Từ 2015 - 2020, Bình Dương hút gần 12 tỷ USD vốn FDI
Sau 23 năm, từ một tỉnh thuần nông nghèo khó, tỉnh Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ với các chỉ số kinh tế ấn tượng.
Thu hút FDI hạng 3 cả nước
Ấn tượng hơn, từ chỗ là tỉnh thuần nông nghèo khó, trông chờ vào nguồn phân bổ ngân sách trung ương, chỉ sau 23 năm, Bình Dương trở thành 1 trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương, với tỷ lệ điều tiết là 64%, đứng thứ 3 cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2020 chiếm 35% GRDP. Trong 5 năm 2016 – 2020 đạt 535.585 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm.
Các ngành, các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đều có bước phát triển tích cực. Công nghiệp tiếp tục là ngành trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong 5 năm 2016 – 2020, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,64%/năm, qui mô ngành công nghiệp tăng 1,6 lần so với năm 2015 và chiếm 9,7% sản xuất công nghiệp cả nước.
Công nghiệp hỗ trợ bước đầu có sự phát triển, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp chế tạo. Từng bước chuyển dịch phát triển công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc tỉnh. Các khu công nghiệp không ngừng hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng kết nối, đáp ứng yêu cầu thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Bình Dương với các chiến lược đột phá của mình đã tạo được niềm tin và trở thành điểm ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 6/2020 tỉnh đã thu hút thêm 25.800 doanh nghiệp đăng ký mới và hơn 1.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến hết tháng 6/2020 toàn tỉnh đã có 45.500 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt 400.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần số lượng doanh nghiệp và gấp 2,9 lần về số vốn so với năm 2015.
Đặc biệt ấn tượng trong nhiệm kỳ qua chính là việc tỉnh Bình Dương đã thu hút đầu tư hiệu quả, thu hút được 30.270 doanh nghiệp trong nước đăng ký mới và bổ sung vốn với tổng số vốn đăng ký là 212.800 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp trong nước đến nay là 49.900 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 358.800 tỷ đồng
Thu hút vốn FDI lên đến 11,75 tỷ USD (Nghị quyết 7 tỷ USD), chiếm trên 82% tổng vốn đầu tư đăng ký, nâng tổng số dự án FDI đến nay là 3.955 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 35,7 tỷ USD. Từ chỗ không thu hút được vốn FDI, nay Bình Dương vươn lên đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI.
Vững bước phát triển
5 năm vừa qua, tỉnh Bình Dương dốc sức thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ X với 18 mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 9,35%/năm, vượt kế hoạch đề ra. Qui mô GDP đến năm 2020 ước đạt trên 1,6 tỷ triệu đồng, gấp 1,7 năm 2015.
Nhờ có tốc độ phát triển nhanh nên GDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của vùng Đông Nam Bộ 141,2 triệu đồng và cao hơn 2,5 lần mức bình chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt và vượt cả về số thu và tốc độ tăng, với mức tăng bình quân hàng năm 11,2%. Dự kiến năm 2020 tổng thu là 62.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với tổng thu năm 2015.
Đặc biệt, hạ tầng đô thị đã thu hút thêm dự án xây dựng Thành phố mới Bình Dương. Chủ trương đô thị hóa tiếp tục được thực hiện đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu với xây dựng đô thị mới và thực hiện chiến lược phát triển đô thị thông minh. Bình Dương đã liên tiếp 2 lần được diễn đàn Cộng đồng thành phố thông minh thế giới vinh danh là 1/21 thành phố khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bình Dương đặt ra mục tiêu thực hiện chương trình 4 đột phá gồm: Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đạ; Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Hiện nay, việc Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 3 thành phố, 2 thị xã, giàu tiềm năng phát triển sẽ góp phần để tỉnh nhà thu hút mạnh mẽ các nguồn lực toàn xã hội, xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, xanh-sạch-đẹp, là khu vực dịch vụ chất lượng cao cho toàn vùng, đồng thời tạo đà phát triển kinh tế-xã hội.
Bình Dương là vùng đất của hội tụ và phát triển. Thế và lực của Bình Dương hôm nay là kết quả phấn đấu kiên cường, năng động, sáng tạo, không ngơi nghỉ của bao lớp cư dân trên vùng đất này qua các thời kỳ lịch sử. Đó là hành trang, là vốn quý để Bình Dương cất cánh trong thời kỳ mới-thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: "Bình Dương sẽ đạt được những bước tiến mới, vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị văn minh".
Tôi cho rằng, nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước là phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỉ lệ nội địa hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Từng bước hình thành khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ.
Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. Tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Huy động các nguồn lực để phối hợp hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đồng bộ kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của kinh tế tỉnh.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2025: Nhiệm kỳ tới sẽ là bước ngoặt lớn
Đại hội lần thứ XI có trách nhiệm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực; tìm ra ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo. Các chủ trương lớn và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của nhiệm kỳ 2015 - 2020 (về phát triển đô thị, về huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, về phát triển dịch vụ chất lượng cao và về nguồn nhân lực) được tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho những nhiệm kỳ tiếp theo.
Kinh tế của tỉnh trong 5 năm qua luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hầu hết chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Các chính sách, giải pháp về nhà ở, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội và giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc hoàn thành các mục tiêu đột phá về kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống các tầng lớp nhân dân trong 5 năm tới, góp phần vào bước phát triển chung của đất nước.
Nhà đầu tư