Từ một OceanBank lớn nhanh như thổi, Hà Văn Thắm đã gây hại như thế nào?
Hà Văn Thắm bị xác định gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của ngân hàng và cổ đông, làm ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách tiền tệ khi cho vay trái quy định làm thất thoát 500 tỷ đồng, vượt trần lãi suất tiền gửi gây thiệt hại 984 tỷ đồng
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và các đồng phạm về các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Oceanbank và các đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Oceanbank là đối tượng chính, cầm đầu hoạt động phạm tội, có sự trợ giúp đắc lực của các đồng phạm.
Hà Văn Thắm là ai?
Ông Hà Văn Thắm sinh năm 1972 tại xã An Hà, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Ông Thắm tốt nghiệp cử nhân Đại học Thương mại, Thạc sĩ trường Đại học Columbia Commonwealth (USA) và Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Công nghệ Paramount, Mỹ.
Khởi nghiệp rất sớm từ năm 1993 - 1997 với chức danh Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh, Hà Văn Thắm giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty TNHH VNT sau đó là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải hưng. Kể từ năm 2007, Hà Văn Thắm đã khẳng định vị thế của mình khi trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đại Dương.
Hà Văn Thắm từng sở hữu khối tài sản lớn bao gồm cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), tài sản của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo... Cho đến năm 2012, ông là người giàu thứ 8 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu OGC trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.
Cho tới tháng 1/2014, ông giữ vai trò là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), Chủ tịch CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH), Chủ tịch CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS)...
Cũng giống như nhiều ngân hàng khác “xuất thân” từ một ngân hàng nông thôn nhưng chỉ sau một vài năm, Oceanbank đã có sự thay đổi “thần kỳ” dưới sự lãnh đạo của Hà Văn Thắm. Từ một ngân hàng với số vốn ban đầu vỏn vẹn 300 triệu đồng rồi tăng tốc lên 4.000 tỷ đồng năm 2010.
Tuy nhiên, kèm theo sự tăng trưởng đó là những rủi ro hoạt động tăng lên bởi thiếu sự kiểm soát trong việc cấp tín dụng và trình độ quản lý không theo kịp, tình hình kinh doanh của Oceanbank cũng lao dốc không phanh.
Nợ xấu OceanBank gần 50%, lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng
Mặc dù theo báo cáo tại thời điểm ngày 31/3/2014, vốn điều lệ của Ocean Bank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 20%, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương chiếm 20%, Công ty TNHH VNT chiếm 20% và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%.
Trong quá trình điều hành Ocean Bank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật rút tiền của ngân hàng, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng không có khả năng thu hồi. Số tiền này được cựu Chủ tịch Ocean Bank sử dụng vào mục đích cá nhân.
Quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính - tiền tệ tại Ocean Bank, Hà Văn Thắm có nhiều vi phạm dẫn đến nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Ocean Bank; lỗ gần 10.200 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gấp hơn 2 lần)…
Cho vay trái quy định, huy động vượt lãi trần
Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, trong quá trình điều hành Oceanbank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty "sân sau", Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn rút tiền của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Hà Văn Thắm trong quá trình tham gia, điều hành Oceanbank, với cương vị người đứng đầu ngân hàng, Thắm đã chỉ đạo Ban giám đốc Oceanbank giải quyết cho vay không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục vay của Oceanbank, trực tiếp gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền 500 tỷ đồng.
Hà Văn Thắm hiểu biết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối, tuy nhiên để huy động vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Thắm đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962, quê Hà Tĩnh, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank) theo đề nghị.
Bị can Thắm và Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua CTCP BSC Việt Nam và triển khai tổ chức thực hiện dẫn đến thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng 70 tỷ đồng. Ngoài ra Hà Văn Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo Oceanbank về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại Oceanbank, vượt trần huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 984 tỷ đồng.
Đây được đánh giá là vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2011 đến 2014, ông Thắm là người chủ mưu, có thủ đoạn tinh vi cùng sự tiếp tay của nhiều người. Hậu quả của vụ án đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ.
Ông Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố về 3 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm xảy ra tại Oceanbank và một số đơn vị liên quan là 1 trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017.