MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK toàn cầu ‘nóng bỏng tay’, đến lượt chứng khoán Trung Quốc bùng nổ, chuyên gia nhận định: Đà tăng chưa có hồi kết

22-05-2024 - 13:42 PM | Tài chính quốc tế

Thị trường chứng khoán toàn cầu đang đạt mức cao kỷ lục nhờ tâm lý lạc quan về kinh tế và khả năng cắt giảm lãi suất.

TTCK toàn cầu ‘nóng bỏng tay’, đến lượt chứng khoán Trung Quốc bùng nổ, chuyên gia nhận định: Đà tăng chưa có hồi kết- Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đang thăng hoa. Các chỉ số liên tục phá đỉnh.

Thị trường nóng đến mức một số nhà phân tích còn kêu gọi các nhà đầu tư cân nhắc lại về câu ngạn ngữ nổi tiếng trong giới là “sell in May and go away”, có nghĩa là bán cổ phiếu trong tháng 5 và chờ thời cơ khác.

Theo thống kê, 14/20 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Ba chỉ số chính của Mỹ đều ở mức cao kỷ lục. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu chạm ngưỡng 40.0000 vào ngày 17/5. Thị trường chứng khoán những nơi khác như châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang mấp mé hoặc đã đạt mức đỉnh kỷ lục.

Nhìn rộng hơn, chỉ số MSCI ACWI Investable Market Index cũng lập kỷ lục trong thứ Sáu tuần vừa qua. Đây là chỉ số theo dõi các công ty vốn hoá lớn và vừa trên các thị trường phát triển cũng như mới nổi.

Thị trường nóng đến mức ngay cả thị trường chứng khoán Trung Quốc vốn khiến nhà đầu tư e dè hồi đầu năm cũng đang bùng nổ. Chỉ số CSI 300 (theo dõi 300 cổ phiếu lớn và vừa ở thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến) đã tăng 7,4% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tăng 15% trong năm nay.

Nhìn chung, chứng khoán toàn cầu tăng là nhờ các yếu tố cơ bản như nền kinh tế chung tươi sáng; các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tiềm năng cắt giảm lãi suất khiến tiền từ trái phiếu quay trở lại cổ phiếu.

Còn tại thị trường Trung Quốc, sự phục hồi dường như được thúc đẩy bởi mức định giá hấp dẫn, sau khi giá cổ phiếu giảm mạnh vài năm qua.

Mặc dù có những rủi ro trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, một số nhà đầu tư lại cho rằng đây là giao dịch đáng tiền, đặc biệt là khi giá cổ phiếu ở những nơi khác trở nên đắt đỏ sau đợt tăng giá kéo dài.

Những tên tuổi lớn đã đổ xô vào thị trường chứng khoán Trung Quốc như một dấu hiệu cho thấy dòng vốn toàn cầu đang dịch chuyển. Trong số đó có nhà đầu tư "Big Short" Michael Burry và Appaloosa Management của nhà đầu tư tỷ phú David Tepper. Hồi tháng 3, nhà đầu tư tỷ phú Ray Dalio cho biết ông vẫn đầu tư vào Trung Quốc nhờ cổ phiếu giá rẻ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể còn nhiều dư địa để tăng giá. Điều này cũng giúp Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế, như nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản.

Andrea Cicione, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại GlobalData TS Lombard, cho biết: “Chứng khoán Trung Quốc sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc niềm tin của người tiêu dùng cải thiện và sự phục hồi xuất khẩu nhờ các biện pháp kích thích tiền tệ, tài chính và tài sản ngày càng tăng”.

Ông cho biết việc các nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có thêm động lực và "có thể còn duy trì lâu hơn nữa".

Theo BI

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên