MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 20/11 - 26/11] Dòng tiền lan tỏa trên TTCK Việt, TTCK thế giới đồng thuận tăng trừ Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam và TTCK thế giới đều trải qua những diễn biến khá tích cực khi cùng đồng thuận leo qua các cột mốc đáng ghi nhận trong suốt một tuần giao dịch qua…

TTCK Việt Nam chinh phục đỉnh mới 930 điểm

Thị trường có một tuần giao dịch khá tích cực và tràn đầy hưng phấn khi chỉ số VN-Index liên tiếp tạo những đỉnh mới và đã chinh phục thành công cột mốc 930 điểm.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 935,57 điểm, tăng 44,88 điểm (+5,04%) và HNX-Index chốt phiên ở 110,83 điểm, tăng 2,52 điểm (+2,33%) so với tuần liền trước. VN-Index đã kết thúc tuần với sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu Bluechips VN30 và Large Cap. Nhóm cổ phiếu kéo chỉ số tăng điểm nhiều nhất bao gồm VIC, VNM, VRE, GAS, PLX, VCB, CTG…

Tuy vậy đến gần cuối tuần thì các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn đã sụt giảm hoặc tăng chậm lại và dòng tiền dần lan tỏa ra các mã cổ phiếu vừa và nhỏ. Sắc xanh tập trung tại một số nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, dầu khí ngoại trừ VIC điều chỉnh do đã tăng mạnh trước đó. Kết thúc phiên ngày giao dịch cuối cùng của một tuần “thần tốc”, chỉ số VN-Index chốt phiên vẫn tăng nhẹ đã cho thấy động lực tăng điểm của thị trường vẫn còn tiếp diễn.

Một điểm đáng chú ý tuần qua là cổ phiếu SAB (Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn Sabeco) và BHN (Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội) đã ghi nhận nhiều nỗ lực bứt phá tăng điểm, khiến các cổ đông của 2 cổ phiếu này tuần qua luôn trong trạng thái “say trong men bia”. Cụ thể chốt tuần SAB tăng tới gần 14% lên mức 318.800 đồng/cp trong khi đó người anh em BHN cũng không kém cạnh khi có mức tăng đáng kể lên tới gần 17% lên mức 139.900 đồng/cp.

Được biết thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã chỉ đạo bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco nhằm giới thiệu cơ hội tìm kiếm đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài tại hai thị trường lớn là Singapore và Vương quốc Anh. Đây được coi là thông tin tác động mạnh tới các nhóm cổ phiếu bia đang trong diện phải thoái vốn.

Bên cạnh đó, HVG (CTCP Hùng Vương) cũng là một cổ phiếu có sức tăng khá nóng trong tuần qua khi chỉ trong 1 tuần ngắn ngủi, cổ phiếu đã tăng giá tới gần 24% lên mức 7.400 đồng/cp. Nguyên do HVG có chuỗi ngày tăng mạnh trong tuần được lí giải nhờ vào việc công ty này đã hoàn tất thương vụ thoái 54% vốn khỏi FMC (CTCP Thực phẩm Sao Ta) vào ngày 16/11 vừa qua.

Cùng với đó, tâm lí hưng phấn của thị trường cũng lan tỏa sang cả nhóm cổ phiếu nóng như NBB, OGC, QCG, BCG… nhờ sự hiện diện và luân chuyển nhịp nhàng sôi động của dòng tiền đầu cơ len lỏi vào nhóm cổ phiếu này. Có thể thấy rằng tuần giao dịch vừa qua cũng là tuần tăng điểm mạnh nhất của VN-Index trong lịch sử 8 năm qua, tâm lí hưng phấn đã giúp thị trường không quá khó khăn để chinh phục thành công cột mộc 930 điểm.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự điều chỉnh mạnh về điểm số trong phiên cuối tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn. Thanh khoản gia tăng đáng kể trong các phiên tăng điểm đầu tuần đồng thuận với nhịp tăng ấn tượng của thị trường cơ sở.

Tuy nhiên xu hướng thị trường đã có sự đảo chiều về cuối tuần khi áp lực short sale gia tăng mạnh trên toàn thị trường. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 14.901 hợp đồng(+47% so với tuần liền trước). Riêng hợp đồng VN30F1712 đang dẫn đầu chiếm đến 86,4% tổng thanh khoản toàn thị trường.

TTCK thế giới duy trì mức tăng đồng thuận ngoại trừ CK Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong tuần giao dịch ngắn ngủi trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. S&P 500 tăng từ 2.582 điểm lên 2.602 điểm (0,7%), Dow Jones Industrial Average tăng lên 23.557 điểm (tăng 0,5%). Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thường có biến động lớn về giá, đã có mức tăng mạnh nhất trong các nhóm cổ phiếu. Chỉ số Nasdaq Composite tăng lên 6889 điểm (tăng 1,3%) nhờ sự mạnh mẽ của một số cổ phiếu công nghệ và những người khổng lồ Internet, bao gồm Facebook, Apple, Alphabet (Google) và Amazon.

Các nhóm cổ phiếu ngành chăm sóc sức khoẻ và hàng hóa tiêu dùng cũng tăng điểm tốt, dựa trên kỳ vọng tích cực cho mùa mua sắm gắn với sự kiện "Thứ Sáu Đen". Trong khi đó các cổ phiếu ngành ngân hàng tài chính lại có một tuần tụt dốc. Các cổ phiếu ngành năng lượng đã có những phiên tăng mạnh do giá dầu thô Mỹ đạt mức cao nhất trong hai năm qua, sau khi Mỹ quyết định đóng cửa nhập khẩu dầu từ Canada qua đường ống Keystone. Việc đóng cửa đường ống sau khi bị rò rỉ tại Nam Dakota dự kiến sẽ làm giảm lượng dầu nhập khẩu tới Mỹ khoảng 85% vào cuối tháng này. Các nhà đầu tư cũng mong đợi một cuộc họp OPEC sắp tới tại Vienna và có thể có những quyết định cắt giảm sản xuất mới của Ả-rập Xê-út.

Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ trong tuần. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.409 điểm (tăng 0,4%), DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.059 điểm (tăng 1%), CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.390 điểm (tăng 1,6%). Mặc dù vậy tâm lý thị trường vẫn đang chao đảo sau khi các cuộc đàm phán sơ bộ của Đức sụp đổ vào cuối tuần trước. Thị trường tiền tệ có số liệu hạn chế để giao dịch và đồng euro đã có ba phiên tăng điểm liên tiếp liên tiếp so với đồng đô la Mỹ. Một số cuộc khảo sát cho thấy các công ty của Pháp và Đức vẫn lạc quan và tăng tuyển dụng. Nhìn chung, nền kinh tế khu vực đồng euro vẫn giữ được vị thế tốt nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng điểm trong tuần qua. Thị trường Nhật Bản đã đóng cửa vào Thứ Năm cho Ngày Lễ Tạ ơn. Chỉ số Nikkei tăng 154 điểm (0.7%) và đóng cửa ở mức 22.550. Từ đầu năm cho đến nay, chỉ số Nikkei tăng 18,0%, còn chỉ số TOPIX Index tăng 17,3%. Đồng Yên cũng tăng giá trong tuần qua, đóng cửa ở mức 111.3 yên/đô la Mỹ - cao hơn khoảng 4,7% so với cuối năm 2016.

Theo Văn phòng Nội các, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trong bảy quý liên tiếp. Nền kinh tế đã ghi nhận giai đoạn sự tăng trưởng dài nhất kể từ tháng 3 năm 2001. Nhu cầu từ nước ngoài tăng mạnh khiến xuất khẩu của Nhật Bản tăng 14,0% trong tháng 10, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản, đã tăng 26% so với năm ngoái. Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng rằng nhu cầu đối với ô tô và điện tử Nhật Bản trên toàn cầu có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý 4 năm nay.

Ở chiều ngược lại, chỉ số thị trường chứng khoán của Trung Quốc sụt giảm mạnh vào thứ năm vì tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu bắt đầu lan sang thị trường cổ phiếu. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm mạnh nhất trong gần một năm và đóng cửa ở 3.353 điểm, mức thấp nhất trong hai tháng qua.

Điểm yếu trong các trái phiếu của Trung Quốc đã xuất hiện hồi tháng trước, trong bối cảnh các mối lo ngại đang gia tăng rằng Bắc Kinh sẽ thắt chặt các điều kiện tín dụng để giảm rủi ro trong ngành tài chính. Thêm vào đó, bắt đầu xuất hiện những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông nhà nước về sự tăng giá nóng của một số cổ phiếu cũng gây chú ý. Đặc biệt sau khi có các báo cáo nêu bật những rủi ro trong một công ty rượu mạnh của Trung Quốc. Sau khi giá cổ phiếu tăng mạnh trong năm qua, nó đã trở thành nhà sản xuất rượu có vốn hóa lớn nhất thế giới.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên