Từ chối tiếp quản nhà hàng lẩu của mẹ, cô gái bán 1 món đồ mà phụ nữ nào cũng cần, nhẹ nhàng "đút túi” vài chục tỷ đồng mỗi năm
Khi muốn kinh doanh để tự đứng trên đôi chân của mình, cô cũng không ngờ, hành trình này gian truân đến vậy. Thời điểm bị lừa tiền, bom hàng, nợ nần lên tới hơn 2,6 tỷ đồng, cô đã suýt buông xuôi.
- 25-05-2023Ngôi trường liên cấp rộng 16.000m2: Sở hữu “chứng nhận” đặc biệt để trẻ làm chủ cuộc sống, bước tạo đà quan trọng khi đi du học
- 24-05-2023Công trình giao thông “đẳng cấp” 23km, "xẻ ngang" ngọn núi mà tránh tác động tới tự nhiên: Tư duy kiến trúc sư đáng ngưỡng mộ
- 22-05-202328 tuổi vẫn chưa có tiền mua nhà, người đàn ông biến "nơi chứa rác" thành căn hộ: Chỉ tốn khoảng 120 triệu, cực tiết kiệm điện
Trước tuổi 18, Chi Dao (Trung Quốc) đã quen với cuộc sống tiết kiệm trong một gia đình đơn thân, chỉ có mỗi bố "gà trống nuôi con". Sau khi thi đỗ đại học và chuyển đến Bắc Kinh học tập, cô mới gặp lại người mẹ xa cách nhiều năm.
Kể từ đó, cô có 2 trạng thái hoàn toàn khác biệt: ngày trong tuần bù đầu học tập và làm việc bán thời gian, ngày cuối tuần cùng mẹ đi trải nghiệm mức tiêu dùng cao. Vừa làm "thượng đế", vừa làm người "phục vụ thượng đế" quả là kinh nghiệm độc đáo đối với cô gái trẻ.
Từ bồi bàn, nhân viên pha chế, nhân viên giao đồ ăn, làm bếp... Chi Dao đã từng làm rất nhiều công việc bán thời gian để kiếm tiền. Cô cũng từng thử kinh doanh bằng cách mở một gian hàng nhỏ gần trường. Sau khi tốt nghiệp, cô phát triển nó thành cửa hàng trực tuyến, nhưng thời điểm đó, Chi Dao không ngờ đây sẽ trở thành công việc cả đời của mình.
Bắt đầu từ việc bán buôn đồ trang sức với số vốn chỉ 3.300 NDT (tương đương 10 triệu đồng), Chi Dao dần mở rộng đủ loại mặt hàng gia dụng khác. Sau đó, nhận ra tiềm năng của thị trường nội y, cô dần tập trung vào các sản phẩm này. Từ những sản phẩm có giá trung bình chỉ hơn 10 NDT, cô đã thu về hơn 10 triệu NDT mỗi năm.
Khi đó, Chi Dao đang học tại Đại học Truyền thông Trung Quốc. Mỗi khi có thời gian rảnh, không bận lên lớp hay làm bài tập, cô đều lao vào những công việc bán thời gian. Để kiếm thêm tiền tip, đôi khi cô còn cố gắng ăn vận như con trai, rồi đưa đồ vào trong ký túc xá nam.
Sau đó, đến cuối tuần gặp mẹ, cô lại được bà đưa đi trải nghiệm khắp các khách sạn 5 sao, ăn uống đắt tiền, mua sắm khắp các trung tâm thương mại. Có lẽ đó là cách mà bà muốn bù đắp cho những năm tháng tuổi thơ thiếu vắng bóng mẹ. Đặc biệt, bà không bao giờ trực tiếp đưa tiền cho cô, mà chỉ dùng cách này để cô có được những trải nghiệm. Đây dần trở thành động lực để cô phấn đấu kiếm tiền, đạt được chất lượng sống tốt hơn.
Đến khi là sinh viên năm 2, cô bắt đầu mở một quầy hàng gần trường. Với số vốn 2.000 NDT tiết kiệm được, cô quyết định bán một số loại mỹ phẩm và quần áo, giá thành phù hợp với sinh viên. Mỗi ngày, cô chỉ mở quầy 2 giờ đồng hồ, vào thời điểm tan học, và đã thu về khoảng 100 NDT.
Đến khi tốt nghiệp, trong khi các bạn xin đi làm ở tòa soạn hoặc đài truyền hình, Chi Dao lại dần nghiêm túc với công việc kinh doanh. Tại thời điểm đó, thị trường mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc đầu thập niên 2010 bắt đầu có dấu hiệu "bùng nổ". Cô cũng quyết định mở 1 cửa hàng online trên Taobao, dùng hết số tiền 3.300 NDT có được làm vốn liếng.
Biểu đồ dự đoán về sự phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Trung Quốc, được China Daily đưa ra dựa trên số liệu từ iResearch Inc năm 2012.
Nhờ tìm được mối buôn tốt, các sản phẩm của cô bán ra có chất lượng ổn định, giá cả chỉ từ 30 - 40 NDT. Cửa hàng nhanh chóng đạt doanh thu lên tới 2.000 - 3.000 đơn hàng/tháng mà không cần quảng cáo một xu. Công việc tuy hơi vất vả nhưng bản thân cô vẫn thấy hài lòng.
Dù thế, mẹ cô lại không ưng ý. Bà cho rằng, bán hàng trực tuyến là một công việc "vớ vẩn" và "không có tương lai".
Bà đã mua một cửa hàng ở khu phố ăn uống sầm uất tại Bắc Kinh, cải tạo thành nhà hàng lẩu, rồi yêu cầu Chi Dao phụ trách. Từ quá trình cải tạo đến khi vận hành kinh doanh, tất cả đều đặt lên vai Chi Dao khiến cô bận rộn chóng mặt. Cửa hàng trực tuyến buộc phải đóng lại, dù biết sẽ mất đi 1 lượng khách quen rất lớn.
Quản lý một nhà hàng lẩu rất mệt mỏi, cả về thể chất lẫn tinh thần. Chỉ sau một thời gian, Chi Dao đã cảm thấy kiệt sức, gặp nhiều các vấn đề về sức khỏe. Do đó, sau khi hoạt động của quán lẩu cơ bản ổn định, cô nghỉ việc quản lý, trao lại quyền điều hành cho mẹ.
Việc kinh doanh trước kia giúp cô "dằn túi" khoảng 600.000 đến 700.000 NDT (khoảng 2,3 tỷ đồng). Cô gái trẻ quyết định bay tới một thị trấn ven biển để nghỉ xả hơi dài ngày, giúp bản thân từ từ phục hồi.
Khoảng thời gian này kéo dài tới vài năm. Suốt quá trình ấy, Chi Dao chỉ đầu tư nhỏ lẻ, áp dụng các phương pháp quản lý tài chính, nhận vài công việc part time thoải mái về thời gian.
Cho tới khi, một tin nhắn từ khách hàng cũ gửi đến điện thoại của cô.
"Em nhớ shop của chị quá. Từ lúc chị đóng cửa, em chẳng tìm được cửa hàng nào ưng ý tương tự. Em chỉ muốn nhắn hỏi liệu chị có quay lại không ạ?"
Tin nhắn ấy bỗng khơi dậy đam mê kinh doanh của Chi Dao. Cô nhận ra mình thực sự tận hưởng công việc ấy, và những cố gắng bỏ ra đều được khách hàng ghi nhận.
Thế là cuối năm 2016, cô lại bắt đầu với nghiệp cũ. Lần này, cô chủ yếu bán đồ dùng gia dụng cho gia đình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Retailweek
Để tiện kinh doanh, cô chuyển tới Thâm Quyến, thuê một ngôi nhà ở vùng ngoại ô. Giá thuê khá rẻ, tầng một và tầng hai được dùng làm nhà kho, cô sửa sang tầng 3 để làm không gian sinh hoạt.
Quay trở lại với việc buôn bán, Chi Dao lại trải qua đủ cung bậc cảm xúc, từ việc bị lừa tiền, bị mất trộm, bom hàng, thậm chí mắc nợ tới 800.00 NDT (tương đương 2,6 tỷ đồng)... Tất cả tưởng chừng sẽ đánh sập đôi vai gầy, nhưng những feedback khen ngợi từ khách hàng lại trở thành nguồn động lực giúp cô bước tiếp.
Năm 2020, cô tìm được nguồn hàng đáng tin cậy trong lĩnh vực nội y nên khởi động lại cửa hàng trên Taobao với mặt hàng này. Cô thử hỏi trong nhóm khách hàng quen, có ai muốn mua nội y với giá chỉ từ 8,5 NDT hay không. Thật bất ngờ, mọi người đều hưởng ứng nhiệt tình. Trong hai tháng đầu tiên, cô đã bán hết 6.000 chiếc và quyết định ký hợp tác dài hạn với xưởng sản xuất.
Mặc kệ những đối thủ cạnh tranh không ngừng phá giá, Chi Dao vẫn duy trì mức giá trung bình 13 NDT/sản phẩm. Cô hiểu rằng, nội y có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dùng. Chỉ có yếu tố chất lượng mới là chìa khóa giữ chân người dùng.
Quả thật, sau một thời gian, cửa hàng của cô ngày càng nổi tiếng, lọt vào top có doanh số cao nhất, lên tới 50.000 đến 60.000 đơn hàng/tháng.
Lĩnh vực nội y khá đặc biệt vì không phải ai cũng biết cách chọn đồ phù hợp với bản thân. Mỗi một kiểu dáng, đường cắt và chất liệu vải khác nhau lại dành cho các dáng người khác nhau.
Ví dụ, đặc tính đàn hồi của vải modal và cotton là khác nhau, vải modal (chất liệu sợi nhân tạo) có thể co giãn lâu hơn, rất dễ chọn nhầm size, mặc đồ không thoải mái… Do đó, không thể tránh khỏi việc bị trả hàng hoặc đánh giá kém chất lượng.
Biểu đồ dự báo thị trường nội y phụ nữ tại Trung Quốc có khả năng chạm ngưỡng 42,5 tỷ USD, theo Research & Markets.
Để tránh tình trạng này làm ảnh hưởng tới uy tín cửa hàng, Chi Dao quán triệt với các nhân viên chăm sóc khách hàng rằng: Nhất định phải tư vấn thật kỹ cho từng khách hàng, kể cả khi đó là đơn hàng 1 sản phẩm với giá mười mấy NDT!
Sau từng ấy năm, bản thân Chi Dao càng nghiêm túc và kiên định với công việc này. Cô nói: "Gia đình tôi từng nghĩ rằng, bán hàng online là công việc không có tương lai. Nhưng chính nó đang trở thành tương lai của tôi. Hàng năm, cửa hàng có doanh thu lên tới hàng chục triệu NDT, giúp tôi mua nhà, mua xe, cuộc sống đủ đầy."
"Công việc này không chỉ là cách tôi kiếm tiền. Đó còn là cách để tôi hiểu biết và trải nghiệm cuộc sống", cô khẳng định.
*Nguồn: Toutiao
Nhịp sống thị trường