Từng là startup hot nhất thế giới và được định giá lên tới 6 tỷ USD, công ty do vợ cũ của nhà đồng sáng lập Google gây dựng rớt giá về gần bằng 0, bị đe dọa hủy niêm yết
Công ty xét nghiệm ADN hot một thời đang chật vật kiếm lợi nhuận.
- 01-02-2024Nhật Bản mãi ‘đỉnh’: Không muốn sa thải hàng loạt như Google, Facebook, tập đoàn Hitachi và Sony cho nhân viên kiêm nhiệm lẫn nhau để đảm bảo thu nhập
- 23-01-2024Vì sao Apple chịu nộp cho Nga gần 26 triệu USD, trong khi Google và Meta vẫn im lặng về hơn nửa tỷ?
- 22-01-2024Đắng cay chuyện sa thải tại Google: 'Hãy sống cuộc đời của mình, đừng sống chỉ vì công việc'
- 19-01-2024Google Maps phải thay đổi vì Olympic Paris 2024
Cách đây năm năm, 23andMe – công ty công nghệ sinh học và gen cá nhân, là một trong những startup hot nhất thế giới. Được thành lập vào năm 2006 bởi Anne Wojcicki, Linda Avey và Paul Cusenza, công ty được biết đến rộng rãi với dịch vụ xét nghiệm DNA và cung cấp những phân tích di truyền học về tổ tiên của khách hàng.
Anne Wojcicki thành lập 23andMe với mong muốn giúp người tiêu dùng kiểm soát việc chăm sóc sức khỏe của họ nhiều hơn.
Bà gặp Sergey Brin – nhà đồng sáng lập Google, và hai người đã kết hôn vào năm 2007. Brin rót vốn đầu tiên cho công ty. Sau đó, Google cũng công bố đầu tư vào startup 2 hai tuần sau khi họ kết hôn.
Chỉ qua một đêm, Wojcicki đã từ một cựu chuyên viên phân tích tài chính ít tên tuổi trở thành ngôi sao ở Thung lũng Silicon. Bà xây dựng thương hiệu 23andMe, tổ chức các “bữa tiệc” để thu thập mẫu DNA của những khách hàng, bao gồm một loạt người nổi tiếng.
Tuy vậy, các sự kiện gây chú ý lớn nhưng không giúp ích gì nhiều cho công ty. Mỗi lần xét nghiệm của 23andMe có giá 399 USD vào thời điểm đó, quá đắt nên khó thu hút người tiêu dùng. Vào năm 2012, tỷ phú gốc Nga Yuuri Milner – một trong những hàng xóm của Wojcicki và Brin ở Los Altos Hills, đã đầu tư vào công ty, giúp 23andMe giảm giá xét nghiệm DNA xuống còn 99 USD.
Với rất nhiều mẫu DNA được lưu trữ trong ngân hàng, 23andMe bắt đầu phát triển thuốc và đạt được một thoả thuận với gã khổng lồ dược phẩm GSK. Nhưng bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD và phải mất 10 năm để vượt qua các thử nghiệm lâm sàng. 23andMe cho biết đã nghiên cứu hơn 50 loại thuốc nhưng mới có hai loại được thử nghiệm ở giai đoạn đầu trên người.
Theo The Wall Street Journal, 5 năm trước, 23andMe là một trong những startup hấp dẫn nhất thế giới. Vào năm 2021, công ty chính thức IPO. Có thời điểm, 23andMe được định giá lên tới 6 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá trị của 23andMe đến nay đã giảm 98% so với mức đỉnh và Nasdaq dọa sẽ hủy niêm yết cổ phiếu dưới 1 USD của công ty. Wojcicki đã cắt giảm 1/4 số nhân viên vào năm ngoái thông qua ba đợt sa thải và bán công ty con. Công ty chưa thể thu được lợi nhuận và đang đốt tiền mặt nhanh đến mức có thể cạn kiệt vào năm 2025. Startup này đã huy động được khoảng 1,4 tỷ USD và đã chi khoảng 80% trong số đó.
Wojcicki vẫn đang bám sát mục tiêu biến 23andMe từ một nhà cung cấp dữ liệu sức khỏe thành một công ty chăm sóc sức khỏe toàn diện chuyên phát triển thuốc, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và bán các báo cáo sức khỏe đăng ký.
Nhưng khi giá trị cổ phiếu của 23andMe đã giảm xuống còn 0,7438 USD, theo MarketWatch, công ty có thể không huy động nổi tiền bằng cách bán thêm cổ phiếu. Các chương trình thuốc giai đoạn đầu của công ty quá tốn kém. Wojcicki đã ra sức tìm kiếm đối tác đầu tư cho một số chương trình nhưng cho đến nay vẫn không thành công.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh xét nghiệm DNA của 23andMe đối mặt với thách thức lớn. Khách hàng chỉ cần làm xét nghiệm một lần và rất ít người làm xét nghiệm nhận được kết quả có tính thay đổi toàn diện với sức khỏe của họ.
Vụ đặt cược đầy tham vọng nhất của Wojcicki là phát triển các loại thuốc dựa trên kho dữ liệu hơn 10 triệu mẫu DNA của 23andMe mà những người tham gia thử nghiệm đã đồng ý sử dụng cho nghiên cứu. Nhưng việc đưa thuốc mới ra thị trường rất tốn kém và mất nhiều năm.
Không những thế, 23andMe đã gặp phải một vụ rò rỉ dữ liệu, làm lộ thông tin phi di truyền của 6,9 triệu khách hàng. Sự việc làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và khiến công ty đối mặt với một loạt các vụ kiện.
Theo WSJ
Nhịp sống Thị trường