MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Từ sức hút Blackpink, Việt Nam cần trải thảm cho nhà đầu tư ở lĩnh vực văn hóa'

"Việt Nam cần "trải thảm" cho các nhà đầu tư ở lĩnh vực văn hóa và phải hỗ trợ thay vì bắt họ xin xỏ để được cấp phép triển khai", ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê nhận định sau show diễn của Blackpink tại Việt Nam.

Theo số liệu ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, tổng thu từ du khách trong 2 đêm diễn 29 và 30/7 của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình đạt khoảng 630 tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng hơn 170.000 lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt hơn 30.000 lượt còn khách du lịch nội địa đạt hơn 140.000 lượt. Lượng khách quốc tế có lưu trú đạt gần 22.000 lượt, với các thị trường hàng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ...

Trong 2 ngày này, một số khách sạn, đặc biệt là các khách sạn quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình ghi nhận công suất phòng tăng 20% so với các ngày cuối tuần thông thường. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tại Hà Nội tháng 7/2023 ước đạt 60,8% (tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước).

Từ sức hút của nhóm nhạc Blackpink tại Việt Nam, Nhadautu.vn đã trao đổi với ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Bros) về những góc nhìn đa chiều trong việc phát triển công nghiệp văn hóa sau 2 đêm diễn vừa qua.

'Từ sức hút Blackpink, Việt Nam cần trải thảm cho nhà đầu tư ở lĩnh vực văn hóa' - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Bros). Ảnh: Trọng Hiếu.

Tour lưu diễn toàn cầu Born Pink đã kết thúc thành công bằng 2 đêm diễn cuối cùng tại Hà Nội. Ông và gia đình, người thân có đến xem 2 buổi biểu diễn này không? Dưới góc độ là người thưởng thức văn hóa và chuyên gia lĩnh vực truyền thông, ông đánh giá thế nào về 2 đêm diễn này của Blackpink?

Ông Lê Quốc Vinh: Tôi không trực tiếp tham dự vì có kế hoạch khác, chứ không phải không thích đến xem, nhưng tôi cử nhân viên công ty đến xem rất nhiều.

Xét về chất lượng đêm diễn, họ rất thành công, vì chương trình này là tour đi vòng quanh thế giới, họ cũng đã "lội qua lội lại" châu Á rất nhiều lần. Việc tour diễn thành công không có gì ngạc nhiên, vì chương trình đã được sắp xếp, tính toán bài bản và chuyên nghiệp.

Tôi đã đến xem khâu tổ chức từ lúc họ dàn dựng, hệ thống rào chắn, ghế ngồi và khâu kiểm soát đám đông, họ đều làm rất tốt, điều này chứng tỏ họ ở một đẳng cấp khác.

Mặc dù số lượng người đến xem chưa phải con số họ mong muốn nhưng vẫn là số lượng rất đông so với các chương trình khác ở Việt Nam từ trước đến nay.

Đương nhiên, phần lớn khán giả đều cảm thấy hài lòng, thoả mãn với chất lượng, với những bài hát, âm thanh ánh sáng và các hoạt động trong đó. Chỉ có vài hạt sạn nhỏ, tôi cho là không đáng kể.

Nhìn chung, đây là một chương trình vô cùng thành công.

Nếu nhìn một cách khách quan, khi theo dõi toàn bộ quá trình từ lúc đơn vị tổ chức tuyên bố đưa Blackpink đến Việt Nam, được chính quyền, nhà nước rất ủng hộ, nhưng có rất nhiều giai đoạn "số phận" chương trình rất bấp bênh, cho đến tận tuần cuối trước khi biểu diễn, khán giả vẫn đặt câu hỏi liệu chương trình có được biểu diễn không? Chưa kể, vài ngày trước show diễn, vụ việc lùm xùm bản quyền cũng đe doạ show này có thể bị dừng. Các yếu tố trên đã làm cho tâm lý của người mua vé rất xáo trộn.

Chúng ta có thể thấy rất nhiều người ôm vé, đêm đầu tiên không bán được, vì tâm lý nhiều người muốn xem nhưng không dám mua vé, vì không biết Blackpink có được diễn hay không. Sau này, sức hút của ngày đầu đã làm cho giá vé ngày thứ hai tăng vọt. Ngay cả câu chuyện về website của công ty tổ chức, việc kiểm soát an ninh, cổng bán vé 2 tuần đã bị đóng… Đó là những vấn đề lùm xùm không đáng có.

Thông thường, chúng ta hay quan tâm đến quyền lợi của nhiều bên khác, như khách hàng, nghệ sỹ,… nhưng trừ nhà tổ chức sản xuất, trừ người bỏ tiền ra để đầu tư.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Bros

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa các đoàn nước ngoài đến, nhưng chưa bao giờ thấy nghệ sĩ thuộc loại top thế giới, đang ở thời kì đỉnh cao. Tất cả điều này cho chúng ta thấy rằng, đây được xem là show diễn lớn nhất từ trước đến nay và là cơ hội vô cùng hiếm có đối với Việt Nam. Tức là, nếu như show diễn Born Pink này được diễn ra một cách suôn sẻ thì Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến mới cho các nghệ sĩ trên thế giới. Thế nhưng, Hà Nội đã không tận dụng tốt cơ hội này để thu hút khách quốc tế và phát triển du lịch, trừ những dịch vụ xung quanh, như khách sạn, ăn uống được hưởng lợi và cũng phục vụ du khách trong nước là chủ yếu.

Trước đây, các nghệ sĩ rất ngại đến Việt Nam vì họ không chắc sẽ thu được hiệu quả hay không và không chắc thị trường âm nhạc Việt Nam có đủ tầm cho họ hay không, liệu đến đây họ có thể bán được giá vé cao hay không… Tuy nhiên, khi show diễn của Blackpink diễn ra, giá vé tại Việt Nam rất cao so với thị trường nước ngoài nhưng nhiều người vẫn mua, điều này đã chứng minh với thế giới rằng, Việt Nam còn rất nhiều dư địa.

Hơn nữa, điều họ e ngại khi nói đến Việt Nam như việc đi lại khó khăn, visa, một thị trường xa lạ, họ không biết thị trường cũng như cung ứng dịch vụ ở Việt Nam ra sao, nên họ vẫn sợ. Những show tầm cỡ trung bình đã đến rồi, nhưng show lớn thì phức tạp hơn rất nhiều. Những show này đòi hỏi phải có sự kết nối trong hệ thống quản trị quốc tế, kiểu như Live Nation của Mỹ, chứ không chỉ riêng hệ thống tại Việt Nam.

Một điều nữa là sự hợp tác của các cơ quan chức năng. Có quá nhiều sự cẩn trọng quá mức trong việc kiểm soát chương trình. Từ những điều chưa thể hình dung khi lần đầu tiên tổ chức, sự tấn công của cư dân mạng liên quan đến bản đồ… đã khiến chính quyền có sự dè dặt.

Những show lớn như thế này, nhiều người nói Việt Nam đủ trình độ để làm, ví dụ như trình độ dàn dựng, đạo diễn, trang thiết bị,… Thật ra vẫn chưa đủ. Phải có những nhà tổ chức quốc tế, nhà đầu tư uy tín quốc tế mới đưa được những nghệ sĩ mà đằng sau họ là những công ty giải trí rất lớn, bởi họ chỉ làm việc với những đối tác mà họ tin cậy thôi.

Từ kết quả của hai đêm diễn vừa qua, ô ng nhận định ra sao về thực trạng công nghiệp văn hóa tại Việt Nam hiện nay ?

Ông Lê Quốc Vinh: Ngành công nghiệp văn hoá là một ngành kinh tế, để tạo nên thị trường văn hóa thì điều đầu tiên phải có nhà đầu tư, sau đó là doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực văn hoá, rồi mới đến nhân lực sáng tạo, các nghệ sĩ, các nhà tổ chức sản xuất, các nhà cung ứng... Nếu như chỉ quan tâm đến một phần các đối tượng, thị trường văn hoá sẽ không phát triển được. Chúng ta phải cân đối hài hòa giữa nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.

Thông thường, chúng ta hay quan tâm đến quyền lợi của nhiều bên khác, như khách hàng, nghệ sỹ,… nhưng trừ nhà tổ chức sản xuất, trừ người bỏ tiền ra để đầu tư. Bất cập này diễn ra ở tất cả ngành nghề văn hoá.

Điều đáng nói, tôi nghe được rằng, Việt Nam là show đầu tiên không bán hết vé, còn tất cả các điểm dừng chân khác của Blackpink trong tour diễn đều bán hết. Cho nên, con số 8 triệu USD tôi cho là không đạt được. Nghe con số doanh thu (dự đoán) có vẻ lớn, nhưng xét thực tế, chi phí trả cho Blackpink, chi phí tác quyền, chi phí sân khấu… đã vượt qua con số này. Do vậy, Công ty iME Việt Nam - nhà đầu tư và đơn vị tổ chức show BlackPink ở Hà Nội hai đêm vừa qua chắc chắn chịu lỗ.

Có thể nói, sự kiện này đã chiếm sóng truyền thông trong hơn tuần qua và gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, không thể phủ nhận câu chuyện thành công của Blackpink đã cho thấy về đường hướng phát triển văn hóa rất thú vị của Hàn Quốc. Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm gì từ sự kiện này để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà?

Ông Lê Quốc Vinh: Xét về tầm nhìn, tư duy, Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy rằng văn hoá chính là động lực phát triển của nền kinh tế. Người ta vẫn coi văn hoá là một chuyên môn tách biệt, văn hoá là thứ linh thiêng, cần phải được tôn thờ chứ không phải thứ làm thương mại. Trong khi đó, Hàn Quốc có chiến lược rất khác, văn hoá của họ đi đến đâu, hàng hoá đi đến đó.

Người Hàn Quốc từ nhiều thập kỉ trước đã phát hiện ra sức mạnh của văn hoá và họ đã có chiến lược phát triển văn hoá để dọn đường cho các ngành kinh tế khác như ôtô, hàng tiêu dùng, hàng công nghệ…

Hàn Quốc đã đưa văn hóa truyền thống đan xen với văn hóa hiện đại, nghệ sĩ của họ dù hiện đại nhưng đâu đó vẫn có "chất" văn hoá của nước họ trong đó.

Việt Nam thì đi ngược lại, khi nhắc đến văn hoá là đụng đến tư tưởng, nên chúng ta rất sợ phát triển kinh tế văn hoá. Chúng ta có một tư tưởng là sùng bái giá trị truyền thống, do đó không tận dụng những điều học được và không làm giống họ.

Thực tế, những thập niên 80 chúng ta mới nghe thấy quốc tế nói đến ngành công nghiệp sáng tạo và đến tận những năm 2008 - 2009 tôi lần đầu nghe đến khái niệm này ở Việt Nam. Đến năm 2012, Việt Nam mới có những động thái phát triển công nghiệp văn hoá. Nếu Hàn Quốc cần 4 thập kỉ để phát triển công nghiệp văn hóa, thì Việt Nam khó có thể đi nhanh hơn được.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1755/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến 2030 GDP từ 12 ngành công nghiệp văn hóa đạt 7% GDP. Mục tiêu này có khả thi với năng lực ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam không?

Ông Lê Quốc Vinh: Theo tôi, mục tiêu này khó có thể làm được, bởi thứ chúng ta có trong tay chỉ là kế hoạch chiến lược chung chung. Đây chỉ là một lời hứa nhưng làm thế nào để đạt được lời hứa đó thì không có hành động cụ thể.

Chẳng hạn, năm 2019 Hà Nội chính thức trở thành một trong 66 thành phố vừa được UNESCO chấp thuận đưa vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của tổ chức này. Theo UNESCO thì các thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới này phải cam kết đặt sáng tạo vào trung tâm của các chiến lược phát triển và chia sẻ các hoạt động thực tiễn tốt nhất của mình. Trên thế giới, mỗi thành phố sáng tạo đều biến sáng tạo, hay văn hóa, thành trụ cột trong chiến lược phát triển, chứ văn hóa không phải chỉ là một thứ "phụ kiện".

Câu hỏi đặt ra là, Hà Nội có kế hoạch gì và đã làm gì để giữ danh hiệu này? Chưa có kế hoạch hành động nào cả. Mỗi năm, chúng ta luôn đi hỏi các tổ chức, các doanh nghiệp xem họ có gì không, đạt doanh số bao nhiêu để đưa vào báo cáo thôi.

Nếu không có hành động cụ thể thì lấy đâu ra con số 7% GDP?

Để cụ thể hóa, hiện thực hóa chiến lược này và để thực sự xây dựng được một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc cũng như hội nhập quốc tế, qua đó góp phần định hướng gu thẩm mỹ của giới trẻ. Cần có sự đầu tư thế nào để có thể phát triển công nghiệp văn hóa đối với cả hai chiều từ Chính phủ cũng như nhà đầu tư trong ngành?

Ông Lê Quốc Vinh: Thứ nhất, để cụ thể hoá chiến lược thì cần có hành động. Tôi lấy ví dụ, kế hoạch của Hà Nội, năm nào làm được cái gì? Chẳng hạn, cần phải xây trường đào tạo nghệ thuật, trường đào tạo kinh doanh nghệ thuật và phải đặt ra kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó.

Việt Nam cần phải "trải thảm" cho các nhà đầu tư ở lĩnh vực văn hóa và phải hỗ trợ thay vì bắt họ xin xỏ để được triển khai các dự án.

Thứ hai, phải hiểu rất rõ là bất cứ ngành kinh doanh nào chỉ có thể phát triển được nếu như có một tầng lớp doanh nhân kinh doanh ngành đó. Vì họ mới là những người bỏ tiền ra để phát triển việc này, phải có chính sách hỗ trợ cho họ. Cho nên, phải có chính sách khuyến khích đầu tư.

Chẳng hạn như, cần phải có những trung tâm sáng tạo, không cần nhà nước phải xây mà chỉ cần quy hoạch khu vực rồi mời gọi nhà đầu tư.

Chúng ta đều hiểu, nhà đầu tư chỉ đầu tư lĩnh vực nào mà họ thấy lợi nhuận, đấy là nguyên tắc. Đôi khi, có thể họ làm vì đam mê, vì lợi ích lớn sau này, nhưng về cơ bản họ đầu tư phải có lãi. Vì vậy, họ phải được tạo điều kiện, không bị gây khó khăn.

Thứ ba là, cần có một cơ quan nhà nước chuyên trách phát triển công nghiệp văn hoá từ cấp trung ương đến cấp tỉnh thành phố, cấp cơ sở. Cơ quan này không phải là đơn vị quản lý các bộ môn văn hoá, nghệ thuật, mà là cơ quan xúc tiến, phát triển công nghiệp văn hoá theo đúng ý nghĩa và giá trị kinh tế của nó. Chúng ta không có một cơ chế như thế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đài Trang

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên