MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyện Huawei bị Mỹ cấm vận, Việt Nam có lo ngại việc đang phụ thuộc công nghệ nước ngoài?

Việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận chuyển giao công nghệ cho Huawei khiến một số người lo ngại về sự phụ thuộc của Việt Nam vào công nghệ nước ngoài và mong muốn đẩy nhanh tiến trình người Việt làm chủ công nghệ như chiến lược Make in Vietnam. Nhưng hai vấn đề này không nhất thiết phải tỷ lệ nghịch với nhau. Thậm chí, sự phụ thuộc này không nhất thiết phải là mối quan ngại, theo ông Vũ Tú Thành, PGĐ Điều hành khu vực Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN.

Hôm 20/5, Reuters dẫn nguồn tin độc quyền cho biết Google phải tạm ngừng kinh doanh với Huawei. Huawei sẽ chỉ được sử dụng các phiên bản công khai của Android và không có quyền truy cập vào các ứng dụng, dịch vụ độc quyền của Google.

Ngay sau đó, Qualcomm, Intel…hàng loạt công ty Mỹ khác đã đóng băng nguồn cung cấp phần mềm, linh kiện thiết yếu cho Huawei.

Bloomberg cho biết các doanh nghiệp Mỹ đã được chỉ thị ngừng giao dịch cho đến khi nhận được thông báo thêm. 3 ngày trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã liệt kê doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc này vào danh sách đen và đe doạ ngừng cung cấp phần mềm và các sản phẩm bán dẫn của Mỹ. Huawei có thể sẽ phải chịu thiệt hại nặng, thậm chí là tê liệt nghiêm trọng do tập đoàn phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm bán dẫn của Mỹ.

Lệnh cấm vận công nghệ của Mỹ với Huawei có thể tạo ra một mối lo ngại ở các nước có sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, ví dụ như Việt Nam và muốn đẩy nhanh tiến trình làm chủ công nghệ.

Việc làm chủ công nghệ theo ông Thành là điều nên làm với Nhà nước và chính bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng giữa hai vấn đề này không nhất thiết phải tỷ lệ nghịch với nhau. Thậm chí, sự phụ thuộc của Việt Nam vào công nghệ không nhất thiết là mối quan ngại.

Theo ông, Việt Nam từ khi đấu tranh và vận động Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận cách đây 25 năm đã xác định sẽ chấp nhận luật chơi quốc tế và hội nhập toàn cầu. Nguồn lực thời bấy giờ còn thấp nên phần nào đó đã hạn chế khả năng hưởng lợi của đất nước. Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam hiện đã khác dẫn đến kết quả thu được cũng khác.

"Dĩ nhiên Việt Nam cũng phải trả giá cho quá trình đó vì không có bữa ăn trưa nào là miễn phí", ông Thành cho biết. Nhưng cân nhắc giữa lợi và hại, Việt Nam đang làm tốt trong việc tăng lợi ích và giảm đi thiệt hại.

Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một phần tất yếu của hội nhập, theo ông Thành. Hệ quả của quá trình này là việc Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào chuỗi cung ứng này cũng như công nghệ nước ngoài. Điều này được ông Thành nhận định là khó bàn được tính tốt xấu bởi nó phụ thuộc vào chính bản thân của mỗi đất nước.

Nếu Việt Nam không biết hoặc không đủ năng lực để khai thác lợi thế từ chuỗi cung ứng và công nghệ - nó là xấu. Nhưng ngược lại, nếu biết cách khai thác, chắt lọc những lợi thế từ bên ngoài – nó sẽ là điều tốt.

Trở lại câu hỏi ban đầu, từ vấn đề của Huawei gặp phải: Nếu bị cấm vận về công nghệ, Việt Nam sẽ như thế nào và lập luận cần làm chủ công nghệ, ông Thành cho biết dù nghe hợp lý nhưng nếu đặt trong bối cảnh thực tế của quá trình hội nhập trong nước, nhiều khả năng sẽ tạo ra sự hiểu nhầm. Sự hiểu nhầm này, theo ông là hại nhiều hơn lợi.

Việt Nam tham gia vào cuộc chơi toàn cầu để ngăn chặn những rủi ro về cấm vận– ông Tú Thành nhận định. Trong suốt thời gian hội nhập, về cơ bản, nền kinh tế 94 triệu dân đã xác định được đối tác làm ăn. Nghĩa là khi hai bên cùng có lợi, không có lý do gì để phải trở mặt với nhau.

Còn việc Việt Nam bị "ép", không phải là mới, ông Thành cho biết. Nhưng trong quá trình hợp tác, hai bên đã thống nhất về một điểm tối ưu trong một khoảng thời gian nhất định. Đây chính là lý do Việt Nam đã ký được nhiều Hiệp dịnh FTA với các đối tác thương mại hàng đầu.

"Việt Nam chỉ có thể bị cấm vận khi chủ động vi phạm nghiêm trọng các luật chơi quốc tế mà mình đã chấp nhận tuân thủ", ông nhận xét.

Do đó, theo ông, việc làm chủ công nghệ không phải là để đề phòng nước ngoài cấm vận công nghệ cũng như không phải để tránh hay giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Việc làm chủ này là một phần tất yếu của quá trình tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp bình thường nào.

Theo ông, điều cần làm ở thời điểm hiện tại là tiếp tục sửa đổi chính sách, dỡ bỏ rào cản để giúp các doanh nghiệp được tiếp cận, thử nghiệm các mô hình kinh doanh, các công nghệ mới. "Đối với doanh nghiệp, làm chủ công nghệ là ứng dụng công nghệ để kiếm được nhiều lợi nhuận nhất, bất kể công nghệ đó là của nước ngoài hay trong nước", ông Vũ Tú Thành cho biết.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên