Từ chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng: Một ngành của Việt Nam lãi ròng thêm 100 triệu USD mỗi năm?
Cơ sở cho nguồn thu ròng này đã được nhìn thấy ngay từ đầu năm 2024.
- 29-07-2024Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn khó trong mở rộng thị trường
- 28-07-2024Giữ Top 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đâu là giải pháp?
- 27-07-2024Tỉnh tăng trưởng GRDP đứng đầu Đồng bằng Sông Cửu Long phấn đấu trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước
Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam lần lượt là 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới niên vụ 2023-2024 nhưng có một “nghịch lý” xảy ra: Quốc gia đầu tiên thu được tiền từ tín chỉ carbon lúa lại là Philippines! Chỉ có điều là Philippines mới chỉ làm ở quy mô rất nhỏ với 50 hecta.
Vì thế, với việc bắt đầu triển khai Chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, chỉ vài năm nữa Việt Nam sẽ đi đầu thế giới về lĩnh vực này.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ở Cần Thơ ngày 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chúng ta cùng nhau thực hiện cho bằng được chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp này, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp TP Cần Thơ. Ngoài vốn ưu đãi còn có các kênh vốn khác, tôi đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay"...
Vậy lúa chất lượng cao, phát thải thấp là gì? Làm sao để có được loại lúa có thể đăng ký tín chỉ carbon này và ưu thế của loại lúa gạo này trên thị trường quốc tế là gì?
Cuộc trò chuyện với ông Võ Nguyễn Trường An - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) - sẽ phần nào giải đáp các câu hỏi trên.
- Ông đánh giá về tiềm năng tín chỉ carbon lúa của Việt Nam thế nào?
Ông Võ Nguyễn Trường An: Tiềm năng của tín chỉ carbon lúa của Việt Nam hiện tại đang rất là cao. Vì quá trình này không những nâng cao chất lượng lúa để chinh phục được các thị trường khó tính trên thế giới, thu được tiền tươi, mà còn giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính trong chính lĩnh vực trọng yếu này.
Như chúng ta đã biết, quá trình canh tác lúa ở Việt Nam chủ yếu vẫn là canh tác lúa nước và theo cách truyền thống. Đây là cách canh tác phát thải ra một lượng khí mê-tan rất là lớn, nhất là trong giai đoạn phát triển để tạo thân và tạo hạt lúa.
Vì sao? Vì trong giai đoạn này, việc tưới ngập nước lên cây lúa (theo truyền thống) sẽ làm phân hủy chất hữu cơ dưới đất và cây lúa khi đó sẽ hấp thụ chất hữu cơ đó rồi phát thải ra khí mê-tan thông qua những phiến lá.
Do đó, thay đổi công nghệ canh tác lúa để giảm khí thải là một giải pháp rất tốt để tạo nên tín chỉ carbon từ lúa. Có một kỹ thuật là AWD - tưới ngập-khô xen kẽ, do tổ chức Gold Standard đề xuất. Phương pháp này vừa làm giảm phát thải vừa giảm được lượng nước sử dụng.
Thực tế, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp nhiều vấn đề về nguồn nước, đặc biệt là những tháng mùa khô. Cho nên, việc tưới ngập-khô xen kẽ sẽ giúp tiết kiệm nước cho quá trình canh tác lúa ở khu vực này.
- Tôi có đọc được một thuật ngữ gọi là kỹ thuật canh tác lúa "1 giảm - 5 phải", nó có giống kỹ thuật AWD không?
Ông Võ Nguyễn Trường An: "1 phải, 5 giảm" là kỹ thuật điển hình nhất của quá trình canh tác lúa tiên tiến mà World Bank đưa ra trong Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).
Như ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của World Bank cho biết, những nông dân tham gia thực hiện VnSAT sẽ được cấp chứng chỉ carbon, từ đó mở ra hy vọng cho việc mua bán tín chỉ carbon sau này.
Cụ thể của kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" chính là: Phải sử dụng giống lúa xác nhận; Giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Hiểu khái quát kỹ thuật này nghĩa là, người nông dân khi canh tác lúa họ phải tiến hành làm sao để giảm được phát thải khí nhà kính.
- Như vậy, thuật ngữ "lúa giảm phát thải" và "lúa bán tín chỉ carbon" là một hay là khác, thưa ông?
Ông Nguyễn Võ Trường An: Thật ra nó như nhau. Chúng ta có thể hiểu như thế này: Bất kỳ dự án nào mà giúp giảm được khí nhà kính hoặc hấp thu khí nhà kính thì đều đủ điều kiện để đăng ký để cấp tín chỉ carbon.
Việc giảm phát thải chính là tiền đề để mình làm tín chỉ carbon. Như vậy, bất kỳ dự án nào của bất kỳ ngành nghề nào mà giảm được chất thải thì sẽ được cấp tín chỉ carbon - nếu đăng ký.
Hiện tại là có hai tổ chức thẩm định và cấp tín chỉ carbon hàng đầu thế giới đó là Gold Standard và VERRA. Gold Standard cung cấp tiêu chuẩn cao hơn về an ninh khí hậu và phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Còn VERRA (trụ sở chính tại Washington, D.C., Mỹ) là đơn vị chứng nhận lớn nhất thế giới về bù đắp carbon tự nguyện.
Cả hai tổ chức hàng đầu thế giới này cung cấp những phương pháp luận nhằm giúp người nông dân canh tác lúa hội đủ tiêu chuẩn để đăng ký tín chỉ carbon.
Tổ chức Gold Standard đã đưa ra phương pháp luận gọi là Quản lý nước thông minh, trong đó có kỹ thuật AWD - tưới ngập-khô xen kẽ trong canh tác lúa. Điều này sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính bằng cách sử dụng ít nước hơn so với phương pháp truyền thống ngập nước. Tuy nhiên, việc hạn chế nước có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Điều này đòi hỏi chúng ta phải quản lý nước một cách cẩn thận để đảm bảo cung cấp đủ nước cho sự phát triển của cây lúa.
Đối với VERRA, dự kiến vào cuối năm 2024, tổ chức này sẽ đưa ra phương pháp luận cụ thể.
- Để dễ hiểu hơn, tôi có một liên hệ thế này: Việt Nam nổi tiếng thế giới với nhiều giống lúa chất lượng cao do TS. Hồ Quang Cua, GS. Võ Tòng Xuân tạo ra. Vậy các giống lúa này đã gọi là lúa giảm phát thải chưa?
Ông Nguyễn Võ Trường An: Theo hiểu biết của tôi thì các giống lúa gạo của ông Hồ Quang Cua và GS. Võ Tòng Xuân - về mặt sản phẩm thì đó là những giống lúa rất tốt và có khả năng chống chịu tốt, sau thu hoạch cho ra những sản phẩm chất lượng rất cao.
Tuy nhiên, về khía cạnh giảm phát thải, thì nó còn phụ thuộc vào quy trình canh tác nhiều hơn chứ không chỉ phụ thuộc vào giống lúa.
Như câu chuyện chúng ta đã bàn trước đó là kỹ thuật "1 phải, 5 giảm". Nếu quá trình canh tác có áp dụng kỹ thuật này thì đó là lúa giảm phát thải; ngược lại, nếu không áp dụng thì nó chưa phải là lúa có thể bán tín chỉ carbon.
- Có thông tin cho rằng Ngân hàng Thế giới (World Bank) cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon lúa của Việt Nam. Có phải vậy không thưa ông?
Ông Nguyễn Võ Trường An: Vấn đề này nên hiểu như thế này. Thông qua những nghiên cứu khoa học và các báo cáo tiền khả thi đang tiến hành, thì World Bank mới đề xuất một mức giá như vậy thôi.
Mức giá 10 USD/tín chỉ, theo tôi nghĩ, là chỉ ở mức trung bình, không phải cao so với thế giới. Hiện tại, mức giá đề xuất của World Bank có thể còn lên tới 12 USD/tín chỉ. Do đó, con số chính xác thì cần có dự án thí điểm hoàn thành mới cho ra con số chính xác.
Giả định rằng, nếu giá 1 tín chỉ khoảng 10-12 USD, diện tích 1 hecta lúa có thể đem lại nguồn thu khoảng 100-120 USD mỗi năm, thì 1 triệu hecta lúa sẽ mang lại nguồn thu tương ứng 100.000.000 - 120.000.000 USD/năm.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang trong quá trình thí điểm tại một số địa phương trước khi mở rộng hơn nữa.
Đây là câu chuyện để chúng ta có thể dễ hình dung. Vào tháng 3/2024, Việt Nam đã nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của World Bank cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon (giai đoạn từ 1/2/2018 - 31/12/2019).
Thật ra, chúng ta cần phải hiểu là dự án đó chưa được 'verified - xác minh' ra tín chỉ (giống như tiêu chuẩn Verified Carbon Standard mà VERRA đưa ra). World Bank trả khoản tiền đó là ở trong giai đoạn đầu khi mà đã có những báo cáo khả thi và báo cáo tiền khả thi xác định trữ lượng có thể hấp thụ carbon của vùng rừng đó. Và đến năm 2025, người ta mới cho ra tín chỉ carbon chính thức. Do đó, phần tiền 51,5 triệu USD là nguồn mà World Bank tài trợ trước cho dự án.
- Vì sao khu vực thực hiện "Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp" là ĐBSCL mà không phải là vùng khác?
Ông Nguyễn Võ Trường An: Thứ nhất, ĐBSCL là vùng canh tác lúa lớn nhất Việt Nam và hiện tại hầu hết lúa gạo xuất khẩu đều đến từ khu vực này.
ĐBSCL có diện tích tự nhiên 4.092.000 hecta, trong đó 2.575.000 hecta đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Năm 2023, xuất khẩu gạo của ĐBSCL đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so với năm 2022.
Thứ hai, ĐBSCL có nhiều cơ hội rõ ràng để chúng ta thí điểm những công nghệ canh tác mới. Khu vực này có nhiều dư địa để áp dụng những công nghệ, kỹ thuật bài bản và theo quy mô lớn.
Thực tế, nếu dòng tiền từ World Bank mà về Việt Nam sau Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp thì số tiền đó sẽ được sử dụng để tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm các công nghệ cũng như các giải pháp giảm phát thải khác.
Cần phải hiểu một điều rằng, hiện tại, chúng ta chỉ mới đề cập đến lúa giảm phát thải thôi. Điều này có nghĩa là nó vẫn phát thải. Tuy nhiên, dư địa để làm lúa trung hòa carbon ở ĐBSCL là rất lớn.
Khu vực này có đầy đủ điều kiện để phát triển những dự án lớn. Nói ví dụ, để ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp thì cần có những cánh đồng lớn.
Ngoài ra, ĐBSCL đang tồn tại những vấn đề về bền vững nguồn nước và xâm nhập mặn thì nếu có nguồn tài trợ tiền đề từ World Bank, ĐBSCL có thể tháo gỡ được các vấn đề này và hướng tới tương lai là một vùng sản xuất và canh tác lúa bền vững.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2023 xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hơn 1,5 triệu hecta đất nông nghiệp ở ĐBSCL khiến hơn 10 triệu người đối mặt tình trạng thiếu nước ngọt; đồng thời gây thiệt hại kinh tế ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
- Cho đến thời điểm này, đề án đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Võ Trường An: Đề án đang thực hiện tại 12 tỉnh thành của ĐBSCL, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Tỉnh Sóc Trăng - cái nôi sản xuất lúa thơm nức tiếng thế giới - đã đăng ký thực hiện 72.000 hecta thuộc Đề án và triển khai từ năm 2024-2030. Vào năm 2024, Sóc Trăng thí điểm 50 hecta tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi (thuộc xã Long Đức, huyện Long Phú).
Tỉnh Kiên Giang đăng ký thực hiện 200.000 hecta thuộc Đề án và thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2024-2025; giai đoạn 2 từ 2026-2030.
Thành phố Cần Thơ đã gặt hái những kết quả ban đầu khi tham gia Đề án. Huyện Vĩnh Thạnh của thành phố tiên phong đăng ký thí điểm 50 hecta, thực hiện đồng loạt việc giảm phân bón, giống, nước tưới; sử dụng giống lúa OM 545... Kết quả, năng suất lúa vụ hè thu đạt 6,13 - 6,51 tấn/hecta; nông dân tăng lợi nhuận từ 1,3 triệu đến 6,2 triệu đồng/hecta.
Ba ví dụ cho thấy các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đều đã bắt tay vào thực hiện và đã thu được những kết quả khả quan ban đầu.
Đến năm 2025-2026, sau khi có kết quả khả quan từ việc thí điểm một số tỉnh như vậy thì đến năm 2027 sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn bộ ĐBSCL, dự kiến vào năm 2030 sẽ có tổng diện tích trồng là 1 triệu hecta lúa mà phát thải thấp khắp khu vực này, nhằm đăng ký lấy tín chỉ carbon.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Đời sống & pháp luật