MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ nam sinh lớp 7 phải điều trị tâm thần vì bị bạn đánh, chuyên gia nói: Nhiều em bị đuổi học còn nghĩ mình "ngầu"!

26-11-2023 - 07:32 AM | Sống

Từ vụ nam sinh lớp 7 phải điều trị tâm thần vì bị bạn đánh, chuyên gia nói: Nhiều em bị đuổi học còn nghĩ mình "ngầu"!

Liệu nhà trường kỷ luật các học sinh có hành vi đánh bạn đã đủ sức răn đe, và đuổi học tạm thời có phải là phương pháp hiệu quả?

Thời gian qua, vụ việc em V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn chưa thể đi học trở lại sau hai tháng phát bệnh tâm thần vì bị bạn đánh hội đồng gây bức xúc trong dư luận.

Lãnh đạo Phòng giáo dục huyện Thạch Thất cho biết, theo báo cáo của nhà trường, vào tuần trước cháu K. đã đến lớp học tuy nhiên cháu bị hoảng loạn, sức khỏe chưa ổn nên tiếp tục phải nghỉ học. Đối với các em gây ra sự việc, sau đó đã nhận lỗi, nhà trường đã có hình thức kỷ luật theo nội quy, gia đình cũng phối hợp để giáo dục các em.

Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, liệu nhà trường kỷ luật các học sinh có hành vi đánh bạn đã đủ sức răn đe, và đuổi học tạm thời có phải là phương pháp hiệu quả? Ông Đỗ Công Dực, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng phân trần, trong điều lệ của trường chỉ có kỷ luật đến mức dừng học ở trường có thời hạn. "Tôi nghĩ hình thức kỷ luật dừng học 1 tuần đã đủ răn đe", ông Dực nói.

Từ vụ nam sinh lớp 7 phải điều trị tâm thần vì bị bạn đánh, chuyên gia nói: Nhiều em bị đuổi học còn nghĩ mình "ngầu"! - Ảnh 2.

Em V.V.T.K. vẫn chưa thể đi học trở lại sau hai tháng phát bệnh tâm thần vì bị bạn đánh hội đồng

"Học sinh nghỉ học một tuần ở nhà không thể thay đổi để trở thành người khác"

Đánh giá đây là sự việc cực kì nghiêm trọng, đồng thời bày tỏ sự đau xót, tuy nhiên, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu cho hay: Đình chỉ học tập là biện pháp theo quy định, nhưng học sinh nghỉ học một tuần ở nhà không thể thay đổi để trở thành người khác. Nhiều em không buồn, không thấy lỗi sai của mình, thậm chí đôi khi còn cảm thấy mình "ngầu".

Trường học là nơi sửa chữa lỗi lầm. Và đuổi học không bao giờ là giải pháp hiệu quả.

"Nghỉ ở nhà một tuần các em sẽ bị gián đoạn học tập, càng dễ chơi bời, lêu lỏng, càng không muốn đi học. Trong khi đó tính cách không hề thay đổi. Nhiều em còn thấy "quê" với bạn bè, càng thể hiện sự ngông ngênh, "anh hùng" hơn để che đi sự tự ti vì đã bị cách ly ra khỏi lớp học.

Vì vậy, cái cần thay đổi là nhận thức, hành vi và quá trình đó không thể diễn ra trong vài ngày hay một tuần lễ. Cần đưa những em có hành vi bạo lực tham gia hoạt động cộng đồng để chuyển hóa năng lượng tiêu cực sang tiêu cực" , bà Quyên nói.

Theo bà Quyên, có một hiệu ứng tâm lý gọi là "cây cầu gãy", khi cho những đứa trẻ cùng giải quyết một vấn đề rất khó khăn và các em phải đoàn kết với nhau thì sau đó chúng sẽ dễ trở thành bạn bè. Trong quá trình đó, đứa trẻ bạo lực phải đóng vai trò là một "leader" (người dẫn dắt) để giúp đỡ, hỗ trợ cho mọi người để vượt qua được thử thách.

Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên lấy ví dụ: Chẳng hạn, nhà trường có thể giao cho các em cùng trồng một cái cây, đặt mục tiêu sau 1 tháng nếu đạt được độ cao bao nhiêu, vẫn còn xanh tốt... thì các em vẫn được hạnh kiểm khá. Lúc đó, các em sẽ đoàn kết, chia nhau để chăm cây. Hoặc giao cho các em một bức tường để trang trí, làm sao để nhiều người yêu thích, đến chụp ảnh "check in".

Trong quá trình này, giáo viên sẽ quan sát xem các em thảo luận với nhau như thế nào, thậm chí tham gia vào việc đưa ý tưởng, khuyến khích bạn bị bạo lực nói ra ý tưởng, đồng thời khuyến khích các em còn lại tôn trọng ý kiến của bạn mình. Tức là giáo viên phải tập huấn, dạy cho những đứa trẻ kỹ thuật làm việc nhóm, gắn kết các em thông qua dự án. Các em sẽ yêu quý nhau và không còn mâu thuẫn, đánh nhau nữa.

"Khi có cùng một mục tiêu, mục đích, nỗi lo thì chúng ta sẽ trở nên gắn kết với nhau hơn" , bà Quyên nói.

Từ vụ nam sinh lớp 7 phải điều trị tâm thần vì bị bạn đánh, chuyên gia nói: Nhiều em bị đuổi học còn nghĩ mình "ngầu"! - Ảnh 3.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu

Với học sinh bị đánh đang có vấn đề tâm lý, bà Quyên cho rằng, sau khi ổn định, em cũng không nên chuyển trường. Bởi nếu chuyển trường thì tổn thương trong tiềm thức vẫn còn nguyên ở đó, em vẫn yếu đuối và dễ bị bắt nạt như thường.

Điều cần thiết là làm sao để giúp em mạnh lên từ bên trong, gắn kết với các bạn đã bắt nạt. Những đứa trẻ có hành vi bạo lực phải được khuyến khích đề xuất ra giải pháp để sửa chữa sự tổn thương đã gây ra cho bạn mình, để được tha thứ, trở thành bạn tốt của nhau. Tất nhiên, sự thay đổi này phải trên tinh thần tự nguyện, xuất phát từ chính bên trong của đứa trẻ chứ không phải chỉ làm để đối phó. Nhà trường có nhiệm vụ phải tạo ra một bối cảnh để điều đó được xảy ra, và tư vấn, định hướng, giám sát để đảm bảo rằng điều tốt đẹp đó được thực hiện có kết quả.

Chuyên gia Diễm Quyên cũng cho rằng, cơ chế các em đánh nhau sinh ra bạo lực, lỗi đầu tiên xuất phát từ người lớn. Thông thường tất cả các em đều có hoàn cảnh gia đình khác biệt với bạn bè khiến các em thiếu sự quan tâm; cha mẹ bạo lực với con hoặc với nhau; trẻ thường xuyên chơi game, xem cảnh bạo lực. Các em sẽ có nếp nghĩ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn... Để giải quyết vấn đề này cần triệt tiêu bạo lực trong gia đình.

Khi giải quyết hậu quả con có hành vi bạo lực với bạn bè, phụ huynh nên cho con đi cùng để con nhìn thấy cha mẹ và bản thân đang phải trả giá cho hành động của mình thế nào.

Với cha mẹ có con bị bắt nạt, cần cho con đi học võ để bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, việc "tự kỉ ám thị" cũng rất quan trọng. Con người sống có động lực là nhờ vào một niềm tin mạnh mẽ trong tiềm thức. Niềm tin thì được xây dựng lên từ những lời nói thủ thỉ bên tai mỗi người. Cha mẹ có thể ôm con, vỗ vai con, nói với con: "Con an toàn rồi. Các bạn có thể nghĩ rằng con không dám chống trả, con yếu ớt nhưng không phải như vậy. Con rất mạnh mẽ và sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn" để xây dựng ý chí cho con.

Bà Quyên cho rằng, nhiều học sinh nhỏ con nhưng không bị bắt nạt. Ngược lại, nhiều em to lớn vẫn trở thành mục tiêu bạo lực học đường. Khác biệt không chỉ từ vấn đề thể hình mà quan trọng hơn là từ ý chí của đứa trẻ.

Theo Hiểu Đan

Phụ Nữ Mới

Trở lên trên