TTCK Việt Nam: Chờ đợi sự "tăng tốc" của các quỹ đầu tư
Sau 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ các quỹ đầu tư quốc tế và nội địa. Sự gia tăng số lượng cũng như quy mô của các nhà đầu tư tổ chức hứa hẹn sẽ tạo nền tảng giúp thị trường ngày càng trưởng thành hơn.
- 24-08-2016Ông Vũ Bằng: Thị trường chứng khoán chưa đến mức tăng nóng để thắt margin
- 23-08-2016Có bao nhiêu 'Sói già phố Wall' trên thị trường chứng khoán Việt?
- 23-08-2016Danh tính 8 nhà đầu tư lớn nhất sở hữu trên 1 tỷ USD tại thị trường chứng khoán Việt Nam
Từ 2 cổ phiếu đầu tiên là REE và SAM được niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM vào năm 2000 và 5 cổ phiếu ban đầu được giao dịch thỏa thuận tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào năm 2005.
Đến nay, tổng số lượng chứng khoán niêm yết trên 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã gần chạm con số 700 doanh nghiệp. Tổng giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 66,3 tỷ USD, tương đương xấp xỉ 37,5% GDP. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng tỏ là một kênh phân phối các nguồn vốn của nền kinh tế một cách hiệu quả.
Sự phát triển của TTCK Việt Nam trong 20 năm qua về cả quy mô lẫn chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết không thể không kể đến vai trò của những định chế tài chính trung gian đã giúp thị trường phát triển. Mà cụ thể là sự đóng góp của những nhà đầu tư tổ chức.
Thống kê cho thấy, hiện các quỹ đầu tư đang rót khoảng 4 tỷ USD vào TTCK Việt Nam. Ngoài sự gia hạn của các quỹ đóng hoạt động lâu năm, trong những năm qua luôn có sự gia tăng thành viên mới cả trong lẫn ngoài nước.
Sự "bền bỉ" của quỹ ngoại
Những cái tên hàng đầu được nhiều người biết đến là các nhà quản lý quỹ như Dragon Capital, Vina Capital, MeKong Capital hay Red River Holdings. Đây chính là những quỹ đầu tư lớn nhất đã gắn bó nhiều năm với các doanh nghiệp niêm yết, các quỹ đầu tư được quản lý bởi những nhà quản lý quỹ này hiện đang là các cổ đông lớn của hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất trên sàn hiện nay như VNM, HPG, DHG, VCB, VIC. KDC, REE…
Hoạt động lâu đời nhất tại Việt Nam là quỹ VEIL của Dragon Capital, quỹ đầu tư này được thành lập từ năm 1995, trước khi UBCKNN được thành lập. Sự gắn bó của DC phần nào cho thấy nhà đầu tư lớn nhất này vẫn đang đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt. Năm 2015, Dragon Capital đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử của quỹ, khi sáp nhập quỹ Vietnam Growth Fund (VGF) vào VEIL, để đưa giá trị tổng tài sản lên gần mức 1 tỷ USD.
Xếp sau Dragon Capital về độ tuổi là Mekong Capital. Đơn vị đang đầu tư quản lý quỹ Mekong Enterprise Fund, Mekong Enterprise Fund II, Vietnam Azalea Fund. Hiện tại, danh mục cổ phiếu mà các quỹ của Mekong Capital nắm giữ có sự tăng trưởng mạnh nhờ các khoản đầu tư vào Thế Giới Di Động và Traphaco và PNJ, tổng giá trị của 3 cổ phiếu này đang có giá trị khoảng 130 triệu USD.
Mới đây, Mekong Capital cũng đã cho ra đời Quỹ MEF III, có tổng mức vốn 112 triệu USD. Quỹ này cũng dự định sẽ tiếp tục tập trung vào các doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng cao theo xu hướng tiêu dùng như bán lẻ, nhà hàng, các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam.
Một Cái tên khác đình nổi đám đó chính là quỹ đầu tư VOF được quản lý bởi Vina Capital. VOF được thành lập vào năm 2003 cũng đã trải qua 13 năm hoạt động. Hoạt động đầu tư của VOF khá đa dạng, bao gồm cả cổ phiếu niêm yết, private equity, cổ phiếu OTC, bất động sản và chứng chỉ quỹ niêm yết tại nước ngoài. Theo báo cáo mới nhất, giá trị tài sản ròng của VOF đã đạt con số 809,6 triệu USD. Và theo thông tin mới công bố, VinaCapital sẽ hợp tác cùng Shinhan BNP Paribas Asset Management (Shinhan) để phát triển các quỹ dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc để tham gia đầu tư vào các loại hình tài sản tại Việt Nam.
Ngoài ra, những gương mặt đã đến Việt Nam trong giai đoạn thị trường bắt đầu tăng trưởng năm 2006, đã giúp tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Viet Nam Holding AM với giá trị tài sản ròng 146 triệu USD. DWS Vietnam Fund Ltd được quản lý bởi Deutsche Bank AM đang có tài sản ròng 323 triệu USD...
Đến thời kỳ của Quỹ mở và ETF
Ngoài những quỹ đóng nói trên, làn sóng đổ tiền vào chứng khoán Việt Nam đã tăng khá mạnh trong những năm gần đây thông qua các quỹ mở và các quỹ ETF.
Vietnam Emerging Equity Fund được quản lý bởi PXP Vietnam AM là quỹ mở vào Việt Nam sớm nhất vào năm 2005, đến nay quỹ này đang quản lý 119 triệu USD giá trị tài sản ròng. Kế đến là JPMorgan Vietnam Opportunities Fund vào năm 2006, trong 5 năm vừa qua , quỹ này đã có mức tăng trưởng gần 80% và hiện đang sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị 180 triệu USD.
Đáng chú ý nhất là sự tham gia của các quỹ thuộc Franklin Templeton, một trong những nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới. Sau khoảng 4 năm đầu tư vào TTCK VN, lượng cổ phiếu mà các quỹ này đang nắm giữ có trị giá khoảng 215 triệu USD. Một tên tuổi khác là PYN Elite Fund, năm 2013, PYN Elite Fund quyết định thoái vốn tại Thái Lan để rót 84% vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện quỹ này đang có giá trị tài sản ròng 351 triệu USD.
Kể từ năm 2007 cho đến nay, hàng loạt các quỹ mở nước ngoài khác đã giải ngân vào TTCK VN như LionGlobal Vietnam Fund, Vietnam Equity Fund , Lumen Vietnam Fund, Vietnam Emerging Market Fund, Tundra Vietnam, Forum One - VCG Partners Vietnam Fund,…
Xuất hiện muộn hơn so với các quỹ đóng và quỹ mở là các quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số ETF. Với những ưu điểm như khả năng phân tán rủi ro tốt và cơ chế hoạt động như một quỹ mở, các quỹ đầu tư chỉ số dần khẳng định tên tuổi và có thời điểm “làm mưa làm gió” trên TTCK Việt Nam.
Các quỹ đầu tư dạng mô phỏng chỉ số ETF đến với thị trường cũng đã tạo ra những sự biến động trên thị trường mỗi khi đến kỳ đảo danh mục. ETF còn giúp tạo thanh khoản cho thị trường nhờ hoạt động kinh doanh chênh lệch giá khi có sự chênh lệch giữa giá chứng chỉ quỹ ETF với giá trị tài sản ròng NAV.
Hiện hai cái tên nổi bật nhất là FTSE Vietnam ETF thành lập năm 2008, được quản lý bởi Deutsche Bank AG có giá trị tài sản ròng 341 triệu USD và VanEck Vector Vietnam ETF (VNM) ra đời năm 2009, được quản lý bởi VanEck Global cũng đang có giá trị tài sản ròng ở mức 348 triệu USD.
Quỹ ETF thứ 3 tham gia vào TTCK Việt Nam là MSCI Frontier Markets Index ETF do Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) quản lý. Được thành lập vào ngày 19/09/2011, Hiện quỹ ETF này đang quản lý tài sản ròng lên đến 414,5 triệu USD.
Đầu tháng 7 năm nay, một quỹ ETF khác cũng vừa được ra mắt tại thị trường Hàn Quốc với tên gọi KINDEX Vietnam VN30 ETF. Theo nguồn tin từ Reuter, cơ cấu danh mục của KINDEX Vietnam VN30 ETF sẽ bao gồm 30 cổ phiếu thuộc VN Inedx 30.
Trong nước, 2 Quỹ ETF nội địa đầu tiên là VFMVN30 ETF của CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam, mô phỏng chỉ số VN30 của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), và quỹ ETF SSIAM HNX30 ETF của Công ty Quản lý quỹ SSI, mô phỏng chỉ số HNX30 của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cũng được đưa vào hoạt động từ năm 2014 đến nay. Mặc dù quy mô vẫn khá khiêm tốn so với quỹ nước ngoài nhưng đây cũng được cho là bước đệm trong quá trình phát triển loại hình quỹ đầu tư vẫn còn khá mới mẻ này tạy Việt Nam.
Quỹ mở nội "chờ thời"
Có thể thấy rằng, tại TTCK VN xu thế thành lập quỹ mở đã bắt đầu nở rộ tại Việt Nam những năm gần đây khi mà thị trường chứng khoán bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Đặc biệt là sau khi Nghị định 183 ra đời vào cuối năm 2012 đã cho phép được thành lập quỹ mở tại Việt Nam.
Nguồn: DOBF
Đối với các quỹ nội, đi đầu phải kể đến Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam với các VF1 và VF4 được chuyển sang quỹ mở vào năm 2013. Kế đến là Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đơn vị đang quản lý khoảng 6.600 tỷ đồng tổng tài sản của các nhà đầu tư dưới dạng quỹ, danh mục đầu tư và tư vấn đầu tư đã cho ra đời quỹ SSI – SCA vào năm 2014, hiện quỹ này có giá trị tài sản ròng 137,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, VCBF cũng ra mắt Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF, VCSC cũng ra mắt Quỹ đầu tư cân bằng Bản Việt, Manulife AM quản lý Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife... Năm 2016, thị trường đón nhận thêm 2 quỹ nội đăng ký giao dịch là quỹ mở trái phiếu BVBF của Bảo Việt Fund.
Nhìn chung, quy mô của các quỹ nội vận còn khá nhỏ bé so với các quỹ ngoại. Các quỹ mở mới thành lập vẫn đang gặp khó khăn trong việc phát hành chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư cá nhân mà chủ yếu nắm giữ vẫn là những nhà sáng lập.
Nguồn: tổng hợp
Dù vậy, các chuyên gia đánh giá rằng, mô hình quỹ mở tại Việt Nam là phù hợp nhất và còn nhiều dư địa để phát triển. TTCK VN vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường nhưng dần dần sẽ đến một giai đoạn nhà đầu tư tổ chức mà cụ thể là quỹ mở sẽ phát triển mạnh theo xu hướng chung của các nước phát triển.
Ưu điểm là có thể đầu tư với số tiền tối thiểu chỉ vài triệu đồng, quỹ mở đang tạo ra một kênh đầu tư tích lũy dành cho những nhà đầu tư không chuyên, đồng thời có thể để sử dụng một cách có hiệu quả dòng tiền tiết kiệm từ những người lao động, hoặc nhân viên văn phòng.
Điều quan trọng đó chính là các quỹ nội ngoài việc thu hút nhà đầu tư cần phải sự thể hiện sức hút của mình bằng việc tạo ra niềm tin từ sự minh bạch cũng như năng lực điều hành thể hiện qua giá trị tài sản NAV tăng trưởng ổn định. Theo đó, sự phát triển của các quỹ đầu tư được cho là sẽ góp phần tạo nền tảng giúp cho TTCK VN trưởng thành hơn và phát triển bền vững hơn.
Vấn đề còn lại đó chính là việc thị trường cần thêm nguồn hàng đủ chất lượng để các quỹ mở rót vốn vào nhiều hơn. Bởi lẽ, khi quy mô của các quỹ mở tăng lên, nhu cầu về nguồn hàng đáp ứng đầy đủ tiêu chí để chọn mua cổ phiếu đặc biệt là yếu tố về thanh khoản cũng phải tăng lên. Hiện chính phủ đang nổ lực đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu lên trên sàn chứng khoán tập trung, cùng với việc nới room cho khối ngoại. Song song đó là những cam kết về tái cấu trúc nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững là những tín hiệu tốt cho thị trường, và tạo cơ hội các quỹ mở hút vốn đầu tư.
Thực tế, diễn biến thị trường cho thấy các cổ phiếu thuộc diện thoái vốn và nới room ngoại đang tạo ra lực hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư đặc biệt là quỹ đầu tư nước ngoài. Điển hình là những câu chuyện tăng giá của nhóm cổ phiếu SCIC thoái vốn hay câu chuyện của cổ phiếu Vinamilk có thể được vào rổ ETF trong thời gian tới sau khi được nới room...
Người đồng hành