TTCK trung tuần tháng 8: Cẩn trọng khả năng rung lắc/điều chỉnh, xác định rõ vị thế mua vùng này là đầu cơ
Sau liên tiếp 9 phiên tăng liên tục và giảm phiên đầu tiên vào cuối tuần qua, các chuyên gia cho rằng, trạng thái kỹ thuật cho thấy khả năng VN-Index có thể sẽ đối mặt với một số rung lắc/điều chỉnh đan xen trong tuần lễ tiếp theo.
Dòng tiền ngắn hạn sẽ đạt đỉnh, sẽ có rung lắc mạnh
Hiện tại VN-Index có vùng kháng cự rất mạnh, quan trọng là 1.365+-, trong đó 1.347-1.355 và vùng giá thấp và 1.375-1.385 là vùng giá cao sau khi điều chỉnh, phục hồi và tiếp tục bán tháo mạnh ở đầu tháng 07. Ngắn hạn VN-Index ở 1.335-1.338 là vùng giá hỗ trợ cho các vị thế T+3 vẫn không thua lỗ ngắn hạn. Hỗ trợ quan trọng tiếp theo là 1.325+- tương ứng vùng giá trung bình ngắn hạn và là vùng tổng vốn hóa thị trường đạt 286+- tỷ USD, tương ứng 100% GDP 2021 dự kiến.
Ông Phan Tấn Nhật, trưởng nhóm phân tích CTCK SHS chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các vị thế mở mua trên vùng giá này là cần xác định rõ đầu cơ ngắn hạn hoặc chọn lọc kỹ các mã vẫn duy trì tăng trưởng tốt, do e ngại tình hình giãn cách xã hội diện rộng kéo dài ½ thời gian quí 3/2021 sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh quí 3, cũng như tăng trưởng GDP Quí 3/2021.
Dự kiến trong tuần sau dòng tiền ngắn hạn sẽ đạt đỉnh. Trường hợp tích cực sẽ xảy ra tình trạng zich zắc luân chuyển dòng tiền, xoay tua ngắn hạn từ nhóm mã này, sang nhóm mã khác cho đến khi số mã có dòng tiền suy giảm thấp hơn số mã có trend_up.
Dòng tiền vẫn tập trung vào nhiều mã sản xuất, bán lẽ, logistic, thiết yếu.., các mã bất động sản, midcap với đặc điểm chung là vẫn tăng trưởng tốt, tài sản đảm bảo tốt, và có hệ số P/B xét tăng trưởng tương lai là thấp <1,5 được xem là hấp dẫn so với trung bình là 2,5 của VN30. Đây cũng là nhóm mã được ưu tiên xem xét tiếp tục giải ngân khi xảy ra rung lắc điều chỉnh dành cho các vị thế mua mới, gia tăng.
Với chỉ số VN-Index, VN30 sẽ tiếp tục rung lắc rất mạnh, ảnh hưởng chính sẽ đến từ VN30 với VN30 có thể sẽ rung lắc mạnh về vùng hỗ trợ 1.465+-, VN-INDEX 1.335+- trong 01-03 phiên đến để kiểm tra lực cầu ngắn hạn, kỳ vọng lôi kéo lực cầu gia tăng trở lại. Cần lưu ý rằng, VN-Index,VN30 không có kỳ vọng gì lớn xét về % tăng giá do GDP quí 3/2021 dự kiến sẽ tăng trưởng không quá tích cực.
Ông Nhật khuyến nghị, nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục yếu kém đối với các trường hợp đã mua vào ở vùng giá cao trước đây. Chốt lãi ngắn hạn khi số mã có vùng bán đã gia tăng mạnh. Các vị thế mua vẫn có thể chọn lọc gia tăng trong 01-03 phiên đến khi xảy ra rung lắc điều chỉnh mạnh nhưng xác định ngắn hạn, đầu cơ và ưu tiên chọn lọc giải ngân vào nhóm mã đang diễn biến giá tốt nhất trong thị trường hiện nay. Dừng các vị thế mua và ưu tiên bán ngay khi dòng tiền suy yếu.
Cẩn trọng nếu VN-Index đóng cửa dưới đường MA 50 ngày tại 1340: Thị trường khả năng đảo chiều
Sau 9 phiên tăng điểm liên tiếp, áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh và khiến chỉ số VN-Index diễn biến giằng co quanh mức tham chiếu, trước khi đảo chiều giảm nhẹ vào cuối phiên 6/8. Tuy vậy tính trong cả tuần giao dịch, chỉ số sàn HOSE vẫn ghi nhận mức tăng 2,4%, đánh dấu tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tỏ ra cân bằng hơn khi chốt phiên tại mức điểm tham chiếu sau khi tiệm cận với mức đỉnh 328 điểm của tháng 7.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC), dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục quán tính điều chỉnh giảm trong phiên sáng để chỉ số đại diện VN-Index kiểm định hỗ trợ ngắn hạn MA5 và trung hạn MA50 đang nằm ở vùng 1.335-1.340 điểm. Lực mua được kỳ vọng sẽ dần hồi phục từ vùng giá thấp và giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, thậm chí tăng điểm trở lại vào cuối ngày. Ở kịch bản này, chỉ số sàn HOSE có thể sẽ sớm vượt qua kháng cự yếu tại 1.355 điểm để hướng lên vùng 1.400-1.420 điểm.
Ngược lại, nếu VN-Index đóng cửa dưới đường MA50 ngày tại 1.340 điểm, đà hồi phục của thị trường sẽ có khả năng đảo chiều. Hiện tại, VCSC đánh giá kịch bản này có xác suất xảy ra thấp hơn.
Tháng 8 là giai đoạn đầy thử thách, tuần sau đối mặt rung lắc đan xen
Sau liên tiếp 9 phiên tăng liên tục và giảm phiên đầu tiên vào cuối tuần rồi, trạng thái kỹ thuật cho thấy khả năng VN-Index có thể sẽ đối mặt với một số rung lắc/điều chỉnh đan xen trong tuần lễ tiếp theo.
Ông Hoàng Huy, Chuyên viên Phân tích chiến lược - Khối Khách hàng Tổ chức CTCK Maybank Kim Eng đánh giá hiện tượng này nếu xảy ra cũng là diễn biến bình thường và không làm thay đổi triển vọng của thị trường vốn đang có một số cải thiện. NĐT vẫn có thể duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền nhưng tránh mua đuổi trong tuần tiếp theo.
Nói về nửa cuối năm, MBKE dự báo tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chậm lại (tăng khoảng 19,7% so với nửa cuối năm 2020, thay vì như mức tăng 64,2% trong nửa đầu năm) do thiệt hại kinh tế từ làn sóng Covid lần thứ 4 và hiệu ứng mức so sánh thấp giảm dần.
Trong Q3/2021 có thể chứng kiến những bất ngờ về lợi nhuận âm do các biện pháp phòng chống Covid có thể không được nới lỏng cho đến cuối tháng 8, điều này cho thấy tháng 8 có thể là một bản vá thô sơ cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Q3 thường là mùa thấp điểm trong khi Q4 là mùa cao điểm nhất trong năm, sẽ chứng kiến nhu cầu tăng mạnh, MBKE duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận 35% cho năm 2021.
Nhìn sang Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, những quốc gia bị Covid bùng phát sớm hơn Việt Nam, mức điều chỉnh của thị trường chứng khoán dao động trong khoảng 6,6% đến 16,1%. Do đó, ông Huy cho rằng mức giảm 12,5% của VN-Index từ 1.420 điểm xuống 1.243 điểm vào tháng 7 là một phản ứng thái quá. Qua đó, kỳ vọng thị trường Việt Nam đã tạo đáy trung hạn ở 1.243 điểm và hiện đang củng cố.
Tháng 8 có thể là một giai đoạn đầy thử thách đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Huy kỳ vọng sẽ phục hồi vào cuối tháng 8 khi diễn biến Covid bớt phức tạp.
Ngoài ra, mục tiêu VN-Index đạt 1.500 điểm vào cuối năm được đưa ra trước đó cũng không thay đổi. Ở mức 1.310 điểm hiện tại, tiềm năng tăng giá của VN-Index là 14,5%, gấp ba lần so với rủi ro giảm 4,6% (với kịch bản xấu nhất của MBKE là 1.250 điểm). Do đó, ông Huy cho rằng thị trường đang mang đến cơ hội tốt để cơ cấu danh mục đầu tư và tiếp tục khuyến nghị ngành BĐS, thép và ngân hàng.
Trung bình các cổ phiếu chỉ giảm khoảng 5% là tăng trở lại
Sau 9 phiên tăng liên tiếp thì VNINDEX đã có dấu hiệu chững lại vào cuối tuần với mức điều chỉnh tương đối nhẹ. Quan sát trong 9 phiên tăng giá vừa qua thì thanh khoản tăng dần theo thời gian, điều này cho thấy tâm lý lo lắng của NĐT về tình hình dịch bệnh đã được cải thiện.
Ông Trịnh Duy Viết - Giám đốc Môi giới - Công ty Chứng khoán Đông Á cho biết, theo quan điểm của DAS, thị trường trong 1-2 tuần tiếp theo sẽ là đi ngang phân hóa giữa khoảng 1320-1370 điểm. Có hai lý do chính thể thị trường có thể phản ứng như vậy là: thứ nhất, yếu tố biến thể Delta lây lan nhanh có thể ảnh hưởng tới việc tái hoạt động của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật...đó là yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến chứng khoán Nam; thứ hai, khả năng cao một số tỉnh hiện tại đang có số ca nhiễm cao sẽ tái gia hạn chỉ thị 16 cũng sẽ khiến cho NĐT lo lắng về sự phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp trong nước;
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay các doanh nghiệp hoạt động sẽ phân hóa theo hình chữ K, nghĩa là doanh nghiệp nào được hưởng lợi sẽ tiếp tục tốt lên và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ ngày càng khó khăn hơn;
Đối với nhóm thứ nhất, những DN được hưởng lợi như cảng biển, vận tải biển, logistic, xuất khẩu (thủy sản, gỗ, may mặc, đá), các doanh nghiệp hóa chất... sẽ tiếp tục tăng trưởng cho tới cuối năm 2021 và NĐT nên tiếp tục nắm giữ;
Đối với nhóm thứ hai, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì giai đoạn này sẽ điều chỉnh trở lại và chỉ một số doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh là sẽ phân hóa tiếp tục đi lên.
Ông Trịnh Duy Viết cho rằng, trung bình các cổ phiếu chỉ giảm khoảng 5% là tăng trở lại, vì vậy nếu nhà đầu tư có chốt lời ngắn hạn thì chỉ nên sử dụng một phần danh mục.