MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 1-1-2022, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Từ 1-1-2022, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm còn 1.500 đồng/lít, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Ngày 31-12, tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Như vậy, mức thuế mới là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Mức thuế nêu trên được áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 31-12-2022. Từ tháng 1-1-2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ là 3.000 đồng/lít.

Từ 1-1-2022, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: Quochoi.vn


Cũng tại phiên họp này, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về nội dung này, UBTVQH tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tại phiên họp này, các cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2022 tới.

Trước đó, tại phiên họp báo về chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, làm rõ về các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bà Phạm Thị Hồng Yến, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật, tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn tổng cung.

"Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để tối ưu hóa nguồn lực. Gói chính sách sẽ có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực, được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa. Cùng với đó, các chính sách có thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế"- bà Yến cho hay.

Đại diện Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh các gói chính sách, hỗ trợ khi ban hành phải bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Theo chương trình dự kiến, kỳ họp bất thường sẽ khai mạc vào ngày 4-1-2022 và bế mạc vào ngày 11-1-2022. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Riêng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, quyết định về 4 vấn đề cấp bách. Thứ nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự. Thứ hai xem xét dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Thứ ba, xem xét, quyết định về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thứ tư, cho ý kiến về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên