MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ M&A 1 tỷ USD giữa SK và Vingroup, thấy gì về xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Báo cáo của Baker McKenzie đánh giá, dù tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam sẽ giảm trong năm 2020. Tuy nhiên sau đó sẽ hồi phục trong năm 2021 và 2022.

Theo báo cáo mới nhất về các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) và IPO tại Việt Nam do Baker McKenzie công bố, thương vụ M&A có giá trị nhất trong năm 2019 tại Việt Nam với 1 tỷ USD do tập đoàn năng lượng SK của Hàn Quốc đầu tư vào VinGroup. Tiếp theo là giao dịch trị giá 850 triệu USD cho 15% cổ phần Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) của Ngân hàng Hana Bank.

Các nhà nghiên cứu của Baker McKenzie tỏ ra lạc quan về dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).

"Hoạt động M&A đang rất sôi động, một phần do các yếu tố tích cực của thị trường Việt Nam khiến các nhà đầu tư lạc quan, cùng vời đó là những hiệp định thương mại đa phương hứa hẹn sẽ tác động tới chính sách đầu tư và hợp tác" - bà Seck Yee Chung - trưởng nhóm Nghiên cứu về các hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam của Baker McKenzie nhận định.

Tổng số dự án M&A tại Việt Nam trong năm 2019 là 58, với 41 thương vụ có vốn nước ngoài, chiếm 70% tổng số dự án, phần còn lại là M&A nội địa. Baker McKenzie dự báo năm 2020 sẽ có khoảng 55 dự án M&A, với tỷ lệ 30:70 ứng với doanh nghiệp trong nước và các thương vụ có vốn nước ngoài.

Từ M&A 1 tỷ USD giữa SK và Vingroup, thấy gì về xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? - Ảnh 1.

Báo cáo đánh giá, dù tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam sẽ giảm trong năm 2020. Tổng giá trị trong năm 2019 ước tính khoảng 2,6 tỷ USD, năm 2020 giảm xuống chỉ còn 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau đó đến năm 2021 số giá trị M&A có thể tăng lên 2,8 tỷ USD và năm 2022 tăng lên 3,4 tỷ USD. Số lượng dự án có thể tăng lên lần lượt là 98 và 119 trong năm 2021-2022.

Từ M&A 1 tỷ USD giữa SK và Vingroup, thấy gì về xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? - Ảnh 2.

Baker McKenzie chỉ ra 10 chỉ số thu hút các giao dịch của Việt Nam được đánh giá trên thang điểm 10, bao gồm nhiều yếu tố.

Chỉ số độ mở của nền kinh tế được điểm tuyệt đối. Mức độ khả thi khi vận hành doanh nghiệp, cung tiền và khả năng hỗ trợ của chính phủ ở thang 6-8 điểm. Nhóm các chỉ số liên quan tới rủi ro bản quyền, nền tảng cơ sở hạ tầng và pháp lý, quy mô thị trường chứng khoán nội địa ở thang điểm dưới 4. Chỉ số thu hút các giao dịch của Việt Nam đạt 3,7/10.

Từ M&A 1 tỷ USD giữa SK và Vingroup, thấy gì về xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? - Ảnh 3.

Baker McKenzie đánh giá chỉ số dễ dàng kinh doanh của Việt Nam đạt 6,9 điểm, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 7,4.

Từ M&A 1 tỷ USD giữa SK và Vingroup, thấy gì về xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? - Ảnh 4.

Trong 18 tháng tới, do xu hướng tăng trưởng xuất khẩu giảm, một phần vì nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm và chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ chững lại. Hiện tại, mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Việt Nam là 6,2%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,8%.

Dù vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động M&A. Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2019, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam 2.095,8 triệu USD, chiếm 19,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên