Công ty then chốt trong vụ án Trịnh Văn Quyết lừa đảo 3.600 tỷ : Từ tăng vốn ảo thành DN vốn hóa 100.000 tỷ lớn thứ 6 sàn chứng khoán, vượt trên cả BIDV, Vietinbank, Masan
Khi ROS lập đỉnh vào tháng 11/2017, vốn hóa của cổ phiếu này bỏ xa nhiều doanh nghiệp lớn lúc đó như BIDV hay Vietinbank, Masan, Hòa Phát...
- 26-02-2024Bài học từ chiến lược nhân sự giúp PNJ vươn tầm
- 26-02-2024Khởi tố chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu
- 26-02-2024Nhiều đơn hàng trở lại, doanh nghiệp xuất khẩu da giày khởi sắc
FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) là doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong vụ đại án "Thao túng thị trường chứng khoán" và " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng đồng phạm.
Theo kết luận 25/8/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung (FLC Faros), bà Trịnh Thị Thúy Nga và bà Trịnh Thị Minh Huế (cả hai đều là em gái ông Quyết) đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách tăng vốn ảo cho FLC Faros rồi bán cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.
Cụ thể theo Cơ quan điều tra: Từ năm 2014 đến 2016, các bị can nói trên đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng - tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros; sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, 4 bị can đã bán cổ phiếu và chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Với việc nâng khống vốn điều lệ của và cú thổi giá "ngoạn mục" của ông Trịnh Văn Quyết cùng đồng bọn, FLC Faros đã nhanh chóng trở mình, biến thành một "blue chip" và là một những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Lúc đỉnh điểm vốn hóa vượt 100.000 tỷ đồng
Vào tháng 9/2016, sau khi hoàn tất đợt tăng vốn khống lên 4.300 tỷ đồng, FLC Faros đã được ông Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với giá tham chiếu chỉ 10.500 đồng/cp.
Tuy nhiên, thị giá của ROS đã đạt mức 210.000 đồng/cp, gấp 20 lần chỉ sau một năm. Chính mức giá này đã giúp FLC Faros trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 6 trên sàn HoSE, đạt mức 101.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, vào thời điểm đó cũng chỉ có 6 doanh nghiệp có mức vốn hóa trên 100.000 tỷ gồm một loạt những "blue chip" như Vinamilk, Sabeco, Vingroup, Vietcombank và PV Gas.
Thậm chí, ở tại thời điểm đó, vốn hóa của FLC Faros còn vượt một loạt doanh nghiệp lớn trên sàn như BIDV, Petrolimex, Vietinbank, Masan Group, VPBank, Hòa Phát, MB, Thế Giới Di Động... Đây đều là những công ty ở trong rổ chỉ số VN30 vào năm 2024. Lúc đó, FLC cùng ROS cũng lọt vào rổ chỉ số VN30.
Với việc vốn hóa tăng "chóng mặt" chỉ trong một năm, rất nhiều quỹ ETF lúc đó đưa ROS vào rổ danh mục và thắng lớn nhờ vào việc đầu tư vào cổ phiếu này. Không chỉ các quỹ ETF, FLC Faros cũng đã đưa từng ông Trịnh Văn Quyết trở thành một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, sau đỉnh cao là vực sâu, giá cổ phiếu này đã liên tục trượt dốc kể từ tháng 12/2017, biến từ một blue chip trở thành một cổ phiếu penny trên sàn chứng khoán.
Đến ngày 5/9/2022, cổ phiếu ROS đã chính thức bị hủy niêm yết trên HoSE. Lý do mà HOSE đưa ra là FLC Faros đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà SGDCK hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Trước đó trong ngày 24/8, HoSE vừa mới thông báo khả năng hủy niêm yết cổ phiếu ROS sau khi căn cứ mức độ và tính chất của các vi phạm CBTT và quản trị công ty, với tình trạng hiện nay của ROS có thể khiến việc vi phạm có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư.
Sau khi bị hủy niêm yết, hiện ROS cũng vẫn chưa đủ điều kiện giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Ở phiên giao dịch cuối cùng, vốn hóa của doanh nghiệp này chỉ còn 1.400 tỷ đồng, mặc dù vốn điều lệ của FLC Faros lúc đó là 5.676 tỷ đồng.
FLC Faros tiền thân là CTCP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, chuyên thi công đường giao thông, thi công nhà cao tầng và các công trình dân dụng khác. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2011 với số vốn ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Sau đó, Chỉ trong vòng 3 năm, FLC Faros đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.
Ngày 13/5/2015, công ty Vĩnh Hà đổi tên thành Xây dựng Faros. Đến gần cuối năm 2016, tức là khoảng 3 tháng sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, Xây dựng Faros mới có thêm chữ "FLC" trong tên gọi của mình như ngày nay.
Sau khi lên sàn, FLC Faros tiếp tục tăng vốn thêm hai lần khác bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017 với tỷ lệ 10% và thưởng cổ phiếu vào năm 2018 với tỷ lệ 20%. Theo đó vốn điều lệ của FLC Faros nâng lên mức 5.676 tỷ đồng, tương ứng với 567,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
An ninh Tiền tệ