Tuần 22-26/11: Khối ngoại miệt mài bán ròng 3.170 tỷ đồng, tâm điểm bán ròng gần 1.480 tỷ đồng VPB
Nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh, giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần lên tới 2.569 tỷ đồng, cộng thêm áp lực bán ròng 601 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận nên giá trị bán ròng trên toàn thị trường ghi nhận ở mức cao.
Phiên 26/11 khép lại một tuần giao dịch đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau nhịp lùi lấy đà phiên đầu tuần, VN-Index đã bứt tốc dễ dàng vượt qua hàng loạt mốc điểm quan trọng, thiết lập đỉnh mới khi công phá thành công ngưỡng cản 1.500 điểm. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh trong phiên cuối tuần khiến VN-Index mất gần 8 điểm, song vẫn giữ vững mốc 1.490 điểm.
Công đầu trong tuần qua phải kể tới sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sắc xanh chi phối nhóm cổ phiếu vua cùng sự đồng thuận tại một số cổ phiếu khác thuộc nhóm chứng khoán, bất động sản giúp VN-Index có thể tăng tốt.
Ngược lại, diễn biến phân hóa tại nhóm cổ phiếu midcap và penny sau chuỗi tăng "nóng", áp lực điều chỉnh đầu tuần khiến hàng loạt cổ phiếu quay đầu giảm điểm thậm chí là giảm sàn; tuy nhiên lực cầu đủ mạnh giúp một số cổ phiếu nhanh chóng quay đầu tăng mạnh các phiên sau đó, thậm chí là tăng hết biên độ.
Thanh khoản trong tuần cũng ghi nhận ở mức cao, song có phần "hạ nhiệt" so với tuần trước, giá trị giao dịch bình quân đạt 39.719 tỷ đồng/phiên (~1,73 tỷ USD/phiên). Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.493,03 điểm tương ứng tăng mạnh 40,68 điểm (2,8%) so với đầu tuần. Cùng chiều, HNX-Index trong một tuần tăng 1,03% lên mức 458,63 điểm và UPCoM-Index tăng 0,97% lên 114,35 điểm.
Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng 1,5% so với tuần trước lên mức 4.105 tỷ đồng, chiếm 5,2% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm trừ là họ tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần với giá trị đột biến lên tới 3.170 tỷ đồng, khối lượng bán ròng khoảng gần 53 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua.
Cụ thể, sau khi trở lại mua ròng trong hai phiên đầu tuần chủ yếu thông qua khớp lệnh, nhà đầu tư ngoại đã quay đầu bán ròng trong ba phiên cuối tuần. Áp lực bán ròng xảy ra mạnh trên cả hai kênh khớp lệnh và thỏa thuận, thậm chí phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến kỷ lục bán ròng từ đầu năm đến nay khi giá trị bán ròng vượt ngưỡng 2.100 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh, giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần lên tới 2.569 tỷ đồng, cộng thêm áp lực bán ròng 601 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận nên giá trị bán ròng trên toàn thị trường ghi nhận ở mức cao.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán của khối ngoại tập trung tại cổ phiếu ngân hàng VPB với giá trị đột biến gần 1.500 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần giao dịch, bên cạnh đó là áp lực bán ròng tiếp tục trên HPG với gần 500 tỷ đồng; ngoài ra cũng tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ HCM, SSI, VIC.
Ngược lại, dòng tiền ngoại tiếp tục tìm đến hàng loạt bluechips nhà băng như CTG, STB, VCB, BID trong tuần dậy sóng của nhóm các cổ phiếu này; bên cạnh đó, QNS, KBC hay GMD cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong tuần. Ngoài ra, dòng tiền ngoại còn chảy vào các cổ phiếu khác như DGC, FUESSVFL, DGW...
Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần thứ tư liên tiếp bán ròng, tổng giá trị bán ròng ghi nhận 3.300 tỷ đồng - gấp tới 2,8 lần giá trị tuần liền trước. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 2.699 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, bên cạnh đó quay đầu bán ròng thêm 601 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận, qua đó nới rộng thêm vùng bán ròng chung.
Tại chiều bán, cổ phiếu ngân hàng VPB là tâm điểm bán ròng nhiều tuần qua với giá trị ghi nhận 1.477 tỷ đồng, chủ yếu trên kênh khớp lệnh. Tính chung trong 6 tháng qua, khối ngoại đã bán ra hơn 90 triệu cổ phiếu VPB. Riêng từ ngày 17/11 đến nay, khối ngoại bán mạnh VPB với tổng cộng hơn 48 triệu cổ phiếu. Tuy vậy, thị giá VPB bất chấp áp lực bán ròng nhưng trong tuần qua vẫn ghi nhận mức tăng mạnh hơn 8%.
Ngoài ra, khối ngoại cũng tiếp tục bán ròng HPG với giá trị gần 476 tỷ đồng. Cụ thể, họ bán khớp lệnh 646 tỷ đồng cổ phiếu HPG trong khi mua khớp lệnh 170 tỷ đồng.
Các cổ phiếu khác tại sàn HoSE bị bán ròng trên 150 tỷ đồng trong tuần qua còn có thể kể đến là HCM (385 tỷ đồng), SSI (367 tỷ đồng ), VIC (222 tỷ đồng), VND (189 tỷ đồng), VCI (153 tỷ đồng)...
Ngược chiều, dòng vốn ngoại tìm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng khi CTG, STB và VCB lần lượt được mua ròng nhiều nhất tuần với giá trị là 265 tỷ đồng, 169 tỷ đồng và 158 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng trên trăm tỷ cổ phiếu bất động sản KBC (135 tỷ đồng) hay cổ phiếu cảng biển GMD (129 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng tiếp tục xu hướng bán ròng, tuy nhiên quy mô đã giảm mạnh từ mức 103 tỷ đồng trong tuần trước xuống 57 tỷ đồng, toàn bộ đều trên kênh khớp lệnh.
Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu CEO tiếp tục bị bán mạnh nhất với gần 80 tỷ đồng. Cổ phiếu này từ đầu năm liên tục duy trì xu hướng tăng điểm và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, sau phiên đầu tuần điều chỉnh nhẹ, CEO trở lại tăng điểm 4 phiên với phiên gần nhất đều tăng kịch trần đưa thị giá tăng tới 35% so với cuối tuần trước lên mức 42.500 đồng/cổ phiếu
Theo sau là NVB với giá trị bán ròng 12 tỷ đồng và API bị bán ròng 5 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có DHT (3 tỷ đồng), THD (3 tỷ đồng), NTP (2 tỷ đồng), ART (2 tỷ đồng)...
Ngược lại, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã PVI và SHS với 19 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có VCS, NDN, CLH, PCG, APS, PGS...
Duy nhất trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh 125 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 128 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và bán ròng 4 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận.
Cổ phiếu LTG tuần này dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng hơn 32 tỷ đồng và đều bán qua kênh khớp lệnh. Bên cạnh đó, TTN và HVG cũng bị bán ròng lần lượt 4 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có HTG, SSN, MCH, NTB, MSR, SGP...
Tại phía mua vào, cổ phiếu QNS tuần này được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với 137 tỷ đồng, toàn bộ đều qua mua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến CTR với giá trị mua ròng ghi nhận 33 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có VEA, NTC, VTP, HHV, ACV...