MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 29/01 - 04/02] Chứng khoán Việt kết thúc chuỗi tăng mạnh, TTCK thế giới chìm trong sắc đỏ

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc chuỗi ngày tăng mạnh khi đánh mất mốc 1.115 điểm. Bên cạnh đó, TTCK thế giới hầu hết cùng ghi nhận tuần lễ giao dịch ngập chìm trong sắc đỏ…

TTCK Việt Nam trải qua 2 phiên giao dịch "thảm khốc"

Tuần qua, thị trường giao dịch "không mấy suôn sẻ" khi chỉ số VN-Index có 2 phiên giao dịch thảm khốc trong ngày 31/01 và 01/02 và để mất cột mốc 1.115 điểm được thiết lập trong tuần giao dịch trước.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.105,04 điểm, giảm 10,6 điểm (-0,95%) và HNX-Index chốt phiên ở 123,97 điểm, giảm 2,8 điểm (-2,23%) so với tuần liền trước. Khác với tuần liền trước, thị trường mở cửa đầu tuần khá khó khăn khi các chỉ số đều đồng loạt giảm điểm trong những phiên đầu tiên của tuần mới.

Trong đầu tuần qua, thị trường ghi nhận sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vào những phiên đầu tuần. Một số cổ phiếu ngành ngân hàng như VCB, VPB, CTG, BID đã thể hiện sự nổi trội khi thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ "giữ nhịp" chỉ số đầu tuần tuy nhiên trước áp lực điểu chỉnh khá lớn của một số cổ phiếu lớn như VNM, SAB, BVH, GAS, NVL… và dòng dầu khí, thị trường đã không tránh khỏi áp lực giảm điểm. Trong khi đó, bên cạnh sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ cũng lan tỏa rộng hơn ở các nhóm MidCap cùng với việc nhóm Dầu khí với PVD, PVS và PVB… bị bán ra quyết liệt trong những phiên giữa tuần đã khiến 2 sàn tràn chìm trong sắc đỏ.

Bên cạnh đó, tuần qua cũng là tuần giao dịch mà thị trường nhiều lần chứng kiến các cố phiếu vốn hóa lớn bị "kéo xả". Phiên ngày thứ 6 là một ngày khá hiếm hoi mà các cổ phiếu này duy trì được sắc xanh đến cuối phiên. Dường như nhóm ngành dầu khí đã hồi phục sau áp lực bán mạnh những phiên trước. Tuy nhiên thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm khi giá trị giao dịch chỉ đạt ngưỡng 5.000 tỷ so với những phiên 7.000 – 8.000 tỷ trước đó.

Đối với thị trường CK phái sinh, chốt tuần các hợp đồng đều có sự gia tăng đồng thuận về điểm số ngoại trừ hợp đồng VN30F1809 là chốt đỏ trong phiên ngày thứ 6. Thị trường phái sinh chủ yếu dao động trong xu hướng giằng co qua các phiên, chính biên độ biến động giá lớn đã gia tăng cơ hội cho hoạt động trading T+0 trong phiên. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự gia tăng đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 24.407 hợp đồng (tương đương mức tăng 41% so với tuần liền kề trước đó).

TTCK thế giới đi qua cơn bão cùng đồng loạt giảm điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có tuần sụt giảm đầu tiên trong năm 2018. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.762 điểm (giảm 3,66%), đây là tuần giảm điểm mạnh nhất trong vòng hai năm qua của chỉ số này. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.520 điểm (giảm 2,07%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.240 điểm (giảm 3,2%).

Các cổ phiếu ngành năng lượng đã dẫn đầu sự sụt giảm của thị trường vào ngày thứ 6 do kết quả kinh doanh thấp hơn dự kiến ​​của hai tập đoàn lớn Chevron và ExxonMobil. Cổ phiếu chăm sóc sức khoẻ cũng đặc biệt suy yếu sau vào thứ 3 với tin rằng Amazon.com, Berkshire Hathaway và JPMorgan Chase đang có kế hoạch hợp tác trong việc thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khoẻ riêng cho nhân viên của họ. Ngành tài chính có kết quả tốt hơn nhờ sự gia tăng của lợi suất trái phiếu, giúp gia tăng lợi nhuận cho vay trong tương lai.

Một cuộc bán tháo trên diện rộng đã đẩy thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm trong tuần này khi các chỉ số chính của khu vực, bao gồm DAX 30 của Đức, CAC 40 của Pháp và FTSE 100 của Anh đều giảm điểm. Cụ thể DAX 30 đóng cửa ở 12.785 điểm (giảm 4.29%), CAC 40 đóng cửa ở 5.364 điểm (giảm 3,07%). FTSE của Anh đóng cửa ở 7.443 điểm (giảm 2,9%), hiệu suất tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2017.

Sự mạnh lên của lợi suất trái phiếu, có xu hướng làm cho cổ phiếu trở nên tương đối rủi ro trong mắt các nhà đầu tư, là một trong những lý do cơ bản cho bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên thu nhập của các doanh nghiệp nói chung vẫn vững chắc, và nhiều nhà đầu tư dường như tin rằng thị trường chứng khoán sẽ được định giá lại với kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong tháng Giêng.

Các cổ phiếu blue chip của Nhật Bản cũng chịu áp lực bán mạnh trong tuần qua, khiến thị trường chứng khoán nước này giảm điểm nặng. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 23.274 điểm (giảm 1,5%), chỉ số Topix đóng cửa ở 1.864 điểm (giảm 0,9%). Đồng Yên đã yếu đi so với đô la Mỹ trong tuần, đóng cửa ở mức 110,3 yên/đô la Mỹ. Các nhà phân tích vẫn tỏ ra lạc quan vào tương lai dài hạn khi tuần qua chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản đạt 54,8 điểm cho thấy tiềm năng phát triển công nghiệp và mở rộng sản xuất đang rất mạnh mẽ. Đồng thời, báo cáo mới nhất cũng cho thấy giá trị xuất khẩu của Nhật Bản tháng trước tăng 9,3% lên mức 7,3 nghìn tỷ Yên (tương đương 66,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chịu áp lực giảm điểm tương tự các thị trường khác trên thế giới. Chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa ở 3.462 điểm (giảm 2,8%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 32.601 điểm (giảm 2,2%).

Đáng chú ý hơn trong tuần qua là 2 chỉ số sản xuất chính của Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Đây là dấu hiệu cảnh báo sớm về đà tăng trưởng suy yếu của nước này. Cụ thể chỉ số PMI sản xuất chính thức đạt mức 51,3 điểm, giảm nhẹ so với tháng 12/2017. Chỉ số Caixin/Markit PMI cũng không tăng lên so với tháng 12/2017 và đạt mức 51,5 điểm. Về dài hạn, các nhà phân tích đều cho rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại sau khi các nhà lãnh đạo nước này quyết tâm kiềm chế tăng trưởng để giảm thiểu rủi ro và bất ổn trong hệ thống tài chính.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên