Từ hái hạt điều, cấy lúa thuê... đến bán thịt heo, người phụ nữ này hiện sở hữu thương hiệu 100 tỷ nhờ sợi bún
Đằng sau những sợi bún Nguyễn Bính vang danh đất Sài Gòn là mồ hôi, nước mắt 17 năm thăng trầm của người con gái được ví là “mình đồng da sắt” sinh ra từ đất Bắc.
- 29-11-2016Từ Beer Club đến Mỳ cay Hàn Quốc: Chuỗi nhà hàng tại Việt Nam quá dựa dẫm theo "sóng" nên khó có thể thành công
- 19-10-2016Bà chủ nước mắm Khải Hoàn: Làm nghề mắm truyền thống rất cực, cực từ thể xác đến khối óc
Bỏ quê, nhịn ăn để lấy tiền đi học
Sinh năm 1970 trong một gia đình làm bún nghèo mù chữ ở Hà Tây (cũ), Nguyễn Thị Bính đã phải rời bỏ quê hương nghèo khó để vào Nam mưu sinh.
Thân một mình con gái, không người quen biết, Bính tự kiếm tiền để ôn thi và theo học Trường trung cấp lắp máy Long Thành - Đồng Nai, chuyên nghành vẽ kỹ thuật và chế tạo cơ khí.
Cấy, gặt lúa thuê, nhổ củ mì, bóc hạt điều... thậm chí phụ hồ, xuống gạch, chở đá thuê là những nghề mà cô gái 17 tuổi quê Hà Tây phải làm lụng để lo tiền thuê nhà, ăn học.
Chị Nguyễn Thị Bính, Giám đốc sản xuất Bún Thủ Đức Nguyễn Bính.
Sau 2 năm nuôi mộng đi học với ước mơ giản dị kiếm được một việc làm nhưng ra trường, Bính lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Các công ty, xí nghiệp chuyên ngành kỹ thuật, điện chỉ nhận nam, không nhận nữ. Bính phải đi làm giúp việc cho một gia đình 11 người ở TP HCM, sau đó làm lao công cho một cao ốc ở quận 1.
Với đồng lương ít ỏi 40.000 đồng cho 3 tháng làm việc vất vả, Bính nhịn ăn đăng ký học trang điểm, cắt tóc vào buổi tối với mong muốn thoát kiếp làm thuê. Và chỉ một năm sau, cô gái nghèo đã tự mở cho mình một tiệm uốn tóc nhỏ rồi tiếp tục học thêm ngành quản trị kinh doanh.
Lập gia đình vào năm 1994, chồng không có việc làm cố định phải mướn nhà thuê, Bính mắc bệnh nặng nên kiếp nghèo vẫn đeo bám. Chị quyết định bỏ nghề tóc đi bán thịt heo với số vốn là 2,5 triệu đồng đi vay.
Vốn của công ty trăm tỷ là 3 cái nan tre
Kinh tế gia đình khá giả hơn, bệnh tật thuyên giảm nhưng chị day dứt với nghiệp giết mổ rồi quyết định bỏ nghề, chuyển sang làm bún – nối nghề truyền thống của quê hương.
Năm 1999, biết tin con theo nghề tổ, bố chị mừng lắm. Ông chặt tre, vót thẳng làm dụng cụ phơi bún rồi gửi theo tàu lửa vào Nam. “Bố tôi nói sẽ vào Sài Gòn làm nghề với con gái, nhưng sau 3 tháng thì qua đời. Đây là số vốn lớn nhất và ý nghĩa nhất tôi nhận được từ người thân”, bà chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính xúc động nhớ lại.
Thế nhưng, để phát triển nghề truyền thống tại nơi đất khách quê người không phải chuyện dễ dàng. Những ngày tháng khó khăn triền miên, đang buôn bán ổn thì cơ sở sản xuất bún của chị bị quản lý thị trường tịch thu hết đồ nghề vì không có giấy phép kinh doanh.
Hai vợ chồng mất ăn mất ngủ, bữa cơm chỉ có mớ rau luộc còn lại dành tiền mua sữa cho con. Chật vật hơn một tháng trời mới hoàn tất thủ tục kinh doanh, chị Bính lại một mình gây dựng sự nghiệp với nghề truyền thống.
Rút kinh nghiệm từ các lần trước, chị Bính bắt đầu chào hàng, lập thương hiệu Bún Thủ Đức Nguyễn Bính. Ai đi ngang qua sạp bún chị cũng tặng một ít để khách dùng thử. 6 tháng sau, bún Nguyễn Bính được nhiều người biết đến, chị mướn người làm để có thời gian đi tiếp thị.
Một vấn đề lớn lúc này, là vì làm bún thủ công, không có hóa chất, nên nhiều đại lý chê bún của chị đen. Họ đặt hàng nhưng không bán được lại trả về. Do không thể cạnh tranh với bún ngâm hóa chất có sợi trắng tinh bắt mắt, giai đoạn năm 2002 - 2006, chị Bính liên tục viết đơn, gõ cửa các ban ngành y tế, an toàn thực phẩm TP HCM để tố cáo hành vi dùng hóa chất công nghiệp (Tynopal) cạnh tranh không lành mạnh.
Người ta bảo chị ăn gan trời vì là người đầu tiên dám công khai lên án các hành vi dùng hóa chất công nghiệp trong sản xuất bún. Cũng vì thế, gia đình chị gặp nhiều rắc rối. Nhiều tiểu thương ghen ăn tức ở, phá rối, chửi mắng, bôi bẩn lên sạp hàng không cho chị bán. Thậm chí, hàng ngày chị còn nhận được hàng chục cuộc điện thoại đe dọa đốt nhà, giết 2 vợ chồng, bắt cóc con.
Là phái yếu nhưng chị rất cứng rắn. Bỏ ngoài tai những lời nhục mạ, người đàn bà 32 tuổi ở nơi đất khách quê người vẫn cứ bám trụ tại sạp hàng ở chợ và phát triển nghề bún truyền thống của gia đình.
Để tự bảo vệ mình, chị bắt đầu đưa sản phẩm bún tươi vào đóng gói, lấy thương hiệu hiệu bún Nguyễn Bính Thủ Đức. Cách làm của chị bị các tiểu thương phản đối kịch liệt vì họ có thể cạnh tranh được. Phải rất lâu sau, Bún Nguyễn Bính mới in thêm địa chỉ công ty và số điện thoại liên hệ lên bao bì sản phẩm.
Sau nhiều tháng kiên trì, tối làm sáng ra chợ bán, sản phẩm bún tươi của chị Bính ngày càng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Năm 2005, chị Bính quyết định thành lập công ty để có chỗ đứng trên thị trường.
Người đưa chiếc máy sản xuất bún tự động thành hiện thực
Công ty bún đang trên đà phát triển thì một trận động đất năm đó đã làm hư hại 70 tấn gạo trong kho. Lúc này, số nợ ngân hàng của doanh nghiệp lên tới 300 triệu đồng.
Dây chuyền sản xuất bún tự động Nguyễn Bính.
Không nản chí, trong cái khó ló cái khôn, cũng vì trận động đất ấy, chị Bính tự mình đi tìm nguồn gạo mới. Trên chiếc xe máy cũ cọc cạch, đích thân chị chạy khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau đó tìm đến Ba Tri, Giồng Trôm (Bến Tre). Tại đây, chị đã tìm được nguồn gạo phù hợp để làm bún, cho độ ngon, khô nhưng dẻo dai.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, chị Bính kể: “Khi gặp đối tác mua gạo, thấy tôi đi xe máy họ chê vì không tin tưởng. Tôi lại chạy thẳng xe về TP HCM, sau đó thuê ô tô xuống đó chở gạo về”.
Từ chỗ bán được vài chục ký, sau chưa đầy 1 năm, Bún Nguyễn Bính đã bán được cả tấn mỗi ngày. Từng có thời gian học về cơ khí - máy móc, nên chị mạnh dạn đưa ra ý tưởng thiết kế dây chuyền sản xuất bún công nghiệp.
Sau khi đặt hàng cho các kỹ sư cơ khí giỏi, công nghệ sản xuất bún bằng lò hơi tự động hóa với công suất bún, phở, miến từ 200 kg lên 700 kg/giờ đã ra đời. Sau lò hơi, chị Bính lại tiếp tục cải tiến lên lò điện để giảm chi phí nhiên liệu.
Tháng 10/2014, chị Nguyễn Thị Bính lập đề án quy hoạch khu làng nghề cho ngành bún gửi UBND TP HCM. Hiện trung bình mỗi tháng công ty sản xuất ra khoảng 1.000 tấn bún, miến, phở, bánh canh...., và mới cho ra mắt sản phẩm đông lạnh để xuất đi nước ngoài. Hiện nay, bún tươi Thủ Đức Nguyễn Bính có mặt khắp các điểm bán ở Sài Gòn, với thị phần áp đảo so với hơn 400 lò bún hiện có trên địa bàn.
“Tài sản quý giá nhất của tôi là việc làm cho người lao động”
Mặc dù ở cái tuổi đầu 2 thứ tóc, nhưng chị Bính bảo, tham vọng của chị là phải có nhà máy lớn gấp 3 lần hiện nay, xây dựng nhà máy tự động hóa hoàn toàn với dây chuyền khép kín vì nhu cầu thị trường với sản phẩm sạch còn rất lớn.
Đến hôm nay, lò bún của cô gái đất Bắc ngày nào đã trở thành thương hiệu đủ mạnh để chị tự hào và cũng đủ lớn để bản thân chị khi nhìn lại cũng thấy thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của 17 năm thăng trầm. Hiện doanh nghiệp của chị được định giá trăm tỷ đồng. Tuy thế, nhìn lại cuộc đời của chị, mỗi năm làm ra được lượng tài sản mà nhiều người mơ ước là cả những hy sinh to lớn gắn liền với hình ảnh chân tay sưng to như quả chuối với da bị nước ăn mòn.
Trước cơ ngơi thành công như hiện tại, chị Bính cho biết, công ty bún Nguyễn Bính là niềm tự hào về những ngày tháng làm việc cật lực. Thế nhưng, hiện giờ chị không biết tài sản của mình là bao nhiêu mà chỉ bận tâm là đã lo tốt cho cuộc sống của bao nhiêu người lao động cần mưu sinh. Đấy là tài sản quý giá nhất mà cuộc đời đã ban tặng cho chị.
Trí thức trẻ