MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tưởng có điểm tín dụng đẹp, thử tra soát mới phát hiện mình có món nợ với ngân hàng đã 12 năm?

17-03-2024 - 10:09 AM | Sống

Không ít người sử dụng thẻ ngân hàng gặp phải tình huống trên, vì nghĩ tiền không còn trong tài khoản cũng đồng nghĩa tài khoản đó không còn giá trị.

Những ngày vừa qua, thông tin về một khách hàng ở Quảng Ninh nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng và bị ngân hàng đòi 8,8 tỷ đồng sau 11 năm đã gây xôn xao mạng xã hội. Dù đến hiện tại, câu chuyện vẫn đang được xác minh xử lý, thế nhưng con số 8,8 tỷ đồng cũng khiến những ai đang sử dụng các hình thức thanh toán của ngân hàng không khỏi giật mình.

Để tránh gặp phải trường hợp trên, nhiều người đã chia sẻ cách thức kiểm tra nợ xấu, đó là tra điểm tín dụng cá nhân (Credit Score) trên website / ứng dụng CIC (của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam thuộc Ngân hàng Nhà nước), hoặc trực tiếp hỏi thẳng nhân viên ngân hàng về thông tin tín dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý đây chỉ là hình thức kiểm tra nợ xấu của khách hàng thông qua lịch sử vay vốn tại ngân hàng hay tổ chức tài chính, mà vay nợ bằng thẻ tín dụng là một trong số đó.

Nói cách khác, thông qua tra điểm tín dụng CIC, bạn vẫn chưa chắc biết được bản thân có đang nợ ngân hàng số tiền nào hay không để còn nhanh chóng thanh toán để tránh trường hợp “lãi chồng lãi". Đã có không ít trường hợp khách hàng có điểm CIC đẹp nhưng vẫn nợ ngân hàng một khoản tiền.

Tưởng có điểm tín dụng đẹp, thử tra soát mới phát hiện mình có món nợ với ngân hàng đã 12 năm?- Ảnh 1.

Tra điểm CIC không đủ để bạn biết chắc mình có đang nợ ngân hàng số tiền nào không (Ảnh minh hoạ)

Điểm CIC đẹp nhưng vẫn nợ ngân hàng, lý do là gì?

Anh Nguyễn Trần Duy Phương (một chuyên viên CNTT ở TP.HCM) là một trong số đó. Anh Phương có 5 tài khoản ngân hàng đã lâu không dùng đến. Gần đây, sau khi biết thông tin khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng biến thành món nợ 8,8 tỷ, anh đã chọn cách “thủ công" để kiểm tra lại tất cả tài khoản ngân hàng: Gọi cho tổng đài hoặc ra quầy nhờ nhân viên ngân hàng tra soát.

Kết quả, anh phát hiện mình có khoản nợ khoảng 2,2 triệu đồng dù cả 5 tài khoản ngân hàng đã không còn dùng đến từ lâu. Khoản nợ này đến từ phí duy trì thẻ thường niên và phí quản lý tài khoản do anh chưa đóng tài khoản ngân hàng. Cụ thể như sau:

- Khoản nợ của tài khoản mở tại Techcombank và HDBank là 0 đồng vì theo anh chia sẻ, hai ngân hàng này đã đóng tài khoản sau vài năm không phát sinh thêm giao dịch.

- Tương tự, anh cũng không có nợ tại một ngân hàng khác là ACB. Tại thời điểm anh Phương mở tài khoản, có thể đã có chính sách được miễn phí thường niên nên dù chưa đóng tài khoản, anh chàng vẫn không bị phát sinh các khoản phí.

- Khoản nợ phí của tài khoản Đông Á Bank là khoảng 600 ngàn đồng. Vì anh chưa đóng tài khoản thanh toán và thẻ thanh toán nên cần đóng phí thường niên của thẻ từ năm 2012 tới nay.

- Khoản nợ của tài khoản Eximbank là cao nhất, lên tới 1,6 triệu đồng. Giống trường hợp tại Đông Á Bank, anh Phương phải đóng phí duy trì tài khoản (khoảng 11 ngàn đồng/tháng) từ năm 2015 tới nay vì chưa đóng tài khoản ngân hàng.

Tưởng có điểm tín dụng đẹp, thử tra soát mới phát hiện mình có món nợ với ngân hàng đã 12 năm?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Ngay lập tức, anh đã lên kế hoạch để nộp hết tất cả các khoản nợ phát sinh, đồng thời đóng hết 3 tài khoản ngân hàng không còn sử dụng là ACB, Đông Á Bank và Eximbank.

Một số kinh nghiệm mà Duy Phương có được sau câu chuyện trên:

- Thứ nhất, các khoản nợ của anh là phí thường niên của thẻ thanh toán và phí quản lý tài khoản ngân hàng. Do đó, việc nợ này không khiến Duy Phương bị tính nợ xấu, khác nợ thẻ tín dụng. Do đã từng kiểm tra điểm CIC trước đó vài tháng và thấy điểm vẫn tốt cho nên anh đã không nhớ tới việc phải rà soát lại các tài khoản ngân hàng.

- Thứ hai, khi khách hàng đã khóa thẻ thì không có nghĩa là tài khoản ngân hàng sẽ bị hủy/khóa tương ứng. Nhiều trường hợp khóa thẻ nhưng vẫn bị trừ phí duy trì tài khoản như thường. Do đó, bạn nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng qua tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc ra trực tiếp phòng giao dịch là chắc chắn nhất.

- Thứ ba, chính sách cho từng tài khoản ngân hàng tại mỗi thời điểm là khác nhau. Ví dụ, tại một ngân hàng, có người chia sẻ là bị trừ đến âm phí vì quên chưa đóng tài khoản, nhưng Duy Phương lại không bị vì vào thời điểm anh mở tài khoản (năm 2010), chính sách khác hiện nay.

- Thứ tư, một khi phát sinh khoản nợ với ngân hàng, dù không trở thành nợ xấu, khách hàng nên thanh toán đầy đủ và đóng luôn tài khoản nếu không còn sử dụng nữa. Điều này sẽ tránh các phiền hà sau này, cũng như tránh việc tiền sẽ bị ngân hàng trừ nợ ngay lập tức nếu có ai đó chuyển vào. Ngoài ra, khi bạn muốn vay tại các ngân hàng này, cũng sẽ gặp nhiều trở ngại.

Tưởng có điểm tín dụng đẹp, thử tra soát mới phát hiện mình có món nợ với ngân hàng đã 12 năm?- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Tài khoản ngân hàng không sử dụng tính phí như thế nào?

Khách hàng sẽ bị tính phí nếu có đăng ký các dịch vụ cộng thêm như SMS Banking, Internet Banking… và khoản phí duy trì thẻ, phí quản lý tài khoản.

Các khoản phí sẽ phải thanh toán ngay cả khi không sử dụng tài khoản bao gồm: Phí quản lý tài khoản ngân hàng; Phí thường niên thẻ ATM thu theo năm, nếu có đăng ký phát hành thẻ; Phí dịch vụ SMS Banking, Internet Banking nếu có đăng ký.

Mỗi ngân hàng sẽ có những chính sách khác nhau. Có ngân hàng yêu cầu khách duy trì một số dư nhất định thì sẽ miễn các khoản phí. Ngược lại, nếu tài khoản của bạn lâu không dùng và tài khoản cũng không có tiền thì hàng tháng hệ thống vẫn sẽ trừ khoản tiền phí theo quy định, thậm chí hình thành “âm phí” do đã không thể trừ thêm tiền trong tài khoản. Sau đó, khi chủ tài khoản nạp tiền vào thì sẽ tự động trừ số tiền tương ứng. Đối với tài khoản thẻ tín dụng nếu không đóng phí đủ thì sẽ bị tính phí phạt.

Việc mở tài khoản ngân hàng nhưng không dùng tưởng như không có hại, nhưng thực tế có thể khiến bạn chịu thiệt thòi nếu như không để ý. Bên cạnh phải đóng các khoản chi phí phát sinh, bạn còn có nguy cơ bị lộ thông tin tài khoản và đánh cắp thông tin cá nhân vì không quản lý thường xuyên; sẽ bị tính phí phạt khi không thanh toán các khoản phí dịch vụ (với tài khoản thẻ tín dụng).

Tưởng có điểm tín dụng đẹp, thử tra soát mới phát hiện mình có món nợ với ngân hàng đã 12 năm?- Ảnh 4.

1/ Mở tài khoản ngân hàng ngân hàng nhưng không dùng đến thì nên làm gì?

Nếu không có nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng, bạn nên khóa hoặc hủy tài khoản ngân hàng ngay lập tức để tránh các khoản phí và chịu ảnh hưởng khi không dùng.

- Khóa tài khoản tạm thời

Nếu chỉ không sử dụng tài khoản trong một khoảng thời gian nhất định và có thể sử dụng lại trong tương lai thì chỉ nên khóa tài khoản tạm thời. Với chức năng này, khi bạn muốn sử dụng lại thì chỉ cần thực hiện các thao tác kích hoạt lại để mở khóa tài khoản.

Nhưng lưu ý, việc khóa tài khoản tạm thời thì những khoản phí như: Phí quản lý tài khoản, phí thường niên, phí SMS Banking… vẫn sẽ được tính như thông thường.

- Đóng tài khoản ngân hàng vĩnh viễn

Nếu bạn đã không còn muốn sử dụng dịch vụ của ngân hàng để giao dịch nữa thì nên đóng tài khoản ngân hàng vĩnh viễn để không phải trả các khoản phí dịch vụ đi kèm.

Việc đóng tài khoản này có nghĩa là bạn sẽ chấm dứt mọi hoạt động liên quan tới ngân hàng đã đăng ký phát hành tài khoản trước đó. Tài khoản, thẻ ATM sẽ không còn được hoạt động nữa. Và tất nhiên, sau khi đóng toàn bộ tài khoản thì bạn cũng không bị phát sinh bất kỳ khoản phí nào. Tất nhiên là tại thời điểm đóng, bạn đang nợ phí thì buộc phải thanh toán đầy đủ khoản nợ đó.

- Ngừng đăng ký dịch vụ tiện ích

Nếu vẫn muốn duy trì tài khoản ngân hàng nhưng lại không muốn trả các khoản phí dịch vụ tiện ích đi kèm thì có thể tới trực tiếp ngân hàng để hủy dịch vụ SMS Banking, Internet Banking, Mobile Bank… mà tài khoản đã đăng ký trước.

Sau khi hủy dịch vụ, bạn sẽ không phải trả phí duy trì hàng tháng cho những tiện ích này nữa mà chỉ phải trả duy nhất khoản phí duy trì tài khoản.

2/ Hướng dẫn cách khóa hoặc đóng tài khoản ngân hàng

- Cách 1: Đóng tài khoản tại phòng giao dịch ngân hàng

Nếu bạn đã xác định đóng tài khoản vĩnh viễn thì cần phải mang theo giấy tờ tùy thân tới chi nhánh ngân hàng để làm các thủ tục.

- Cách 2: Tạm khóa tài khoản ngân hàng online

Bên cạnh ra quầy giao dịch, bạn có thể khóa tài khoản ngân hàng trực tuyến trên ứng dụng hoặc website của chính ngân hàng đó. Hầu hết các ngân hàng lớn đều đã hỗ trợ chức năng này.

Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng Mobile Banking hoặc Internet Banking.

Bước 2: Nhấn chọn vào phần thẻ/tài khoản.

Bước 3: Chọn vào khóa thẻ/tài khoản.

Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về điện thoại và xác nhận.

Để chắc chắn mình thao tác đúng và xác nhận kết quả, bạn hãy liên hệ với tổng đài/hotline của ngân hàng đang sử dụng nhé.

Theo Vân Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên