Tuần 17-21/6: Khó lường trong tuần cơ cấu danh mục ETF và đáo hạn hợp đồng phái sinh
CTCK SHS, BVSC cho rằng thị trường vẫn có thể điều chỉnh trong tuần 17-21/6. Trong khi đó, CTCK VNDIRECT có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng chân sóng đang dần hình thành.
- 16-06-2019Hàng trăm tỷ đổ vào chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ ETF trong nửa đầu tháng 6
- 16-06-201910 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm vừa và nhỏ vẫn hút dòng tiền
- 16-06-2019[Quy tắc đầu tư vàng] 13 năm tăng trưởng 30%/năm, Peter Lynch tạo ra danh mục 14 tỷ USD nhờ chọn cách tự quyết định vận mệnh của mình
Tuần giao dịch 10-14/6 diễn ra không thực sự tích cực trong bối cảnh lo ngại chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang cũng như giá dầu thế giới giảm sâu. Các nhóm cổ phiếu "nóng" trong tháng 5 như khu công nghiệp, dầu khí bị bán khá mạnh. Ngược lại, nhóm ngân hàng đang có những tín hiệu khá tích cực và là bệ đỡ cho thị trường.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index dừng tại 953,61 điểm, giảm nhẹ 0,5% so với tuần trước đó. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp, giá trị khớp lệnh bình quân HoSE chỉ đạt 2.346 tỷ đồng/phiên, không thay đổi nhiều so với tuần trước.
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ tiếp tục mua ròng hơn 300 tỷ trên toàn thị trường, trong đó riêng E1VFVN30 được mua ròng 250 tỷ đồng.
Về hoạt động phát hành chứng chỉ ETF, tuần qua VFMVN30 ETF đã phát hành ròng 25,9 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 374 tỷ đồng. VNM ETF cũng phát hành ròng 450 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng 7,28 triệu USD (170 tỷ đồng). Trong khi đó, FTSE Vietnam ETF, iShare MSCI 100 Frontier ETF, KIM Kindex VN30 ETF không có hoạt động phát hành/rút chứng chỉ quỹ nào.
Dòng tiền đang trở lại VNM ETF
Trên TTCK Phái sinh, HĐTL F1906 đã quay đầu basis âm 2,75 điểm trong bối cảnh sẽ đáo hạn vào ngày 20/6 tới đây. Trong khi đó, các HĐTL F1907, F1909, F1912 vẫn duy trì basis dương từ 2,75 đến 5,25 điểm cho thấy tâm lý trung hạn của nhà đầu tư vẫn không quá bi quan.
Diễn biến giá dầu tuần qua không thực sự thuận lợi khi chốt tuần tại mức 52,49 USD/thùng (WTI), giảm gần 3% so với tuần trước và điều này đã ảnh hưởng ít nhiều tới các cổ phiếu như GAS, PVS, PVD, PVB…
Giá dầu giảm sâu trong tuần qua
Tuần 17-21/6: Tâm điểm cơ cấu ETF và đáo hạn phái sinh
Trong tuần giao dịch tiếp theo (17-21/6), thông tin đáng chú ý nhất là hoạt động cơ cấu danh mục của 2 quỹ FTSE Vietnam ETF và VNM ETF với trọng tâm là phiên 21/6. Với tổng quy mô khoảng 750 triệu USD, hoạt động cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường.
Theo ước tính, POW sẽ được 2 quỹ mua vào khoảng 35 triệu cổ phiếu, trong khi phần lớn các cổ phiếu còn lại trong danh mục bị bán ra. Đây sẽ là "liều thuốc thử" cho thị trường khi thanh khoản giai đoạn qua là khá thấp. Nếu như không có lực "cân" lại các quỹ ETF, thị trường sẽ chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong phiên 21/6.
Thống kê cho thấy trong tuần ETF cơ cấu danh mục, thị trường thường có diễn biến khá èo uột và với tình hình thanh khoản như hiện nay, kịch bản này hoàn toàn có thể tái diễn.
Một thông tin đáng chú ý nữa là HĐTL F1906 sẽ đáo hạn trong phiên 20/6. Những phiên đáo hạn phái sinh gần đây, thị trường thường có biến động khá dữ dội khi phụ thuộc vào một vài Bluechips, tiêu biểu như SAB.
Trong một tuần giao dịch có 2 sự kiện lớn diễn ra như review ETF, đáo hạn phái sinh, thị trường có thể sẽ xuất hiện diễn biến khó lường.
Bên cạnh đó, vào rạng sáng ngày 20/5 (theo giờ Việt Nam) sẽ diễn ra phiên họp của FED và những thông điệp được phát đi từ cuộc họp này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến thị trường.
Tiếp tục điều chỉnh hay chân sóng đang dần xuất hiện?
Đánh giá về thị trường tuần 17-21/6, CTCK SHS cho rằng tâm điểm chú ý của giới đầu tư có lẽ vẫn là những diễn biến mới từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cuộc họp sắp tới của FED vào 2h sáng thứ 5 tuần tới 20/6 (theo giờ Việt Nam). Và ngày 20/6 sắp tới cũng là phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 nên nhà đầu tư cần hết sức chú ý.
Trên góc độ kỹ thuật, VN-Index đã đánh mất đường MA200 ngày trong tuần qua và vẫn chưa lấy lại được cho dù nhóm ngân hàng đang có dấu hiệu quay trở lại xu hướng tăng. Tóm lại, thị trường vẫn đang trong giai đoạn ảm đạm với dòng tiền yếu và những nhịp tăng nếu có vẫn chỉ là hồi phục kỹ thuật; tuy nhiên, khả năng giảm mạnh cũng là không lớn.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (17/6-21/6), VN-Index có thể sẽ tiếp tục trạng thái sideway down với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 940 điểm tương ứng với vùng đáy trước đó. Nhà đầu tư vẫn có thể duy trì danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải trong giai đoạn này và đứng ngoài quan sát diễn biến của thị trường.
VN-Index liệu có "thủng đáy"?
Cũng có cái nhìn thận trọng, CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá thị trường sẽ tiếp tục có sự hồi phục và hướng đến thử thách vùng kháng cự 959-963 điểm trong những phiên đầu tuần. Đây là vùng kháng cự được BVSC đánh giá là có khả năng tạo áp lực giảm điểm trở lại đối với chỉ số. Nỗ lực tăng điểm của thị trường đi kèm với thanh khoản yếu và sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục cho thấy sức mạnh nội tại của thị trường hiện tại còn khá yếu. Do đó, BVSC vẫn để ngỏ khả năng chỉ số có thể vẫn còn nhịp giảm về vùng hỗ trợ 930-940 điểm, trước khi có phản ứng hồi phục một cách rõ nét hơn.
Tuần tới là thời điểm các quỹ ETFs thực hiện tái cơ cấu danh mục quý 2/2019 nên các cổ phiếu trong danh mục của 2 quỹ này dự kiến sẽ có tuần biến động tương đối khó lường. BVSC đánh giá các cổ phiếu ngân hàng có thể vẫn còn dư địa hồi phục trong một vài phiên kế tiếp tuy nhiên đà tăng sẽ có độ dốc thoải kèm theo các phiên tăng giảm đan xen. Nhóm dầu khí có khả năng sẽ có thêm nhịp giảm về dưới mức thấp nhất được tạo thành trong giai đoạn cuối tháng 05, trước khi được kỳ vọng sẽ hồi phục tăng điểm trở lại.
Có cái nhìn lạc quan hơn, CTCK VNDIRECT cho rằng một số cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu có động lực đi lên khá vững điều này cho thấy dòng tiền của các tổ chức bắt đầu trở nên tích cực hơn tạo ra lực cầu đẩy. Áp lực cung hiện cũng không quá lớn ở các thời điểm các chỉ số chịu áp lực chùng xuống hoặc giảm điểm. Tâm lý của thị trường nhìn chung đã tạm ổn định trở lại nhưng dòng tiền vẫn tỏ ra khá thận trọng khi thị trường chưa đủ sức lôi kéo dòng tiền đứng ngoài tham gia trở lại.
VNDIRECT duy trì khuyến nghị mua vào chọn lọc mỗi khi thị trường điều chỉnh và có cái nhìn tích cực cho các tháng cuối năm 2019 với kỳ vọng chân một con sóng mới đang dần hình thành.