MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận của Samsung Electronics giảm 95% trong quý II

27-07-2023 - 09:47 AM | Tài chính quốc tế

Lợi nhuận của Samsung Electronics giảm 95% trong quý II

Samsung Electronics vừa công bố lợi nhuận quý II sụt giảm mạnh do nhu cầu về chip nhớ vẫn rất yếu ớt.

Kết quả kinh doanh quý II của gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc có nhiều điểm thấp hơn so với kỳ vọng. Doanh thu đạt 60,01 nghìn tỷ won (khoảng 47,21 tỷ USD), so với mức dự báo 60,8 nghìn tỷ won mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó. Như vậy doanh thu giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận hoạt động đạt 670 tỷ won, giảm 95%. Samsung kỳ vọng trong nửa cuối năm 2023 lực cầu trên toàn cầu sẽ dần dần hồi phục và giúp công ty cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên, những rủi ro kinh tế vĩ mô vẫn sẽ tiếp tục là 1 thách thức không nhỏ.

Samsung hiện là nhà sản xuất chip DRAM lớn nhất thế giới, những con chip được sử dụng trong nhiều thiết bị tiêu dùng phổ biến như máy tính và điện thoại thông minh.

Hãng cũng cho biết trong quý II sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp nhu cầu về DRAM tăng mạnh hơn dự báo. “Kết quả kinh doanh mảng chip nhớ cải thiện so với quý trước nhờ tập trung vào các sản phẩm HBM và DDR5 với dự báo nhu cầu ứng dụng công nghệ AI tăng vọt sẽ dẫn đến nhu cầu về DRAM bùng nổ”.

Dù lực cầu tổng thể vẫn chưa hồi phục, vì nhu cầu mạnh mẽ đối với công nghệ AI tạo sinh, Samsung vẫn được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư hạ tầng của các trung tâm dữ liệu. Để đào tạo các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT sẽ cần đến những con chip nhớ hiệu suất cao giúp ghi nhớ các chi tiết từ những đoạn hội thoại trong quá khứ và lựa chọn của người dùng để tạo ra phản ứng giống như con người.

Trong 6 tháng cuối năm, Samsung sẽ tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như chip DDR5, LPDDR5x và HBM, đồng thời tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hoạt động R&D và công nghệ đóng gói.

Về mảng điện tử tiêu dùng, lượng smartphone bán ra trên toàn cầu trong năm 2023 được dự báo sẽ giảm 3,2%, xuống còn 1,17 tỷ chiếc theo dự báo của IDC. Các nhà sản xuất smartphone và máy tính đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa chip nhớ sau khi đã tích trữ quá nhiều trong đại dịch, để đáp ứng nhu cầu tăng vọt về đồ điện tử. Trong khi đó lạm phát lại khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến giá chip nhớ giảm mạnh.

Theo Nabila Popal, lãnh đạo của IDC, nhu cầu của người tiêu dùng ở tất cả các khu vực đang hồi phục chậm hơn nhiều so với dự báo, đặc biệt là Trung Quốc.

Tham khảo CNBC

An Nguyên

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên