Tundra bán FPT, VNM, đẩy mạnh mua DXG, HPG trong tháng 9
FPT đã bị Tundra Vietnam Fund giảm tỷ trọng từ 8,5% xuống còn 5,2% và lùi xuống vị trí thứ 3 trong danh mục. Trong khi đó, DXG được quỹ mua vào khá mạnh và tỷ trọng tăng từ 5,4% trong tháng 8 lên 7% vào cuối tháng 9, qua đó trở thành cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tundra Vietnam Fund công bố báo cáo tháng 9 với mức tăng trưởng NAV/shares đạt 1,6% (theo đồng SEK) hoặc 1,6% (tính theo USD).
Quy mô danh mục Tundra Vietnam Fund có giá trị 66,6 triệu USD, trong đó tỷ trọng tiền mặt là 6%, tăng so với mức 1% trong tháng trước. Tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục là 94%, trong đó 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là bất động sản (24%) và tài chính (23%).
Một điểm đáng chú ý, FPT đã bị Tundra Vietnam Fund giảm tỷ trọng từ 8,5% xuống còn 5,2% và lùi xuống vị trí thứ 3 trong danh mục. Trong khi đó, DXG được quỹ mua vào khá mạnh và tỷ trọng tăng từ 5,4% trong tháng 8 lên 7% vào cuối tháng 9, qua đó trở thành cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục Tundra Vietnam Fund có sự hiện diện của HPG với tỷ trọng 3,4%, trong khi đó VNM từ việc chiếm tỷ trọng 3,9% trong tháng trước đã ra khỏi top 10.
Trong tháng 9, bộ đôi LDG, DXG mang đến tỷ suất lợi nhuận tốt nhất cho Tundra Vietnam Fund với mức tăng lần lượt 18,7% và 12,6%. Ở chiều ngược lại, KDF là cổ phiếu gây thất vọng nhất với mức giảm 9,2%.
Nền kinh tế Việt Nam đứng vững trước các cú sốc kinh tế khu vực
TTCK Việt Nam tăng 1,4% trong tháng 9, so với mức tăng 2% của nhóm MSCI EM và 0,4% của MSCI FM. Thanh khoản vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch bình quân đạt 186 triệu USD/phiên. Khối ngoại vẫn bán ròng 17 triệu USD, nhưng so với tháng trước thì thấp hơn (bán ròng 135 triệu USD trong tháng 8).
Về hiệu quả hoạt động, tài chính là nhóm dẫn đầu khi (1) một số ngân hàng bao gồm VPB, HDB bắt đầu mua cổ phiếu quỹ; (2) VCB ký hợp đồng Bancassurance độc quyền với FWD HongKong, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận VCB.
Nhóm ngành chứng khoán cũng được ưa chuộng vì thanh khoản thị trường tăng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận quý 3.
Nhà đầu tư cũng tăng vị thế với nhóm cổ phiếu bất động sản, chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa trung bình như DXG, LDG, KDH…nhờ vào kết quả tốt hơn dự kiến trong quý 3. Các cổ phiếu kín room ngoại (FPT, MWG, REE) tiếp tục tăng nhờ kỳ vọng vào sự ra mắt của các quỹ ETFs dựa trên các chỉ số mới (VN Diamond, VNFin Lead, VNFin Select), qua đó giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào các cổ phiếu hết room.
Ngân hàng Nhà nước công bố cắt giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu) 0,25%, có hiệu lực vào 16/9/2019. Tundra đánh giá NHNN dường như chủ động cắt giảm lãi suất để thích ứng với các biến động toàn cầu, khi mà tất cả các nền kinh tế đều nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong đánh giá phân loại thị trường của FTSE, Việt Nam vẫn duy trì trong nhóm Frontier Markets (thị trường cận biên) nhưng đã được thêm vào danh sách theo dõi "thị trường mới nổi thứ cấp" và sẽ đánh giá lại vào năm 2020. Mặc dù đã có nhiều cải cách được thực hiện nhưng Việt Nam vẫn chưa giải quyết được tiêu chí bù trừ thanh toán để được nâng hạng lên Emerging Markets (thị trường mới nổi) trong năm nay.
Cũng theo Tundra, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc kinh tế khu vực và tăng trưởng GDP quý 3 ở mức 7,31%, vượt qua cả những dự báo lạc quan nhất. Điều này đã nâng mức tăng trưởng GDP 9 tháng lên 6,98%, mức cao nhất trong 9 năm. Lạm phát trong 9 tháng ở mức thấp với 1,98%, chủ yếu do tăng giá dầu, khí đốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 194,3 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ), trong khi nhập khẩu tăng 8,9% lên 188,42 tỷ USD. Thặng dư thương mại ở mức 5,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Tổng vốn FDI đăng ký trong 9 tháng giảm 19,9% so với cùng kỳ (15,7 tỷ USD) do không có một số dự án lớn như năm 2018. Tuy nhiên, giải ngân FDI tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 14,2 tỷ USD. Lĩnh vực sản xuất vẫn đang chiếm phần lớn vốn FDI vào Việt Nam với 74,2% vốn đăng ký mới.