Từng được ca ngợi là phép màu kinh tế, thủ phủ may mặc của thế giới đang nếm trái đắng từ chiến lược ‘bỏ hết trứng vào 1 giỏ’
Xuất khẩu hàng may mặc đã đưa Bangladesh lên một tầm cao mới. Nhưng phụ thuộc quá mức vào ngành công nghiệp dệt may lại đang gây hậu quả khôn lường cho nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới này.
- 16-08-2024Chính trường chao đảo, nhà máy bị thiêu rụi, quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới vụt mất đơn hàng vào tay các đối thủ Đông Nam Á
- 08-01-2024Thủ phủ may mặc Trung Quốc gây ‘choáng’: Ngày cao điểm bán hơn 10 triệu áo khoác, lãi gấp 5-6 lần, nhà máy ở khắp nơi
- 13-11-2023"Thủ phủ may mặc" thế giới trong cơn bão lạm phát: Người lao động nói tăng lương 50% là quá ít, bóp mồm bóp miệng cũng không đủ sống
Chiến lược tập trung duy nhất vào xuất khẩu hàng dệt may đã mang lại tăng trưởng nhanh chóng, giúp hàng triệu người Bangladesh thoát khỏi đói nghèo và nâng cao danh tiếng của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina.
Nhưng việc bà Hasina đột ngột từ chức trong vào đầu tháng này đã cho thấy những hạn chế của chiến lược đó. Bangladesh đang phải vật lộn với lạm phát và thất nghiệp gia tăng mà các nhà kinh tế phần lớn cho rằng là do các quyết định chính sách không hiệu quả.
Sau khi bà Hasina từ chức giữa cuộc khủng hoảng chính trị, ông Muhammad Yunus – chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2006, tạm nắm quyền thủ tướng.
Ông Yunus phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn: Khôi phục trật tự và ổn định kinh tế. Về lâu dài, Bangladesh sẽ phải đối mặt với thách thức kinh tế lớn nhiều so với trước khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Bangladesh đã trải qua các cuộc cải cách kinh tế bắt đầu từ những năm 1970. Ngành may mặc đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế trong nhiều thập kỷ. Bà Hasina – lên nắm quyền vào năm 2009, đã tập trung tối đa vào ngành may mặc và và mở rộng sang các thị trường mới. Chính sách này đã thúc đẩy đáng kể tăng trưởng của Bangladesh và giúp nước này được ca ngợi là một phép màu kinh tế.
Các mặt hàng may mặc giá rẻ hấp dẫn các hãng bán lẻ thời trang toàn cầu, đặc biệt là các thương hiệu thời trang nhanh như Zara và H&M. Đồng thời, nhu cầu lớn này đã tạo ra kế sinh nhai cho hàng triệu người, đặc biệt là phụ nữ, và nâng cao mức sống.
Bà Hasina đã chi mạnh cho cơ sở hạ tầng, đảm bảo rằng Bangladesh có thể đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn quốc tế.
“Những gì bà Hasina đem lại là độ ổn định – điều hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”, Thomas Kean, chuyên gia về Bangladesh tại International Crisis Group cho biết. Những đối tác mua hàng may mặc khó lòng chuyển hoạt động kinh doanh sang Bangladesh nếu xảy ra đình công, mất điện hoặc các yếu tố khác khiến đất nước trở nên không còn ổn định”, ông Kean nói.
Trong hơn một thập kỷ dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Hasina, kinh tế Bangladesh đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, có năm tăng vượt mốc 7%. Xuất khẩu hàng may mặc đóng góp phần lớn, đưa Bangladesh trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Năm 2023, xuất khẩu hàng may mặc đạt 38,4 tỷ USD, chiếm 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh.
Nhưng sự phụ thuộc này đang gây ra hậu quả khôn lường cho Bangladesh.
Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về hàng dệt may và may mặc trên toàn cầu suy yếu. Đồng thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giá thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu tăng mạnh. Do nền kinh tế có rất ít sự đa dạng hóa, Bangladesh đã không thể lấy doanh thu từ các ngành công nghiệp khác để bù đắp chi tiêu.
Khi lạm phát tăng vọt, những nỗ lực kiểm soát giá cả tăng đã phản tác dụng. Đồng nội tệ mất giá, Bangladesh phải chi hết dự trữ ngoại hối. Điều này khiến dự trữ ngoại hối chạm đáy và buộc Bangladesh phải vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào năm 2022.
Vào thời điểm xuất khẩu hàng may mặc phục hồi sau đại dịch, Bangladesh đã sa lầy trong những rắc rối ngắn hạn. Bangladesh thu được rất ít thuế, một phần là do bộ máy quan liêu lỏng lẻo và nhiều công dân không sẵn lòng nộp thuế. Tỷ lệ thuế trên GDP tại nước này thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Điều đó có nghĩa là Bangladesh không thể trông chờ vào doanh thu thuế để thanh toán các khoản chi.
Bangladesh vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng không đồng đều và bất bình đẳng thu nhập vẫn ở mức cao.
Vấn đề lớn nhất đối với chính phủ của bà Hasani có lẽ là không thể tạo ra việc làm mới vì quá tập trung vào ngành may mặc. Không có đủ việc làm mới hoặc việc làm được trả lương cao hơn cho dân số trong độ tuổi lao động đông đảo của đất nước. Điều này đã góp phần châm ngòi cho các cuộc nổi dậy của sinh viên và sau đó là cuộc khủng hoảng chính trị tại Bangladesh.
Tuần trước, tờ Financial Times đưa tin nhiều hãng thời trang quốc tế đang chuyển đơn hàng may mặc sang các quốc gia Đông Nam Á do lo ngại khủng hoảng tại Bangladesh.
Theo NYT
Nhịp Sống Thị Trường