị thị trường chỉ khoảng 135 tỷ trong khi khối tài sản mà doanh nghiệp này đang sở hữu lên tới hơn 1008 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về triển vọng cổ phiếu trong dài hạn. Gần đây, thông tin Thủ Đức House (Mã CK: TDH - HSX) có khả năng sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại PPI làm dấy lên kỳ vọng về sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp này nhằm thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Hầu hết chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp nói trên đều nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, sự hồi phục của thị trường BĐS hoặc quá trình tái cơ cấu thành công, giảm gánh nặng nợ và chi phí lãi vay.

Hải Thanh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên