MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần 13-17/5: Tâm điểm cuộc chiến thương mại, VN-Index có cơ hội phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu

Việc VNM ETF tạm ngưng rút vốn, trong khi VFMVN30 ETF đang phát hành chứng chỉ quỹ khá tốt có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường.

Tuần giao dịch 6-10/5 diễn ra không thực sự tích cực với sắc đỏ là gam màu chủ đạo. Những diễn biến từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt thông tin Mỹ tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong 4 phiên giao dịch đầu tuần thị trường giảm khá mạnh nhưng đã dần hồi phục trong phiên cuối tuần. Chỉ số VN-Index khép lại tuần giao dịch tại 952,55 điểm, giảm 2,2% so với tuần trước đó.

Thanh khoản tuần qua cũng sụt giảm khá mạnh với giá trị khớp lệnh bình quân HoSE đạt vỏn vẹn 2.467 tỷ đồng/phiên, giảm 6,4% so với tuần trước cho thấy giới đầu tư đang khá thận trọng. Dù vậy, việc thị trường không giảm quá mạnh (so với thế giới) cùng với thanh khoản "cạn kiệt" đang cho thấy áp lực cung không còn nhiều.

Về giao dịch khối ngoại, họ đã bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 550 tỷ đồng trong tuần qua. Việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư trong nước.

Về dòng vốn ETF, trong tuần qua, VNM ETF đã bị rút ròng 300 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị gần 5 triệu USD. Tuy vậy, xu hướng rút ròng đã dừng lại trong 2 phiên giao dịch cuối tuần. Trong khi đó, điểm tích cực đến từ VFMVN30 ETF khi đã phát hành ròng 3,3 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 48 tỷ đồng và xu hướng rút ròng đang diễn ra khá mạnh về cuối tuần.

Diễn biến giá dầu tuần qua không có nhiều biến động khi chỉ xoay quanh ngưỡng 61 – 62 USD/thùng (WTI). Dù vậy, các cổ phiếu dầu khí như PVS, PVD vẫn tăng khá mạnh nhờ kỳ vọng nhiều dự án triển khai trong năm nay.

Nhịp hồi phục ngắn hạn có thể diễn ra?

Trong tuần giao dịch tiếp theo, thông tin đáng chú ý nhất vẫn là những diễn biến liên quan tới cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Mặc dù không có thỏa thuận nào được đưa ra và Mỹ đã chính thức áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng vẫn sẽ có những cuộc đàm phán tiếp theo giữa 2 cường quốc này nhằm tháo gỡ khúc mắc.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết đang lên kế hoạch tiếp tục áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và còn "đe dọa" Trung Quốc nếu không nhanh chóng đàm phán sẽ đón nhận thỏa thuận "tồi tệ" hơn nhiều. Do đó, diễn biến thị trường tuần tới sẽ tương đối khó lường trước những biến động cuộc chiến thương mại.

Một thông tin đáng chú ý nữa là 13/5 tới đây, MSCI sẽ công bố kết quả cơ cấu danh mục, cũng như phân loại thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường bởi hiện có không ít quỹ ETF, quỹ mở/đóng đang tracking theo các chỉ số MSCI.

Tuần 13-17/5: Tâm điểm cuộc chiến thương mại, VN-Index có cơ hội phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu - Ảnh 1.

Về diễn biến thị trường, nhịp giảm mạnh gần đây khiến thị trường vẫn trong vùi rủi ro. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý tới yếu tố thanh khoản, cũng như dòng tiền khối ngoại, ETF để ra quyết định đầu tư. Việc VNM ETF tạm ngưng rút vốn, trong khi VFMVN30 ETF đang phát hành chứng chỉ quỹ khá tốt có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường.

Một điểm tích cực nữa là phái sinh đã xuất hiện basis dương (cao hơn VN30 Index) cho thấy tâm lý ngắn hạn của nhà đầu tư đã được cải thiện. Nếu không có nhiều diễn biến xấu từ quốc tế, nhịp hồi phục ngắn hạn hoàn toàn có thể xảy ra.

Đánh giá về thị trường tuần tới, CTCK VNDIRECT cho biết chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể nào về xu hướng ngắn hạn của thị trường (giảm điểm). Mức độ phức tạp của thị trường tăng lên khi có thêm nhiều biến cố ngẫu nhiên từ thị trường tài chính quốc tế có thể xoay chuyển bất ngờ chỉ sau một dòng tin tức về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. VNDIRECT cho rằng một đợt hồi phục ngắn có thể diễn ra chóng vánh; bấp bênh với tương quan rủi ro vẫn lớn hơn cơ hội. Do đó, VNDIRECT bảo lưu quan điểm phòng thủ với tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và chờ đợi những cơ hội mua vào rõ rệt hơn.

Chung quan điểm thận trọng, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết còn tương đối sớm để nói về một sự đảo chiều xu hướng, rủi ro "bulltrap" vẫn còn hiện hữu. Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên nắm giữ tiền mặt và việc giải ngân bắt đáy (nếu có) thì chỉ nên tiến hành ở mức độ hạn chế.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên