MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần tới, một ngân hàng sẽ chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng 40% sau 12 năm nói không với cổ tức

18-02-2024 - 14:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Tuần tới, một ngân hàng sẽ chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng 40% sau 12 năm nói không với cổ tức

Lần gần nhất ngân hàng này chia cổ tức là trong năm 2012 với tỷ lệ 10,38% bằng tiền mặt.

Tuần tới, một ngân hàng sẽ chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng 40% sau 12 năm nói không với cổ tức- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngày 23/2 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank - Mã: PGB). Theo đó, PG Bank sẽ phát hành 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:4, tức sở hữu cứ 10 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm.

Nguồn vốn thực hiện việc chia cổ phiếu thưởng được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế (1.100 tỷ đồng) và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (100 tỷ đồng) theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán.

Nếu thành công, vốn điều lệ của PG Bank sẽ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận việc PG Bank tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phần nguồn vốn chủ sở hữu.

Đây là lần đầu tiên PG Bank tăng vốn sau gần 13 năm và cũng là lần đầu tiên ngân hàng này chia cổ tức/cổ phiếu thưởng sau gần 12 năm.

Trong năm 2011, ngân hàng từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới trả cổ tức và phát hành cho cổ đông hiện hữu. Còn lần gần nhất ngân hàng này chia cổ tức là trong năm 2012 với tỷ lệ 10,38% bằng tiền mặt.

Được biết, Nhà nước đã yêu cầu cổ đông lớn của PG Bank là Petrolimex phải thoái vốn tại PG Bank từ nhiều năm trước. Do đó, Petrolimex không thể góp thêm vốn vào ngân hàng này thông qua hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong khi đó, PG Bank cũng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức bằng tiền mặt do vẫn còn các khoản nợ tại VAMC. Chính vì vậy, hoạt động chia cổ tức của PG Bank liên tục bị đình trệ trong hơn 1 thập niên năm qua.

Đến ngày 7/4, Petrolimex đã thoái toàn bộ vốn tại PG Bank khi bán thành công 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần PG Bank, thông qua đấu giá công khai Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Danh sách nhà đầu tư trúng đấu giá gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân. Ba tổ chức này nắm lượng cổ phần PG Bank gần như ngang bằng nhau, trên dưới 13%, và tổng số xấp xỉ 120 triệu cổ phiếu, bằng lượng Petrolimex đem đấu giá.

Ngày sau khi "thay máu" cổ đông, PG Bank đã có một loạt thay đổi về mặt nhân sự, tên ngân hàng, trụ sở và nhận diện thương hiệu.

Ngoài việc phát hành cổ phiếu thưởng nêu trên, PG Bank còn có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ động hiện hữu theo tỷ lên phân phối là 15:4, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền và cứ 15 quyền sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm. Mức giá phát hành thêm chưa được ngân hàng công bố. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 vào tháng 10, ngân hàng dự kiến mức giá này sẽ không thấp hơn mệnh giá.

Vừa qua, ngày 19/12, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quyết định cho phép PGBank đổi tên từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển. Đồng thời, đổi tên viết tắt thành PGBank (tên viết tắt cũ là PG Bank).

Bên cạnh đó, PG Bank cũng thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đó, trụ sở ngân hàng đặt tại địa chỉ Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Quốc Thụy

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên