MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tục treo câu đối ngày Tết và 3 điều cấm kỵ khi treo liễn chữ thư pháp để một năm bình an, may mắn

09-02-2024 - 16:39 PM | Sống

Không chỉ chưng hoa, đào, quất, treo đèn lồng, nhiều gia đình cũng chọn treo câu đối, liễn chữ để cầu bình an, may mắn cho năm mới.

Phố phường ngày Tết luôn có dáng vẻ nhộn nhịp và bừng bừng sức sống. Góc này bày quất bày đào, góc kia bày lan bày thủy tiên. Góc trên bày tranh dân gian, góc dưới bày rau củ, thực phẩm, hoa quả. Người ta tranh nhau trả giá hời cho món đồ mình mang về sắm Tết. Bên trong mỗi ngôi nhà đều nhuốm màu sắc rực rỡ của xuân mới, và trong những gam màu tươi vui ấy, có sự xuất hiện của câu đối Tết.

Tục treo câu đối ngày Tết và 3 điều cấm kỵ khi treo liễn chữ thư pháp để một năm bình an, may mắn- Ảnh 1.

Nếu bàn thờ trên cao có treo những bức hoành phi thì ở cột hoặc ở tường sẽ treo những câu đối. Xưa kia nhà giàu thường dùng bằng gỗ sơn son thiếp vàng hay sơn đen khảm xà cừ, còn nhà nghèo là những đôi liễn hay những tờ giấy hồng có viết những câu đối. Có những nhà treo câu đối quý, mỗi vế là nửa cây gỗ đã được xẻ đôi, sơn son hoặc sơn đen, có thiếp vàng hoặc khảm trai những hàng chữ.

Đại ý những câu đối là lời vàng ý ngọc giúp con cháu tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, nhớ ơn công đức trời bể của ông cha. Những câu đối được treo ở phòng khách hoặc ngày Tết thường dễ hiểu và đơn giản hơn, thường thể hiện cảnh sum vầy, hạnh phúc của con cháu, chẳng hạn như:

"Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh

Lộc tiến vinh hoa phú quý xuân".

Những câu đối hoặc các mẫu hoành phi thường ghi bằng chữ Hán tự, nhưng cũng có nhiều nhà dùng câu đối nôm hoặc hoành phi nôm. Những câu đối được treo tại nhà thờ tổ, bàn thờ cũng sẽ thay đổi thay đổi theo hoàn cảnh, địa vị của gia trưởng hoặc sự nghiệp ông cha.

Tục treo câu đối ngày Tết và 3 điều cấm kỵ khi treo liễn chữ thư pháp để một năm bình an, may mắn- Ảnh 2.

Ý nghĩa câu đối, liễn chữ ngày Tết

Thay vì những hoành phi, câu đối nghiêm trang tại nhà thờ tổ hay bàn thờ, Tết đến, xuân về người ta cũng thích treo trên cửa, trên tường những câu đối, liễn chữ thư pháp được viết trên nền giấy đỏ, không phải bằng chữ Hán, chữ Nôm mà bằng chữ Quốc ngữ dễ hiểu hơn. Những chữ thường được dán trên cửa, trên tường hoặc trang trí treo trên cây quất, cây đào như chữ Phúc, Lộc, Thọ, Bình, An,...

Mục đích của việc treo câu đối không chỉ để trang trí nhà cửa, mà còn thể hiện mong ước, cầu chúc cho một năm mới an lành, thịnh vượng và hạnh phúc. Người ta thường treo câu đối ở cửa ra vào, trên tường hoặc cột nhà, nơi dễ nhìn thấy nhất để mọi người có thể đọc và cảm nhận được ý nghĩa của nó.

Tục treo câu đối ngày Tết và 3 điều cấm kỵ khi treo liễn chữ thư pháp để một năm bình an, may mắn- Ảnh 3.

Nội dung của câu đối ngày Tết rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là những câu chúc tài lộc, sức khỏe, may mắn, học hành tiến tới, gia đình đầm ấm và quốc thái dân an. Câu đối được xem là bức thông điệp gửi gắm niềm tin và sự lạc quan vào năm mới.

Nói về tục dán câu đối, trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt , Nguyễn Văn Huyên có nhắc đến rằng, các ông đồ nghèo, trong mười ngày trước Tết, thuê góc các mặt cửa hàng hay vỉa hè trước đó, hoặc một góc phố, để bán những băng giấy đỏ đôi khi rắc phấn vàng hay bạc, những tấm biển trang trí hoa mà trên đó họ viết những câu đối hay những bức hoành phi nói đến năm đang bắt đầu, đến mùa xuân đang mở ra, đến gia đình hoặc chí hướng của người chủ. Tác giả còn chia sẻ rằng, nếu trong năm ấy, gia đình có người mất thì sẽ dùng giấy màu vàng hoặc xanh.

Đặc biệt là ở chỗ "Hiệu lực thần kỳ được thừa nhận ở các màu sắc và ngôn từ thúc đẩy mọi hạng người chi tiền để treo lên cửa ra vào, xà nhà và các bức tường trơ trụi của nhà họ những băng giấy dài và đẹp này, tạo vẻ ngoạn mục cho thành phố vào thời kỳ xuân mới".

Xưa kia, để trừ tà, xua đuổi ma quỷ, người ta cắm đào hoặc dùng gỗ đào viết chữ treo trước cửa để cầu bình an. Theo thời gian, câu đối hay liễn xuân ngày Tết đã có nhiều thay đổi, từ bùa đào đến chữ viết tay trên giấy đỏ, còn hiện nay, trên phố chẳng thiếu những tệp chữ được in gọn gàng, phẳng phiu bằng máy. Thời đại công nghệ số, người ta tặng nhau thiệp online, chúc tụng nhau đủ những thiệp thiết kế 3D đủ sắc màu rực rỡ. Và rồi câu đối hay liễn xuân viết Tay ngày càng mờ nhạt, có thời kỳ vắng bóng khiến nhiều người thở dài tiếc nuối. Ở đâu đó, chỉ còn ít ỏi một số người cố gắng lưu giữ lại tục này.

Thành thật mà nói, kỹ năng in ấn hiện đại vượt xa kỹ năng viết thư pháp thủ công. Những tệp chữ được đổ bóng tinh xảo, phông mạ vàng lấp lánh, nhưng chính vì thế người ta lại cảm thấy Tết nhạt, Tết "công nghiệp hóa".

Tục treo câu đối ngày Tết và 3 điều cấm kỵ khi treo liễn chữ thư pháp để một năm bình an, may mắn- Ảnh 4.

Cảm giác cầm những dải chữ được ông đồ viết tay, có sự chân phương, thô sơ, đôi khi còn sót lại chút lỗi nào đó, nhưng chúng lại phản ánh sự chân thật và thuần khiết. Đêm Giao thừa, nhìn quanh nhà thấy dán những câu đối Tết, dù không gian nhỏ đến mấy cũng thấy bừng sáng hơn, không khí bỗng tràn ngập một mùi thơm nồng nàn - mùi của năm mới đậm đà.

Quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa là tất yếu. Chúng như cơn gió mạnh, thổi bay những dấu vết truyền thống xa xưa, pha loãng hương vị Tết đậm đà thành món súp trong trẻo, không vị. Và rồi, khi có thêm những câu đối xuân, liễn thư pháp viết tay ấy, người ta có thêm sự hoài niệm về hương vị nguyên bản của Tết xưa.

Ba điều cấm kỵ khi treo câu đối Tết

Trước hết, điều cấm kỵ đầu tiên là khi treo câu đối Tết, câu đối phải tương ứng và cân đối với nhau. Mặc dù trong xã hội ngày nay không chú trọng nhiều đến việc dán câu đối Tết như xưa nhưng yêu cầu cơ bản nhất là trật tự từ, nghĩa phải trôi chảy để người đọc được và hiểu được.

Tục treo câu đối ngày Tết và 3 điều cấm kỵ khi treo liễn chữ thư pháp để một năm bình an, may mắn- Ảnh 5.

Điều cấm kỵ thứ hai là khi dán câu đối Tết phải chú ý đến sự đều đặn. Đây là yêu cầu cơ bản của câu đối. Âm điệu, luật vần, dạng thơ khi viết câu đối phải giống nhau. Nếu sử dụng các câu chữ chúc mừng, chữ đơn thì nét chữ vẫn cần đẹp, đều và thanh thoát.

Điều cấm kỵ thứ ba là nếu trong gia đình có người mất thì câu đối không được treo trong vòng ba năm. Điều này nguyên do phong tục xưa, khi nhà có người mất thường phải để tang và không tổ chức các hoạt động giải trí linh đình. Vì vậy, để bày tỏ sự kính trọng đối với người đã khuất, không thể dán những câu đối vui. Bằng không, người khác khi nhìn thấy sẽ cho rằng, sự ra đi của một người trong gia đình lại không hề đau buồn chút nào. Hoặc trong năm đó, vẫn muốn dùng câu đối tưởng niệm trên bàn thờ, người ta sẽ dùng giấy vàng hoặc xanh mà không dùng giấy đỏ.

Theo Minh Dương

Phụ nữ mới

Trở lên trên