MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ tham vọng vũ trụ của bầu Thụy nhìn lại SpaceX của Elon: Suýt phá sản với liên tiếp các vụ thử tên lửa thất bại, giờ đây là công ty trị giá 100 tỷ đô la

09-01-2022 - 14:28 PM | Doanh nghiệp

Từ tham vọng vũ trụ của bầu Thụy nhìn lại SpaceX của Elon: Suýt phá sản với liên tiếp các vụ thử tên lửa thất bại, giờ đây là công ty trị giá 100 tỷ đô la

Nhắc đến tỷ phú Elon Musk, người ta thường nhớ đến công ty Tesla cực kỳ nổi tiếng với những chiếc xe điện chạy trên toàn cầu. Song bên cạnh Tesla, ông cũng sở hữu một công ty khác với danh tiếng không hề thua kém là SpaceX – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ với nhiều lần phóng tên lửa và vệ tinh vào không gian.

Để đạt được thành công như hiên nay, SpaceX đã phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm với vô số thất bại và tưởng chừng như đã phá sản. Nhân sự kiện Thaiholdings đề xuất xây dựng cảng vũ trụ cùng việc lập Thaispace khao khát bay vào không gian, hãy cùng nhìn lại quá trình xây dựng đầy gian khổ và thành công ở thời điểm hiện tại của SpaceX.

Elon Musk với bộ não thiên tài của mình luôn có mong ước đưa con người lên sinh sống tại sao Hỏa – hành tinh cách Trái đất tới 54.6 triệu km. Chính vì vậy, 20 năm trước, cùng với kỹ sư tên lửa Thomas Mueller, ông đã thành lập nên SpaceX với mục tiêu giảm chi phí cho việc du hành không gian và bay tới sao Hỏa.

SpaceX đã giới thiệu thiết bị phóng với tên gọi Falcon 1 vào năm 2005 với kinh phí được ước tính tới 100 triệu USD. Tuy nhiên cả ba lần phóng thử đầu tiên đều thất bại, mặc dù nhận được sự hậu thuẫn tới từ cả Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong hai lần đầu. Những thất bại này gần như đặt dấu chấm hết cho Elon Musk, khi nguồn tiền của ông này gần như cạn kiệt. Cả ba công ty được Musk sáng lập là SolarCity, Tesla và SpaceX đứng trước bờ vực phá sản gần như đồng thời; bản thân ông cũng rơi vào khủng hoảng.

Tuy nhiên may mắn đã đứng về phía SpaceX ở lần thử thứ 4 –lần cuối cùng và là dấu chấm hết cho công ty nếu như tiếp tục thất bại. Ở lần này, tên lửa của SpaceX đã hoạt động đúng như tính toán; lần phóng thử thành công và đem lại tiếng vang lớn cho công ty.

4 tháng sau lần phóng thử này, họ nhận được hợp đồng tiếp tế hàng hóa CRS đầu tiên từ NASA cùng nhiều nguồn đầu tư khác, giúp SpaceX thoát khỏi thảm cảnh. Với lượng tiền khổng lồ nhận được, công ty nhanh chóng phát triển tên lửa Falcon 9 có quỹ đạo lớn hơn và tàu vũ trụ Dragon, cùng lời hứa từ NASA về việc ký thêm các hợp đồng vận chuyển nếu SpaceX chứng minh được khả năng cụ thể của các thiết bị phóng này.

Từ tham vọng vũ trụ của bầu Thụy nhìn lại SpaceX của Elon: Suýt phá sản với liên tiếp các vụ thử tên lửa thất bại, giờ đây là công ty trị giá 100 tỷ đô la - Ảnh 1.

Lần phóng thứ 4 thành công đã đem SpaceX trở lại với một vị thế khác hoàn toàn (Ảnh: SpaceNews)


Kể từ đây, thành công liên tiếp tới với SpaceX và Elon Musk. Với SpaceX, công ty này liên tiếp có những thử nghiệm thành công với tên lửa Falcon 9. Tháng 5 năm 2012, tên lửa Falcon 9 đã đưa thành công Dragon lên ISS, qua đó trở thành tàu vũ trụ thương mại đầu tiên vận chuyển hàng hóa lên trạm này.

Tiếng vang từ vụ phóng này giúp giá trị thị trường của công ty tăng gấp 2 lần, đạt 2,4 tỷ USD; trong đó, khoảng 70% số cổ phần của SpaceX được sở hữu bởi Elon Musk. Họ nhận được những hợp đồng CRS tiếp theo từ NASA, với số tiền nhận được lớn hơn nhiều so với bản hợp đồng đầu tiên.

Trong giai đoạn này, công ty Tesla của ông cũng gặt hái được nhiều thành công lớn với mảng phát triển xe điện tại Hoa Kỳ. 2 công ty tưởng chừng đã phá sản cuối cùng đã đem lại trái ngọt cho Elon Musk, với quyết tâm và sự liều lĩnh hiếm có.

Năm 2014, SpaceX và Arianespace cùng giành được 9 trên tổng số 20 hợp đồng thương mại về việc phóng các vệ tinh lên quỹ đạo trên toàn cầu. Một năm sau, Google và Fidelity bỏ ra tới 1 tỷ USD để mua 8,33% cổ phần của SpaceX, đem lại cho công ty mức định giá lên đến 12 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty cũng gặp phải những sự cố lớn: năm 2017, một tên lửa Falcon 9 của họ phát nổ khiến vệ tinh liên lạc Amos – 6 trị giá tới 200 triệu USD bị phá hủy theo. Tuy nhiên, những thành công của công ty đã che mờ tất cả, với việc họ chiếm tới 45% thị phần phóng tên lửa thương mại trên toàn cầu trong năm này. Các hợp đồng của họ bao gồm cả khách hàng thương mại lẫn khách hàng thuộc chính phủ, điển hình là NASA.

Từ tham vọng vũ trụ của bầu Thụy nhìn lại SpaceX của Elon: Suýt phá sản với liên tiếp các vụ thử tên lửa thất bại, giờ đây là công ty trị giá 100 tỷ đô la - Ảnh 2.


Tháng 5/ 2020, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa các phi hành gia lên được trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Hai phi hành gia Doug Hurley và Bob Behnken đã được đưa lên quỹ đạo thành công trên Tàu vũ trụ Crew Dragon.

6 tháng sau, 4 phi hành tiếp theo lại được tàu vũ trụ của công ty đưa thành công lên ISS. Những lần phóng thành công này liên tiếp giúp công ty nhận được các khoản đầu tư khổng lồ, đưa định giá của họ đạt 74 tỷ USD vào tháng 2 năm 2021.

Không dừng lại ở đây, SpaceX tiếp tục nghiên cứu tên lửa vũ trụ Starship và Starlink – tập hợp chòm sao vệ tinh với tham vọng phủ sóng internet trên toàn cầu với tốc độ cao hơn hẳn so với hiện tại.

Với sự kỳ vọng lớn lao của các nhà đầu tư vào 2 dự án mới này, công ty đã đạt mức định giá kỷ lục trên 100 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái. Cũng trong giai đoạn cuối năm 2021, SpaceX đã ký kết các hợp đồng với Google Cloud và Microsoft Azure về việc cung cấp dịch vụ mạng thông qua Starlink.

Từ tham vọng vũ trụ của bầu Thụy nhìn lại SpaceX của Elon: Suýt phá sản với liên tiếp các vụ thử tên lửa thất bại, giờ đây là công ty trị giá 100 tỷ đô la - Ảnh 3.

Dự án Starlink đầy tham vọng của SpaceX (Ảnh: Marco Langbroek - Reuters)


Như vậy có thể thấy, để đạt được thành công như ngày hôm nay, SpaceX đã phải trải qua một giai đoạn sinh tử, mà gần như họ đã phá sản nếu không có lần phóng thành công đầu tiên của Falcon 1. Điều đó cho thấy để phóng được tên lửa lên vũ trụ, cần rất nhiều thời gian, công sức, tiền của và cả sự may mắn nữa mới có thể thành công.

Phạm Tiến Đạt

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên