MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ thần đồng thành kẻ thất bại: Những ví dụ tàn khốc cho thấy học quá giỏi đôi khi cũng là một nỗi bất hạnh

12-01-2024 - 19:46 PM | Sống

Nhìn cuộc đời bi thảm của những thần đồng này, có lẽ nhiều cha mẹ sẽ chỉ mong con mình là một đứa trẻ bình thường.

Thần đồng học nhiều đến trầm cảm và tự vẫn

Trương Thế Minh sinh năm 1976 ở thành phố Serembam, là thần đồng nổi tiếng người Malaysia gốc Hoa. Từ năm 10 tuổi, Trương Thế Minh đã có thể viết thơ bằng tiếng Anh và có chỉ số IQ 148. Năm 13 tuổi, thần đồng nhí đã vào được đại học, thậm chí còn là vào ngôi trường đỉnh cao bậc nhất nước Mỹ, trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử Viện Công nghệ California.

Trương Thế Minh được cộng đồng người Hoa tại Mỹ tài trợ cho việc học. Anh nghiên cứu Vật lý và thể hiện rõ sự xuất sắc của mình. Con đường học hành hanh thông đến khi anh lấy bằng Tiến sĩ năm 21 tuổi tại Đại học Cornell.

Từ thần đồng thành kẻ thất bại: Những ví dụ tàn khốc cho thấy học quá giỏi đôi khi cũng là một nỗi bất hạnh- Ảnh 1.

Trương Thế Minh

Khi ai cũng ngỡ chàng trai trẻ sẽ trở thành niềm tự hào của Malaysia thì Trương Thế Minh bỗng dưng "mất tích". Hóa ra anh đã về nước để điều trị tâm lý. Vài năm sau, người ta thấy thiên tài ở một bệnh viện tâm thần ở Kuala Lumpur.

Vì còn quá trẻ, lại mang trên vai danh hiệu thần đồng, được nhiều người kỳ vọng nên Trương Thế Minh không khỏi bị áp lực. Suốt cả chục năm như thế, anh mắc trầm cảm nặng. Đến khi cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần không thể chịu đựng được nữa, Trương Thế Minh thậm chí còn không cử động được, không chịu mở mắt.

Đến ngày 6/1/2007, dư luận bàng hoàng nghe tin Trương Thế Minh đã qua đời ở Bệnh viện Trung ương Seremban. Cái chết của anh được cho là do tự vẫn.

Từ niềm hy vọng quốc gia học nhiều đến mức thành kẻ ngốc

Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Khi mới chỉ vài tháng tuổi, thần đồng này đã biết đọc thơ Đường, 2 tuổi biết hơn 1.000 chữ Hán và hoàn thành chương trình trung học cơ sở căn bản khi mới 4 tuổi.

Vì quá xuất chúng, ở trường tiểu học, Ngụy Vĩnh Khang chỉ học lớp 2 và lớp 6, bỏ qua mọi lớp học khác và vào thẳng trường cấp hai trọng điểm khi 8 tuổi. 13 tuổi, cậu trở thành sinh viên đại học trẻ nhất ở Hồ Nam. Năm 17 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang được nhận vào Học viện Khoa học Trung Quốc và trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Từ thần đồng thành kẻ thất bại: Những ví dụ tàn khốc cho thấy học quá giỏi đôi khi cũng là một nỗi bất hạnh- Ảnh 2.

Ngụy Vĩnh Khang là niềm tự hào của cả tỉnh

Bộ não thần đồng của Ngụy Vĩnh Khang đã khiến anh nổi tiếng toàn quốc từ khi còn rất nhỏ. Trong mắt bố mẹ, con trai chính là niềm tự hào cả cuộc đời. Thế nên mẹ anh, bà Tằng Học Mai đã chăm sóc con từ A đến Z không thiếu thứ gì, chỉ cần con tập trung toàn bộ thời gian vào việc học. Ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất như làm vệ sinh cá nhân hay thậm chí bón cơm, bà cũng làm giúp con.

Thế nhưng khi vào đại học ở tuổi quá nhỏ, Ngụy Vĩnh Khang đã bị sốc và sụp đổ, với lý do đơn giản là anh còn không biết lo việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày như thế nào. Dù học giỏi nhưng thần đồng lại không biết kỹ năng sinh tồn dù là cơ bản nhất.

Người xung quanh miêu tả ngoài giỏi sách vở ra, thiên tài này không khác gì một kẻ ngốc, mù kiến thức xã hội. Anh không biết giao tiếp với người khác, không biết làm gì, thậm chí mùa đông lạnh cũng không biết mặc đủ ấm. Ngụy Vĩnh Khang rơi vào khủng hoảng và đã bị Học viện Khoa học Trung Quốc đuổi học.

Sau khi con bị đuổi về nhà, mẹ Ngụy Vĩnh Khang mới tỉnh ngộ và giúp con "hòa nhập" lại xã hội một lần nữa. Ngoài 20 tuổi, anh vào một ngôi trường khác dù kém tiếng hơn là Đại học Công nghệ Bắc Kinh. Về sau, "thần đồng gây thất vọng nhất Trung Quốc" năm xưa làm một công việc bình thường, kết hôn sinh con và sống kín tiếng. Cuối năm 2021, anh đột ngột qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh.

Từ thần đồng thành kẻ thất bại: Những ví dụ tàn khốc cho thấy học quá giỏi đôi khi cũng là một nỗi bất hạnh- Ảnh 3.

Ngụy Vĩnh Khang khi trưởng thành

Thần đồng 14 tuổi vào đại học rồi "trượt dài" thành người thường

Liêu Uy sinh năm 1996 trong một gia đình nông thôn ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ngay từ năm 2 tuổi, Liêu Uy đã có thể đọc lưu loát hàng trăm bài thơ Đường. Vì học quá giỏi, cậu học xong Tiểu học trong 2 năm, hoàn thành hết chương trình phổ thông năm 12 tuổi.

Các trường học danh tiếng trong địa phương liên tục tranh nhau để có được cậu bé thiên tài. Năm 12 tuổi, Liêu Uy được đặc cách thi đại học vượt tuổi. Sau 2 lần thi, Liêu Uy thi đậu trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở tuổi 14. Tập đoàn Mao Đài (Trung Quốc) đã đề nghị chu cấp toàn bộ học phí và sinh hoạt phí 4 năm cho đứa trẻ thiên tài.

Tháng 9/2019, Liêu Uy bước chân vào ngưỡng cửa đại học trong sự kỳ vọng của gia đình và xã hội. Cậu đặt mục tiêu học đại học trong 2 năm, học lên Tiến sĩ và trở thành nhà khoa học đóng góp cho đời. Thế nhưng thần đồng đã trượt dài vì thiếu định hướng giáo dục từ gia đình và ngủ quên trên chiến thắng.

Từ thần đồng thành kẻ thất bại: Những ví dụ tàn khốc cho thấy học quá giỏi đôi khi cũng là một nỗi bất hạnh- Ảnh 4.

Liêu Uy quá ngạo mạn nên đã xuống dốc

Vừa vào đại học, Liêu Uy đã nhanh chóng "đánh mất bản thân" khi nghiện game mất kiểm soát. Thời gian ngắn sau, cậu còn bỏ học liên tục và gây gổ trong lớp. Chỉ sau đúng 1 học kỳ, Liêu Uy đã trượt 14/15 môn học. Mặc dù Đại học Nông nghiệp Trung Quốc đã tạo điều kiện cho cậu học lại trong một năm, nhưng cậu vẫn chứng nào tật nấy, thành tích học tập ngày càng sa sút và bị cắt mọi tài trợ. Từ một đứa trẻ xuất chúng, Liêu Uy bỗng chỉ còn là một thanh niên ngỗ ngược, không chịu học hành.

Tuy nhiên, thần đồng này may mắn hơn khi vẫn còn có cơ hội tỉnh ngộ kịp thời. Sau khi được mẹ răn dạy, cậu đã quyết định "làm lại" và tốt nghiệp năm 2015. Liêu Uy học lên thạc sĩ và dần chấp nhận mình không phải thần đồng, mà vẫn là "người thường" cần nỗ lực và chăm chỉ. Dẫu hào quang từ danh xưng "thần đồng" đã mất đi, thế nhưng Liêu Uy đã tìm được con người thực sự của mình.

Tổng hợp

Theo Chi Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên