Từng yêu cầu rà soát việc bán 11 triệu cổ phiếu của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam
Ngay sau khi bán toàn bộ 51% cổ phần vốn nhà nước, tỉnh Quảng Nam nhận thấy bất cập, có nguy cơ làm mất an ninh trong việc cung cấp nước sạch nên yêu cầu rà soát lại.
- 24-05-2023Sau giao dịch "lạ", một cổ phiếu bất ngờ tăng bốc 245% trong một tháng
- 22-05-2023Khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên, nhiều doanh nghiệp “hot” trên sàn chứng khoán đang không có cổ đông lớn
- 21-05-2023Góc nhìn chuyên gia: Xu hướng giằng co tiếp diễn, “nhắm mắt” mua cổ phiếu mà không chọn lọc kỹ, khả năng cao sẽ thua lỗ
Sau sự cố nước máy trên địa bàn TP Tam Kỳ chảy nhỏ giọt khiến người dân khốn khổ mà chẳng biết kêu ai, nhiều người cho rằng việc tỉnh Quảng Nam bán toàn bộ cổ phần vốn nhà nước, dẫn đến mất quyền chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam là "sai sách".
Từ cuối năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Nam thoái toàn bộ 51% cổ phần tại Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam
Một lãnh đạo TP Tam Kỳ cho biết doanh nghiệp trên điều chỉnh lưu lượng cung cấp nước, dẫn đến tình trạng nước máy bị yếu trên địa bàn TP nhưng không hề thông báo cho chính quyền địa phương.
"Nguồn nước sạch ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến ăn uống, sản xuất, kinh doanh mà giao hết cho tư nhân là rất bất cập. Tỉnh cần có giải pháp chứ để doanh nghiệp quản lý rồi "ưng làm chi làm" sao được" – lãnh đạo TP Tam Kỳ nói.
Liên quan đến việc bán cổ phần, tại thông báo kết luận cuộc họp ngày 11-5-2020, ông Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy rà soát lại quy trình, thủ tục thoái vốn đối với Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo.
Ông Thanh yêu cầu Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với Sở Tài chính để đề xuất UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phương án đảm bảo Nhà nước có thể chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong việc cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Nước máy chảy nhỏ giọt khiến người dân tại Tam Kỳ khổ sở
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, ông Lê Trí Thanh cho biết hiện nay Thường vụ Tỉnh ủy đang chỉ đạo hướng giải quyết.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam trước đây do nhà nước giữ 51% vốn điều lệ. Tháng 1-2015, UBND tỉnh Quảng Nam chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty trên cho Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam, với mục đích "dần thoái vốn để có kinh phí đầu tư vào các dự án quan trọng của tỉnh".
Tháng 3-2016, ông Nguyễn Ngọc Quang lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nay đã nghỉ hưu) ban hành quyết định về việc thoái toàn bộ vốn cổ phần của ngân sách Đảng tại Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam.
Tháng 10-2016, ông Nguyễn Ngọc Quang ký quyết định về việc phê duyệt phương án thoái vốn cổ phần của ngân sách Đảng tại Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam.
Tình trạng nước máy chảy yếu được thông báo sẽ kéo dài tới ngày 25-5
Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Nam chào bán hơn 11 triệu cổ phiếu (toàn bộ 51% cổ phần) với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, bán đấu giá công khai hơn 3,3 triệu cổ phiếu (tương đương 30%), bán cho người lao động và cổ đông tại Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam hơn 7,7 triệu cổ phiếu (70%). Tổng giá trị theo mệnh giá là hơn 110 tỉ đồng.
Từ năm 2017, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần, không có vốn nhà nước. Theo báo cáo của doanh nghiệp, năm 2022 sản lượng nước sạch ghi thu đạt 22.546.000 m3, tổng doanh thu 240,5 tỉ đồng, lợi nhuận 2 tỉ đồng.
Trong ngày 24-5, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến trụ sở của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam để liên hệ nắm thêm thông tin nhưng nhân viên báo lãnh đạo "bận việc".
Người Lao động