Từ vùng nông nghiệp nghèo, 1 thành phố Trung Quốc vươn lên thành thủ phủ công nghiệp, các đại lộ, toà nhà văn phòng mọc lên như nấm
Nơi đây phần nào cho thấy sự vươn lên của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp.
- 28-01-2024Đến Warren Buffett cũng có lúc thừa nhận sai lầm: Ôm cổ suốt 20 năm, bán vội trong 3 tháng nhưng bây giờ giá tăng hơn gấp đôi
- 28-01-2024‘Vua trái phiếu’ Jeffrey Gundlach: Để dành tiền mặt và tránh xa cổ phiếu đắt đỏ vì suy thoái đang đến và làn sóng sa thải sắp dâng cao
- 27-01-2024Nối 266 km sắt thép thành công trình tỷ đô băng núi vượt sông, Trung Quốc khẳng định trình độ đỉnh cao ngành xây dựng, khiến Mỹ cũng phải ‘lấy sách vở ghi chép’
Các nhà máy hiện đại sản xuất ô tô điện và tấm pin mặt trời đều nằm ở Hợp Phì - trung tâm công nghiệp tại miền trung Trung Quốc. Đại lộ nối liền các tòa tháp văn phòng và công viên cảnh quan. Nhiều tuyến tàu điện ngầm được mở rộng với tốc độ chóng mặt.
Sự tăng trưởng, phần lớn nhờ hậu thuẫn của chính phủ, đã biến Hợp Phì trở thành hình mẫu cho các thành phố lớn. Tổng sản lượng ô tô tăng gần gấp 3 kể từ năm 2019 và hiện vượt qua Michigan.
Chính sách công nghiệp hiệu quả đã giúp Hợp Phì nuôi dưỡng thành công các nhà sản xuất công nghệ. Một mô hình có tên “Hợp Phì” thậm chí còn được áp dụng để kéo đà tăng trưởng toàn quốc.
“Mô hình Hợp Phì” ưu tiên sử dụng tiền chính phủ để mua cổ phiếu mới phát hành của các nhà sản xuất và startup. Quan chức cũng thu xếp các khoản vay với lãi suất hấp dẫn từ ngân hàng để tài trợ vốn cho các dự án mới.
Trong hơn 2 thập kỷ, Hợp Phì thay đổi chóng mặt nhờ sự hậu thuẫn của chính quyền thành phố đối với các công ty như BOE Technology Group hay Nio. Khi Nio gần như cạn tiền mặt vào năm 2020, chính phủ Hợp Phì đã bơm 1 tỷ USD để mua 24% cổ phần. Một số bên cho vay do nhà nước kiểm soát cũng rót thêm 1,6 tỷ USD.
Từng chỉ là một vùng nông nghiệp nghèo khó, Hợp Phì dần tăng thứ hạng về thu nhập. Cán bộ chính quyền địa phương, nhà kinh tế đô thị và giới đầu tư đã đến đây để nghiên cứu mô hình.
Những công ty như BOE Technology và Nio, sau khi nhận trợ cấp từ Hợp Phì, đã cải thiện hoạt động sản xuất. Li Bo, trợ lý giáo sư tại Trường Quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết, thành phố sau đó sẽ khuyến khích nhà cung cấp và khách hàng của những công ty này chuyển đến Hợp Phì.
“Hợp Phì hiểu rõ về các ngành công nghiệp địa phương. Quỹ đầu tư do chính phủ quản lý được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của các công ty”, bà nói.
Hợp Phì đứng đầu một số chuỗi cung ứng công nghiệp. 20% màn hình tinh thể lỏng dành cho thiết bị điện tử tiêu dùng trên thế giới được sản xuất tại đây. Nhiều máy tính xách tay cũng vậy.
Ngoài ra, Hợp Phì cũng sản xuất 1/10 đồ gia dụng của Trung Quốc. Chính quyền thành phố đã cung cấp 2 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip nhớ máy tính tiên tiến.
Sản lượng ô tô điện của Hợp Phì đã tăng gấp 4 lần vào năm ngoái và con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên trong năm nay khi Volkswagen tăng cường sản xuất. Một nhà sản xuất pin ô tô điện thuộc sở hữu của VW cũng đã xây dựng nhà máy ở Hợp Phì.
Được biết sau nhiều thập kỷ dựa vào các kỹ sư Đức, Volkswagen đang bắt đầu tuyển dụng đội ngũ gần 3.000 kỹ sư Trung Quốc tới làm việc cho khu phức hợp công nghiệp ở Hợp Phì. Chiến lược mới với tên gọi “Tại Trung Quốc, vì Trung Quốc” chính là chỉ báo cho thấy vị thế dẫn đầu thị trường xe điện của đại lục đã tác động lên Volkswagen như thế nào.
“Tầm quan trọng của Trung Quốc là hoàn toàn khác biệt so với những thị trường khác trên thế giới”, CEO Oliver Blume của Volkswagen thừa nhận.
Nhiều nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc cũng đang tăng tốc, trong đó BYD, công ty đang cạnh tranh với Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, đang gấp rút hoàn thiện tổ hợp nhà máy trị giá 5,6 tỷ USD với công suất dự kiến là 1,3 triệu ô tô mỗi năm.
Năm 2005, lãnh đạo mới của thành phố Hợp Phì, Sun Jinlong, đã đi tiên phong định hướng thành phố tập trung vào sản xuất công nghệ. Khi đó BOE Technology chủ yếu hoạt động ở Bắc Kinh nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Thành phố đã thuyết phục công ty này xây nhà máy ở Hợp Phì và cung cấp khoản đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD.
Các báo cáo sau đó của công ty BOE Technology cho thấy từ năm 2011 đến năm 2016, công ty đã nhận thêm 250 triệu USD tiền trợ cấp trực tiếp từ Hợp Phì. BOE Technology hiện là một trong những nhà sản xuất màn hình phẳng lớn nhất thế giới.
Trước đó, Li Keqiang, một quan chức lớn lên ở Hợp Phì đã thúc đẩy kế hoạch “Made in China 2025”, kêu gọi thay thế nhiều hàng hóa tiên tiến nhập khẩu và sử dụng các chính sách công nghiệp tương tự như Hợp Phì.
Dẫu vậy, Hợp Phì vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Các nhà sản xuất ô tô gặp khó khăn trong việc thuyết phục các giám đốc điều hành và kỹ sư rời bỏ Thượng Hải hay Bắc Kinh hào nhoáng để đến với cuộc sống yên bình, bất chấp chi phí sinh hoạt thấp. BOE Technology vẫn giữ trụ sở chính tại Bắc Kinh.
Ngoài ra, vấn đề của Hợp Phì còn nằm ở bất động sản.
Theo China Index Academy, nhà cung cấp dữ liệu thị trường bất động sản, số lượng căn hộ mới được bán mỗi tháng ở Hợp Phì đã giảm mạnh. Đến tháng 11, việc doanh số giảm 45% so với một năm trước đây khiến khả năng tài trợ cho các dự án mới của các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ bị tê liệt.
Khi các nhà phát triển hết tiền, họ cắt giảm mua đất cho thuê. Doanh số cho thuê nhà ở Hợp Phì đã giảm 38% vào năm ngoái, từ đó gây ảnh hưởng tới các chương trình của chính phủ.
Một số lao động địa phương còn phàn nàn rằng họ thiếu kỹ năng để cạnh tranh trong thị trường việc làm. Các công ty như Nio và Volkswagen ngày càng phụ thuộc vào robot và các công cụ tự động hóa.
“Môi trường việc làm hiện tại không tốt lắm. Những công ty ở Hợp Phì cần nhân tài với tiêu chuẩn mà người bình thường khó đáp ứng được”, Xu Mingyi, một cư dân Hợp Phì, nói.
Theo: The New York Times, FT
An Ninh Tiền Tệ