Từ năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5 - 7%, vốn đầu tư FDI sẽ đổ vào nhiều hơn
Chuyên gia của VinaCapitalt tin rằng từ năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5 - 7% mỗi năm như giai đoạn trước đại dịch.
- 04-01-2022PMI tháng 12 tăng nhẹ lên 52,5 điểm, các điều kiện kinh doanh cải thiện ba tháng liên tiếp
- 04-01-2022VNDIRECT: Doanh thu ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam sẽ tăng trưởng cao năm 2022 nhờ 3 xu hướng này, với Masan và Vinamilk hưởng lợi lớn
- 04-01-2022Loạt thay đổi liên quan đến bảo hiểm y tế từ năm 2022 người dân cần chú ý
Chia sẻ với BizLIVE, ông Andy Ho , Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital đánh giá việc mở cửa nền kinh tế theo định hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là động thái tích cực và sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Đến nay, Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đã dần mở cửa trở lại sau đại dịch. Ông có đánh giá gì về khả năng phục hồi, trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022? Ông dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức nào?
Tôi cho rằng chúng ta khá may mắn khi nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan và thị trường chứng khoán đang phát triển mạnh mẽ trong hai năm qua và tin rằng từ năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5 - 7% mỗi năm như giai đoạn trước đại dịch.
Năm 2021, mức tăng trưởng thu nhập trung bình so với cùng kỳ của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đạt khoảng 35%. Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cần lựa chọn được các doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng này. Trong năm 2022, hầu hết các nhà phân tích đều dự báo tăng trưởng thu nhập bình quân của các doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt khoảng 25%, thể hiện sự tin tưởng vào khả năng hồi phục mạnh mẽ của doanh nghiệp và các lĩnh vực của nền kinh tế.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index chủ yếu sẽ đến từ các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản (bất động sản nhà ở và khu công nghiệp), xây dựng, bán lẻ và hàng không... Đây là những ngành chịu tác động lớn nhất bởi đại dịch trong thời gian vừa qua và có khả năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2022.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có một số lĩnh vực sẽ phục hồi chậm hơn. Các ngân hàng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, do đó, chúng ta cần chú ý dòng tiền và chất lượng các khoản cho vay nói chung và cụ thể hơn đối với những lĩnh vực cần thời gian dài hơn để hồi phục.
Trong sự trở lại đó, theo ông Việt Nam cần những quyết sách gì để nền kinh tế phục hồi một cách bền vững?
Theo tôi, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực và thành công trong việc kiểm soát đại dịch, ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng cân bằng với phát triển kinh tế - xã hội. COVID-19 chưa từng có tiền lệ, chúng ta đều lần đầu đối diện và phải học hỏi, rút kinh nghiệm trong suốt thời gian qua, sau từng giai đoạn đều có những bài học để điều chỉnh đối sách cho phù hợp hơn.
Tôi cho rằng việc mở cửa nền kinh tế theo định hướng: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là động thái tích cực và sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong những tháng tới, tạo ra việc làm, giúp người dân có thu nhập và có khả năng tiêu tiền trở lại từ đó đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Tôi cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng vực dậy ngành du lịch - lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch và cũng là nhóm ngành đóng góp lớn vào GDP của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan ban ngành liên quan sẽ tìm được cách mở cửa an toàn để đón khách du lịch quốc tế trở lại nhằm giúp ngành du lịch và vận chuyển hành khách sớm hồi phục trong thời gian tới.
Ông đánh giá ra sao về dòng tiền FII, FDI vào Việt Nam trong thời gian tới?
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI là các khoản đầu tư lớn và dài hạn vào Việt Nam, chẳng hạn như đầu tư của các tập đoàn như LG, Samsung, Intel và Coca Cola. Các hoạt động đầu tư này giúp tạo ra rất nhiều việc làm, của cải cho xã hội đồng thời chuyển giao cả các tiến bộ công nghệ.
Năm 2021, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 30 – 32 tỷ USD, giải ngân được khoảng 20 tỷ đô, tương đương với năm 2020 và 2019 mặc dù tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, điều này nói lên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam và lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài với các chính sách của chính phủ Việt Nam. Chúng tôi tin rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2022.
FII, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có xu hướng ngắn hạn và tập trung nhiều hơn vào cổ phiếu, cổ phần của các doanh nghiệp. Từ đầu năm 2021, dòng vốn này đã bị rút khỏi Việt Nam với tổng giá trị lên đến khoảng 2 đến 3 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này tương đối nhỏ so với tổng đầu tư FII ước tính hơn 50 tỷ USD. Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư quốc tế sẽ sớm trở lại Việt Nam vì các số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam từ năm 2022 đều rất tích cực.
Nhìn nhận của ông về xu hướng bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt. Liệu xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới trong bối cảnh Fed có động thái sẽ có nhiều lần nâng lãi suất trong thời gian tới, cũng như lạm phát đang nổi lên là một vấn đề đáng quan ngại?
Tôi cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong năm 2021 không có gì đáng ngạc nhiên đồng thời giá trị bán ròng cũng tương đối nhỏ so với tổng đầu tư FII vào Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài có rất nhiều cơ hội đầu tư trên toàn cầu và họ có quyền lựa chọn rót tiền vào những nơi ít rủi ro và có tiềm năng sinh lợi tốt nhất.
Những nhà đầu tư bán ròng trong năm qua đã bỏ lỡ đà tăng của TTCK Việt Nam và chắc chắn họ sẽ cân nhắc quay trở lại khi nhận ra tiềm năng tăng trưởng của thị trường này lên đến 20-25% và định giá P/E của VN-Index chỉ ở khoảng 14x-15x trong năm 2022, đây là những điều kiện khá hấp dẫn so với các nước khác trong khu vực
Chúng tôi đang phân tích tác động lên nền kinh tế Việt Nam của việc FED dự kiến có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022. Trong trường hợp Chính phủ Hoa Kỳ ngừng mua trái phiếu và các biện pháp nới lỏng tiền tệ đồng thời bắt đầu tăng lãi suất thì đó là thông tin tích cực và phản ánh rằng thị trường ở Mỹ đang tăng trưởng nóng và lạm phát có thể cao hơn dự kiến.
Nếu nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi và phát triển tốt, người Mỹ sẽ mua nhiều hàng hóa hơn, đồng nghĩa với việc Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn vì hàng hóa Việt Nam được ưu chuộng tại thị trường Hoa Kỳ. Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 90 tỷ USD hàng hóa và chúng tôi kỳ vọng con số này tiếp tục tăng.
Vốn đầu tư FDI sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn để thành lập các cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu, việc này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra của cải cho xã hội và đương nhiên sẽ giúp hỗ trợ TTCK khi người dân có thêm tài sản nhàn rỗi. Các nhà đầu tư cá nhân đã dẫn dắt sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai.
Hơn nữa, về mặt lý thuyết, việc lãi suất tại Mỹ cao hơn sẽ làm tăng giá trị của đồng USD hoặc chỉ số đô la Mỹ. Nhờ có lượng dự trữ USD lớn, điều này sẽ giúp ổn định giá trị của VND so với USD và các ngoại tệ khác, người dân khi nắm giữ VND và các khoản đầu tư, tiền gửi bằng VND cũng sẽ hưởng lợi. Do đó, tôi cho rằng việc Mỹ tăng dần lãi suất sẽ có lợi cho Việt Nam trong những năm tới.
Xin cảm ơn ông!
BizLive