Từ "kẻ đáng ghét" trên sân golf tới nhà vô địch Master: Sai lầm đem đến bài học thích đáng và quá trình chứng minh bản thân bằng sự kiên trì
Nếu hỏi những ai được yêu thích nhất trong golf Mỹ, chắc chắn sẽ có Tiger Woods dẫn đầu thì ở phía ngược lại, những người bị ghét bỏ nhất, không ai là không biết đến Patrick Reed. Chức vô địch Masters đến với Reed quả không dễ dàng sau những sự chối bỏ của người hâm mộ môn thể thao quý tộc này.
- 08-02-2019Chuyện ít biết về ngôi sao làng golf Adam Scott: Người “giải cơn khát” danh hiệu suốt hàng chục năm cho người Australia
- 01-02-2019Golf thủ chuyên nghiệp Sergio Garcia: Thành công không phải chỉ là Chiến thắng
Tiểu sử của golfer bị ghét nhất nước Mỹ
Để trả lời vì sao Patrick Reed lại lọt top golfer đương đại bị ghét nhất, và là một trong chín VĐV khó ưa nhất còn thi đấu là một câu chuyện dài. Không giống như Nick Faldo - người cũng bị ghét bỏ chẳng kém nhưng vì thái độ thi đấu lạnh lùng thì Reed lại “mất điểm” vì nói nhiều và nói những điều không nên nói.
Không giống các golf thủ khác khi luôn giữ hình ảnh quý tộc và “đẳng cấp” trên sân thi đấu thì golf thủ người Mỹ nói rất nhiều, thậm chí chẳng ngại ngần tranh cãi với cổ động viên trên khán đài. Hành động xấu xí nhất mà anh để lại xảy đến tại Ryder Cup 2014.
Reed khiến các CĐV tức giận khi anh đặt ngón tay lên môi, ra dấu yêu cầu đám đông hãy im lặng sau khi anh có một cú gạt bóng ấn tượng ở hố 7. Anh cũng được “ghi nhận” đã chửi tục nhắm vào các CĐV ở giải WGC-HSBC Champions tại Thượng Hải.
Không chỉ gây thất vọng với những tranh cãi trên sân thi đấu mà Reed còn bị ghét vì những câu nói tưởng như “đời thường”. Khi vừa giành danh hiệu PGA Tour thứ ba chỉ bảy tháng sau sinh nhật 23 tuổi, Reed bắt đầu tự huyễn hoặc về bản thân "Tôi chắc chắn đang là một trong năm golfer hay nhất thế giới", Reed, khi đó xếp thứ 73 thế giới, nói. "Tôi không thấy ai ngoài Tiger Woods và những huyền thoại quá khứ làm được như tôi".
Sự thật là, có tới ba golfer khác cũng giành ba danh hiệu PGA Tour như Reed trong cùng thời gian. Chẳng có gì quá nổi bật về thành tích nhưng lại nổi tiếng vì những câu nói tâng bốc bản thân, không lạ gì khi Reed bị nhiều CĐV la ó, đòi đuổi ra khỏi sân đấu. Đáp lại những chỉ trích của người hâm mộ, Reed thậm chí còn thêm dầu vào lửa: “Tôi không bao giờ hối hận với những gì mình đã nói”.
Áp lực từ dư luận và bài học phải trả
Mặc dù lớn tiếng là không quan tâm đến những lời nói của người hâm mộ nhưng rõ ràng sự nghiệp của Reed cũng có những nốt trầm muốn xóa bỏ. Bài học lớn đầu tiên anh phải nhận là việc không qua lát cắt ở năm trong số tám giải kế tiếp, trong đó có Masters và British Open. Reed cũng chỉ lần lượt xếp T35 và T58 tại US Open và PGA Championship. Trong phần còn lại của năm 2014, chàng trai trẻ chỉ có hai lần lọt vào top 10. Reed có dấu hiệu gục ngã, và phần còn lại của thế giới hạnh phúc với điều đó.
Những năm tiếp theo, Reed không thể vươn tới top năm thế giới như anh từng nghĩ. Golf thủ đến từ Texas thỉnh thoảng lọt top 25 thế giới, đôi lần được dự Ryder Cup và một lần được dự Presidents Cup nhưng chẳng gặt hái được thành công nào nổi bật. Anh dần chìm nghỉm ở các giải cá nhân.
Nhưng báo chí truyền thông thì vẫn “ưu ái” Reed rất nhiều khi khai thác lại những câu chuyện thời còn đi học của Reed. Họ tiết lộ rằng Reed bị đuổi chỉ sau một năm học tại trường Georgia, vì gian dối trong khi đấu golf. Reed bị cho là thường xuyên khai báo số gậy ít đi, cũng như lấy bóng của người đánh cùng khi nó ở vị trí tốt hơn. Chưa hết, anh bị nghi lấy cắp 400 USD và một chiếc gậy Scotty từ đồng đội. Reed lên tiếng phủ nhận, nói rằng mình bị đuổi vì nghiện rượu, nhưng chẳng mấy ai tin anh.
Sang đến trường mới Augusta State, không ai thèm nói chuyện với Reed. Anh bị kỷ luật nội bộ vì lý do “không được tiết lộ”. Tất cả dường như quay lưng với chàng golf thủ vốn rất có tài năng. Người ta “hả hê” vì nghĩ rằng đã dạy anh được một bài học, vì nghĩ rằng Reed sẽ gục ngã.
Kiên trì với các giải đồng đội và lên ngôi Masters ở giải cá nhân
Nhưng phần đông có lẽ đã nhầm về Reed. Nếu họ cho rằng anh chỉ là một “gã béo” tự phụ huênh hoang thì nay sẽ phải xem lại mình khi chứng kiến gã Reed kiên trì với các giải đồng đội thế nào. Chính anh là người góp công lớn giúp trường Augusta State từ một đội lót đường trở thành nhà vô địch hai năm liền tại NCAA.
Rồi cũng chính là Reed khi chiến thắng Rory McIlroy tại Ryder Cup 2016 với cách biệt một hố, nâng thành tích của anh tại giải đồng đội danh giá lên thành sáu thắng, một hòa và hai thua – một trong những tỷ lệ thắng cao nhất mà một golfer đạt được tại Ryder Cup. Biệt hiệu “Captain American” được dành cho Reed, người luôn đem về vinh quang cho nước Mỹ ở các giải đồng đội.
Các cổ động viên dần lấy lại thiện cảm với Reed sau những gì anh cống hiến cho quê hương. Nhất là khi những “quý ông” như Dustin Johnson hay Jordan Spieth không dự Olympics 2016 vì sợ dính virus Zika thì chỉ có Reed là có mặt ở Rio và tự hào tuyên bố niềm tự hào của mình khi được thi đấu vì màu cờ sắc áo: “Tôi chẳng sợ gì cả. Nước mắt tôi luôn chực trào ra mỗi lần được thi đấu cho nước Mỹ”.
Và chiến thắng ở giải Masters lần này, chức vô địch Major đầu tiên trong sự nghiệp mà Reed giành được hồi tháng 4/2018 sẽ là dấu mốc tự hào cho golf thủ Texas lấy lại sự yêu mến của khán giả. Anh vẫn là một Patrick Reed thẳng thắn và có phần thô bộc nhưng golf cần những người như Reed - để làm cho môn thể thao này gần gũi hơn, thân thiện hơn.