Tuổi 30 rực rỡ của Amazon: Tự mình phá bỏ ‘luật ngầm’ tồn tại suốt nhiều năm, dự sẽ bán lượng hàng trị giá hơn 500 tỷ USD, vốn hóa lần đầu tiên vượt 2 nghìn tỷ USD
Trong 30 năm, Amazon thực sự đã có thể thay đổi thế giới mua sắm trực tuyến.
- 03-07-2024S&P 500 lập kỷ lục chưa từng có sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell
- 03-07-2024Chủ tịch FED Jerome Powell lên tiếng, trả lời câu hỏi về khả năng cắt giảm lãi suất tháng 9
- 02-07-2024Từ người rửa bát trở thành ông chủ của hãng chip lớn nhất thế giới: CEO Jensen Huang đúc kết bài học ‘đắt giá’ ai cũng phải gật gù đồng tình
Mùa hè năm 1994, vị trí kỹ sư phần mềm đã được đăng tuyển trên Usenet, tiền thân của các diễn đàn trực tuyến, bởi một công ty đang tham vọng đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử trên Internet. Sơ yếu lý lịch sẽ được gửi đến người đàn ông tên Jeff Bezos tại một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Seattle.
30 năm sau, Amazon, thực sự đã có thể thay đổi thế giới mua sắm trực tuyến. Trong năm 2024, các trang web của công ty được cho là sẽ bán được khối lượng hàng hóa trị giá 554 tỷ USD tại Mỹ, theo ước tính của ngân hàng JPMorgan Chase. Amazon, với 42% thị phần thương mại điện tử Mỹ, theo đó sẽ vượt xa Walmart.
Thế nhưng, Amazon không dừng ở vị thế tiên phong lĩnh vực bán lẻ. Hãng đã phát minh ra Kindle, máy đọc sách điện tử; Alexa, loa thông minh và quan trọng hơn là điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) trị giá 300 tỷ USD, theo Synergy Research.
Bản thân Amazon cũng điều hành Prime Video, dịch vụ phát trực tuyến video được xem nhiều thứ tư tại Mỹ. Một dự án khác mang tính đột phá có tên Kuiper cũng đang phát triển một đội vệ tinh liên lạc trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
Vào ngày 26/6, vốn hóa Amazon lần đầu tiên vượt qua 2 nghìn tỷ USD. Kỷ niệm 30 năm thành lập lúc này không chỉ đơn thuần là thời điểm ăn mừng cho thành tựu mà còn để hướng tới tương lai. Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là làm thế nào để kiểm soát tốt kế hoạch mở rộng quy mô của mình.
Theo lời một cựu giám đốc điều hành, các đơn vị kinh doanh của Amazon khá độc lập với nhau. Jeff Bezos muốn tách mảng kinh doanh quảng cáo khỏi thương mại điện tử để bộ phận bán lẻ không phụ thuộc vào biên lợi nhuận béo bở của bộ phận quảng cáo. Lúc đầu, AWS cũng được vận hành tách biệt với phần còn lại của Amazon vì công ty không muốn tạo ấn tượng rằng họ đang bán năng lượng điện toán dự phòng trong giờ nghỉ giải lao của nhân viên Amazon. Gần đây, một số nhà đầu tư thậm chí còn kêu gọi tách hẳn mảng kinh doanh đám mây, với niềm tin rằng điều này sẽ tạo ra giá trị cho cổ đông.
Tuy nhiên, thập kỷ thứ tư của Amazon có vẻ như sẽ ủng hộ sự hội nhập. Công ty đã phát triển đến quy mô mà bất kỳ khoản đầu tư mới nào cũng rất tốn kém và vì vậy, CEO Andy Jassy dường như muốn tạo ra giá trị bằng cách gắn kết chặt chẽ hơn các doanh nghiệp hiện có. Jeff Bezos, người vẫn nắm giữ 9% cổ phần trong công ty và có tiếng nói lớn về chiến lược, có vẻ đồng tình.
Sự thay đổi được cho là sẽ khiến Amazon trở nên giống với Apple và Microsoft - hai đối thủ công nghệ lớn lâu đời vốn thống trị thế giới trong lĩnh vực thiết bị tiêu dùng và phần mềm kinh doanh.
‘Sợi chỉ’ xuyên suốt mảng quảng cáo và bán lẻ là Prime với hơn 300 triệu thành viên trên toàn thế giới, cung cấp cho người mua sắm dịch vụ giao hàng miễn phí và quyền truy cập vào Prime Video. Các thành viên Prime chi tiêu gấp đôi trên các trang web của Amazon và họ cũng có xu hướng đăng nhập thường xuyên hơn. Amazon hiểu rõ về hành vi mua sắm và vì thế, nhắm quảng cáo chính xác hơn.
Các nhà quảng cáo sẵn sàng trả giá cao cho dịch vụ này. Mảng kinh doanh quảng cáo của Amazon có biên lợi nhuận hoạt động khoảng 40%, thậm chí cao hơn cả mảng kinh doanh đám mây. Vào tháng 1, Amazon bắt đầu hiển thị quảng cáo cho người xem ở Mỹ, Anh, Canada và Đức. JPMorgan Chase ước tính rằng riêng quảng cáo video sẽ thúc đẩy doanh số bán quảng cáo của Amazon tăng khoảng 6% trong năm nay, thêm 3 tỷ USD vào doanh thu hàng đầu. Với biên lợi nhuận cao của hoạt động quảng cáo, tác động đến lợi nhuận sẽ lớn đáng kể.
Để biến nhiều thành viên Prime trở thành người xem quảng cáo thực sự, Amazon đang chi mạnh tay vào nội dung. Gần đây, công ty đã ký hợp đồng với MrBeast, một siêu sao YouTube, được đồn đoán là trị giá 100 triệu USD. Hãng cũn chi 1 tỷ USD/năm để phát trực tuyến một số trận đấu của Giải bóng bầu dục quốc gia vì cho rằng mức giá này là xứng đáng.
Nhiệm vụ lớn hơn của ông Jassy liên quan đến việc biến doanh nghiệp bán lẻ và AWS thành một thể thống nhất liền mạch. Các nhà phân tích suy đoán phần mềm AWS có thể hỗ trợ vận hành 750.000 robot kho bán lẻ.
‘Sợi chỉ’ quan trọng nhất gắn kết hai mảng kinh doanh chính của Amazon là AI. Amazon đã tung ra một số sản phẩm sử dụng công nghệ này, bao gồm công cụ tổng hợp đánh giá của khách hàng, một trợ lý mua sắm ảo và một trình tạo hình ảnh cho các nhà quảng cáo. Hoạt động kinh doanh dược phẩm mới ra đời của Amazon cũng đang sử dụng AI tạo sinh để giúp kê đơn và quản lý kho thuốc.
Năm ngoái, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đệ đơn kiện Amazon, cáo buộc công ty này có các hành vi độc quyền như phân biệt đối xử với những người bán cung cấp sản phẩm giá rẻ, đồng thời khóa các thương gia vào mạng lưới hoàn thiện đơn hàng của mình. Cơ quan này đã kêu gọi các hình phạt, song phía các nhà đầu tư dường như bỏ qua những lo ngại này. Đợt tăng giá cổ phiếu gần đây của Amazon không bị gián đoạn bởi vụ kiện của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.
Thật vậy, rủi ro lớn nhất đối với Amazon lúc này chỉ đến từ tỷ lệ cạnh tranh khốc liệt. Microsoft được cho là đã đi đầu trong việc tích hợp AI tạo sinh vào các dịch vụ doanh nghiệp đa dạng nhờ vào quan hệ đối tác với Open AI, trong khi Alphabet, nhà quảng cáo lớn nhất thế giới và là chủ sở hữu của YouTube, một lần nữa cố gắng tạo ra nhiều đột phá trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Walmart, công ty thống trị thị trường tạp hóa trị giá 2 nghìn tỷ USD của Mỹ cũng đang chuyển sang quảng cáo và ra mắt dịch vụ đăng ký giống như Prime. Nếu muốn tránh khủng hoảng ‘tuổi trung niên’, Amazon sẽ phải chứng minh rằng mình xứng đáng.
Theo: The Economist
An Ninh Tiền Tệ