MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự sự của doanh nhân từng bỏ dở 2 trường ĐH, không có nổi một tấm bằng trong tay: Càng học cao, càng khiến bạn “khánh kiệt”

18-06-2017 - 00:06 AM | Sống

Khi tôi ở trong cùng một căn phòng với rất nhiều CEO khác, không ai hỏi tôi có một tấm bằng đại học hay không. Thậm chí câu hỏi đó không bao giờ xuất hiện.

Kyle Taylor là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của The Penny Hoarder – một trong những website về tài chính cá nhân lớn nhất nước Mỹ với hơn 15 triệu người đọc mỗi tháng. Năm 2016, Inc. 5000 đã xếp hạng The Penny Hoarder là công ty tư nhân phát triển nhanh thứ 32 và công ty truyền thông phát triển nhanh nhất tại Mỹ.

Dưới đây là bài chia sẻ của Kyle Taylor trên CNBC.

Khi trưởng thành, trường đại học đối với tôi như bước đi hoàn toàn hợp lý sau khi tốt nghiệp trung học. Nó được coi như việc bạn “bắt buộc phải làm” nếu bạn muốn có một công việc ổn định và kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi không được đề cập ở đây là: vào đại học là một khoản đầu tư tài chính lớn và ông chủ tương lai của bạn không thực sự quan tâm việc bạn đã từng học đại học hay chưa.

Bản thân tôi đã nhận ra bài học này một cách khá “đau đớn”: Tôi đỗ 2 trường đại học nhưng chẳng có lấy một tấm bằng và nợ học phí lẫn thẻ tín dụng lên tới 50.000 USD.

Tôi phải thừa nhận rằng tôi là một học sinh lười biếng – tôi vẫn đủ điểm để qua môn, nhưng tôi chưa bao giờ đặt hết nỗ lực vào việc học hành. Tuy vậy, việc bỏ học giữa chừng cũng không nằm trong kế hoạch của tôi.

Năm 2004, tôi là một sinh viên chuyên ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Nam Florida ở St. Petersburg. Tôi đi học khoảng 3 tuần trước khi xin được một công việc tham gia sự kiện chính trị. Khi chiến dịch kết thúc, tôi được giao cho một nhiệm vụ khác trong chiến dịch ở Texas. Đó là cơ hội quý mà tôi không thể bỏ qua. Tại thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ mình tạm nghỉ đại học, chứ không phải bỏ học đại học.

Sau đó, cuộc sống “đẩy đưa” tôi đến Denver và tôi tiếp tục tham dự Đại học Colorado trong 3 học kỳ. Tôi tiếp tục bỏ học để tham gia một chiến dịch khác. Đã có lúc tôi từng nghĩ mình sẽ quay lại trường học, nhưng sau khi thành lập công ty truyền thông tư nhân đang phát triển mạnh và thuê được 70 nhân viên, tôi không chắc sẽ quay lại đại học nữa.

Bằng đại học có thực sự quan trọng?

Mỗi khi nhắc đến những cái tên như Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các tỷ phú thông minh, thành công và giàu có mà chưa từng tốt nghiệp đại học. Và bạn có biết không? Khi tôi ở trong cùng một căn phòng với rất nhiều CEO khác, không ai hỏi tôi có một tấm bằng đại học hay không. Thậm chí câu hỏi đó không bao giờ xuất hiện.

Theo một cuộc khảo sát của CareerBuilder, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đánh giá kinh nghiệm làm việc quan trọng hơn tấm bằng. Tuy nhiên, 61% giám đốc nhân sự cho biết họ đã tăng yêu cầu về trình độ học vấn trong những năm gần đây vì yêu cầu kỹ năng cho một số vị trí đã phát triển.

Nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì ở ứng viên?

Thông thường, trình độ học vấn là thứ cuối cùng chúng tôi tìm kiếm khi tuyển dụng nhân sự. Lý do không phải là vì chúng tôi không ấn tượng bởi tấm bằng Harvard, mà bởi chúng tôi cho rằng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất mà chúng tôi tìm kiếm trong quá trình tuyển dụng.

Dưới đây là những yếu tố chúng tôi tìm kiếm:

Sự phù hợp về văn hóa: Chúng tôi tìm kiếm những nhà lãnh đạo táo bạo, những người có thể giao tiếp với sự thân thiện và không quá bảo thủ. Và nếu bạn có thể kể một câu chuyện cười, chúng tôi sẽ xem đó như một điểm thưởng.

Đam mê học hỏi: Chúng tôi đánh giá cao cách bạn học hỏi hơn là tấm bằng mà bạn đạt được từ 20 năm trước. Hãy cho chúng tôi biết các khóa đào tạo mà bạn đã tham gia trong năm nay, những cuốn sách mà bạn mới đọc hay những hội thảo bạn mới tham gia gần đây.

Kỹ năng hiện tại: Bạn đã học được những gì? Chúng tôi biết rằng môn triết học ở trường Đại học có thể khiến bạn trở thành một nhà tư tưởng tốt, nhưng chúng tôi sẽ ấn tượng hơn nếu bạn có thể nói cho chúng tôi biết việc thay đổi thuật toán mới nhất của Google đã ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp. Trường đại học không phải là tất cả, vì thế tôi không muốn bỏ lỡ một ứng viên giỏi chỉ vì họ không học đại học.

Càng học cao, càng khiến bạn “khánh kiệt”

Có một điều tôi muốn làm rõ ở đây: Tôi không quy kết đại học là một điều xấu, bởi có quá nhiều người ở lứa tuổi 20 bước vào thị trường lao động mà không có sự trang bị đầy đủ về kiến thức cũng như kỹ năng. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học hiện nay có khá nhiều bất cập.

Thứ nhất, chi phí trung bình cho học phí và các loại chi phí trong năm học 2016-2017 lên tới 33.480 USD tại các trường tư và 9.650 USD tại các trường công. Chi phí này chưa tính đến các chương trình học kéo dài hơn hoặc ngành học đắt hơn, sinh viên nước ngoài và nhiều yếu tố khác nữa.

Sau tất cả, giáo dục đại học để lại những khoản nợ.

Theo thống kê của Student Loan Hero, người Mỹ nợ khoảng 1,4 nghìn tỷ USD học phí và con số nợ trung bình của mỗi sinh viên trong năm 2013 là 37.712 USD, tăng 6% so với năm trước đó. Trong khi đó, chỉ có khoảng 52,9% sinh viên tại Mỹ hoàn thành việc học trong 6 năm.

Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi đã trả hết 50.000 USD nợ học phí và tôi hy vọng, các bạn sẽ đưa ra lựa chọn chính xác hơn trước khi quyết định có chấp nhận món nợ học phí hay không.

Theo Nhật Minh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên