Tự tin mở cửa bầu trời
Việt Nam chính thức mở thí điểm đường bay đối với một số quốc gia từ ngày 1-1-2022.
- 11-12-2021Việt Nam khôi phục đường bay quốc tế từ ngày 1/1/2022
- 10-12-2021Nhất trí mở đường bay thương mại quốc tế, đề xuất từ 15/12
- 09-12-2021Đầu tư công tuyến kết nối dự án sân bay quốc tế Long Thành
Không gì rõ ràng hơn về sự tự tin đương đầu với dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới bằng cách hòa nhịp cùng thế giới.
Để có được sự tự tin này, chúng ta đã thiết kế thành công chương trình ứng phó với Covid-19, từ việc giảm thiểu hậu quả, bước sang chủ động phòng chống, phục hồi kinh tế và giờ đã trang bị đủ "vũ khí", phát triển kinh tế.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, đến nay nước ta đã tiêm được gần 131 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó gần 56,4 triệu người đã tiêm đủ 2 liều. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền. Ở những địa phương vừa trải qua các đợt dịch nặng, nay đã khởi động lại chương trình học trực tiếp.
Chương trình vắc-xin càng thêm chủ động khi cách đây chưa lâu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 trong nước. "Vũ khí" quan trọng nhất này, có thể nói đã được chuẩn bị đủ và tiếp tục trang bị cho người dân trong thời gian tới.
Trong bối cảnh khá ảm đạm của nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Việt Nam là một trong những điểm sáng khi giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thật ngạc nhiên, trong bối cảnh rất căng thẳng nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đến hết tháng 11-2021 vẫn đạt gần 600 tỉ USD. Điều này cho thấy nền kinh tế đang vận hành rất ổn định.
Đánh giá khách quan, tại hội thảo do Ngân hàng HSBC tổ chức mới đây, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng nhờ những yếu tố cơ bản vững chắc, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần trong ít nhất 6 tháng tới cho đến khi đà tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022.
Đến bây giờ, không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến với Covid-19 chính là cuộc chiến trường kỳ về kinh tế. Trước tiên là hiện đại hóa ngành y tế với việc thiết lập hệ thống bệnh viện từng cấp đủ sức chăm sóc sức khỏe cho người dân, kể cả khi gặp khủng hoảng về y tế như thời gian vừa qua mà cả thế giới phải gánh chịu. Tựu trung là phải đầu tư dài hạn và cần rất nhiều tiền. Kế tiếp là nhanh chóng phục hồi sản xuất bằng các biện pháp trực tiếp nhất là hỗ trợ chi phí, giảm thuế, nhanh chóng tái tạo việc làm.
Các gói an sinh xã hội phải luôn được chuẩn bị sẵn sàng như chúng ta đã thấy, và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Về lâu dài, những chương trình an sinh riêng biệt phải được chuẩn bị như một kênh bảo hiểm tích lũy… Nguồn đầu tư cho tất cả những kế hoạch này đều dựa vào sự chịu đựng của nền kinh tế. Chính vì vậy, nhanh chóng phục hồi kinh tế là việc chắc chắn phải làm và những kế hoạch cụ thể đã được thực hiện trong cả một năm qua, ngay cả khi dịch bệnh đang hoành hành.
Mở cửa bầu trời, việc tưởng chừng rất bình thường trong những tháng năm trước đây, thì nay là một sự cân nhắc và cần quyết tâm rất lớn. Chúng ta đã đủ điều kiện và cũng đủ sự thuyết phục để mở một chương mới cho kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế của quốc gia.
Người lao động