MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyện VinGroup ưu đãi DN Việt nghĩ tới chuyện ông chủ "Đường Bia" với TTTM V+

02-06-2016 - 13:39 PM | Doanh nghiệp

Ưu đãi của Vingroup với doanh nghiệp Việt Nam gợi nhớ đến ưu đãi của ông chủ "Đường Bia" hơn một năm về trước. Được miễn phí thuê mặt bằng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó bởi người tiêu dùng không đến V+ của Hòa Bình Group.

Ưu đãi của VinGroup

Ngày hôm qua, 1/6, VinGroup đã có lễ ký kết với 250 doanh nghiệp Việt thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, VPP đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”.

Hơn 140 doanh nghiệp đã ký kết hợp tác về phân phối. Theo đó, trong vòng một năm, từ 1/6/2016 – 1/6/2017, các doanh nghiệp trên sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý.

Riêng các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%.

Gần 100 doanh nghiệp còn lại ký kết hợp tác với Vingroup nhằm tăng cường hiện diện thương hiệu trong hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ của Tập đoàn với các thương hiệu Vincom Retail, VinDS, VinPro…

Bên cạnh việc hỗ trợ mạnh mẽ về mạng lưới phân phối, các doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp tác với Vingroup nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất

Ưu đãi của Vingroup với doanh nghiệp Việt Nam gợi nhớ đến ưu đãi của ông chủ "Đường Bia" hơn một năm về trước. Được miễn phí thuê mặt bằng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó bởi người tiêu dùng không đến V+ của Hòa Bình Group.

Chuyện ưu đãi thất bại của Đường Bia

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, hay còn được gọi với cái tên “Đường Bia” gây xôn xao thị trường với ý tưởng có một không hai miễn phí toàn bộ tiền thuê mặt bằng cho doanh nghiệp tại TTTM V+ tại Hòa Bình Green City 505 Minh Khai (Hà Nội) trong thời gian 50 năm chỉ với duy nhất một điều kiện doanh nghiệp đó sản xuất hàng Việt Nam và khống chế lợi nhuận dưới 15%.

Ông chia sẻ muốn làm điều này vì mong doanh nghiệp Việt tăng sức cạnh tranh không để các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt.

Quyết định này của ông đã gây sốc trên thị trường. Trước đây Big C đã thỏa thuận thuê 13.000m2 của TTTM V+ rộng 25.000m2 tại Hòa Bình Green City trong 50 năm với giá 330 tỷ đồng nhưng vị Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình từ chối và quyết định tự vận hành, miễn phí tiền thuê mặt bằng để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, đồng thời hưởng ứng phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”.

Ngay thời điểm ông tuyên bố cho miễn phí thuê mặt bằng đã có hơn 100 doanh nghiệp Việt đăng ký . Các doanh nghiệp trong nước khi đem hàng đến bán tại TTTM này sẽ ký hợp đồng với Hòa Bình ít nhất 5 năm.

TTTM V+ là phần sàn thương mại (4 tầng) thuộc Dự án Hòa Bình Green City được xây dựng tại 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Hoà Bình Green City do Hòa Bình là chủ đầu tư. Tổng diện tích sàn của TTTM là 25.000m2. Ngoài diện tích sàn thương mại Hòa Bình Green City được xây dựng là một tổ hợp gồm 2 toà tháp 27 tầng được kết nối với nhau bằng trung tâm thương mại. Tổng số hơn 500 căn hộ.

Toàn bộ diện tích sàn 25.000m2 ông Nguyễn Hữu Đường định cho thuê miễn phí. Ông còn tiết lộ, ông đã có đề xuất gửi các cơ quan chức năng về việc mở rộng mô hình TTTM V+ tới tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, tham vọng là thế nhưng khi đi vào hoạt động TTTM V+ lại vắng hoe. Ngày 31/1/2015 TTTM V+ tại Hòa Bình Green City khai trương, nhưng đến nay TTTM V+ dường như không được như kỳ vọng ban đầu. Khách mua sắm ít, diện tích sàn cho thuê còn trống nhiều, lượng hàng hóa bán ra của doanh nghiệp tại V+ chưa nhiều.


TTTM V+ vắng khách sau hơn 1 năm khai trương

TTTM V+ vắng khách sau hơn 1 năm khai trương

Tại TTTM V+ hiện tầng 1 và tầng 3 trống rất nhiều gian hàng, khu vực tầng 2 nhiều gian hàng bày bán hơn nhưng rơi vào tình trạng vắng khách, ế ẩm. Còn siêu thị V+ ở tầng hầm hàng hóa phong phú hơn nhưng chỉ đông khách ngày cuối tuần, và phục vụ chủ yếu cho dân cư tại tòa nhà. Khách vãng lai gần như không có. Hàng thời trang ở khu vực tầng 2, khu vực tầng 1 và tầng 3 số lượng gian hàng trống rất nhiều. Còn tại siêu thị V+ dưới tầng hầm thì dù mặt hàng khá phong phú nhưng lượng khách đến mua rất hạn chế.

Nếu như trước đây khi bắt đầu khi trương mô hình V+, ông chủ Hòa Bình Group kỳ vọng đây sẽ là TTTM Việt Nam hoành tráng, nơi không chỉ bán hàng mà còn là địa diểm du khách thăm quan hàng Việt thì nay thực tế đã trả lời cho thấy đây là một TTTM rất vắng. Và có thể nói mô hình V+ dường như thất bại.

Cùng hướng về doanh nghiệp Việt, câu hỏi đặt ra, với ưu đãi mới này của VinGroup liệu doanh nghiệp có sống khỏe và thực sự được gỡ khó như kỳ vọng.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao,Vingroup phải nghĩ xa hơn, chiến lược hơn để có hàng hóa lâu dài với chất lượng ổn định, tức là DN phải đủ mạnh và hàng hóa phải đủ sức chinh phục người tiêu dùng. "Vingroup không thể mạnh bằng cách đứng ở cửa thuyết phục người tiêu dùng vào mua đi, mà phải từ thực chất, chất lượng của hàng hóa", bà Hạnh nhận định.

Cách làm của VinGroup khác với Hòa Bình Group, nhưng câu hỏi nêu trên sẽ được chính người tiêu dùng và thực tế trả lời bởi nếu doanh nghiệp không đến được với người tiêu dùng thì ưu đãi mấy cũng vẫn khó.

Theo Hải Minh

Người đồng hành

Trở lên trên